Vướng mắc khi áp dụng quy định của BLTTDS về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Mặc dù Chương VIII của BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định chi tiết, rõ ràng về các biện pháp khẩn cấp tạm thời và thủ tục, thẩm quyền hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng qua thực tiễn áp dụng, còn có vướng mắc.
Về việc huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 BLTTDS: “Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước” khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, đang là vấn đề vướng mắc rất cần có hướng dẫn.
Phong tỏa tài khoản
Điều 124 BLTTDS quy định: “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
Trong các vụ án dân sự về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự như “Tranh chấp về thanh toán tiền hàng”; “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản”; “Tranh chấp về yêu cầu bồi thường thiệt hại”… thì khi khởi kiện, nguyên đơn đều yêu cầu Toà án giải quyết buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với mình bằng tiền. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án sẽ phải quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước”, nếu như nguyên đơn có yêu cầu.
Căn cứ theo nội dung của điều luật, thì một trong những ý nghĩa quan trọng, thiết thực của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này là để “Bảo đảm cho việc thi hành án”, tức là nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận bằng bản án, quyết định có hiệu lực thì sẽ có sẵn tiền trong tài khoản của bị đơn, người có nghĩa vụ để đảm bảo thi hành; trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành bản án, quyết định có hiệu lực thì nguyên đơn (người được thi hành án) sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, trích tiền từ tài khoản của người phải thi hành án đã bị Toà án phong toả trước đó để thi hành bản án, quyết định của Toà án. Do đó việc thi hành án được thuận tiện, nhanh chóng, quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn được bảo đảm.
Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 138 BLTTDS quy định về “Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”: có 8 trường hợp Toà án phải ra ngay quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong đó, có trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 là “Vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”, có nghĩa là khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, kể cả trong trường hợp yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, Toà án buộc bị đơn, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng tiền cho nguyên đơn thì Toà án vẫn phải ra ngay quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước.
Pháp luật về thi hành án dân sự quy định: Nếu tài sản đã bị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người phải thi hành án vẫn giao dịch chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, không dùng số tiền từ việc bán tài sản đó để thi hành án cho người được thi hành án (nguyên đơn trong vụ án dân sự) thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên tài sản đã bán cho người thứ ba để giải quyết việc thi hành án. (Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020, sửa đổi một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự).
Với quy định trên, trong những vụ án dân sự mà yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ với nguyên đơn thì việc quy định Toà án phải ra ngay quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật tại điểm g khoản 1 Điều 138 BLTTDS chỉ khả thi đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời như “Kê biên tài sản đang tranh chấp” - Điều 120; “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” - Điều 121; “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ”- Điều 126… vì đối tượng bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ở đây là các tài sản hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như nhà cửa, đất đai, xe cộ, tàu thuyền… có thể đưa ra xử lý kê biên dù đã chuyển dịch quyền sang người khác.
Trong những trường hợp mà vụ án dân sự có áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Toà án huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà sau đó bên có nghĩa vụ cố ý tẩu tán để không thi hành bản án, quyết định thì cơ quan pháp luật vẫn có thể xử lý kê biên, bán đấu giá để thi hành án được. Tuy nhiên, đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước” thì tiền trong tài khoản tồn tại dưới dạng tín hiệu, dữ liệu điện tử, vô hình, nên một khi Toà án đã ra quyết định huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà người có nghĩa vụ có ý định tẩu tán tiền trong tài khoản thì ngay lập tức, thậm chí chỉ vài phút tiền trong tài khoản của họ sẽ được chuyển ngay cho người khác, hoặc rút ra bằng tiền mặt, không thể tiến hành kê biên hay thu hồi được nữa. Điều này sẽ làm cho quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án bị xâm phạm nghiêm trọng.
Kiến nghị
Từ những vấn đề như nêu trên, chúng tôi thấy rằng: Đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước” mà Toà án phải ra ngay quyết định huỷ bỏ khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 138 BLTTDS sẽ mất đi ý nghĩa “để đảm bảo thi hành án” mà điều luật quy định khi áp dụng biện pháp này; nhưng nếu Toà án không ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật, mà nhất là trong trường hợp bị đơn, người có nghĩa vụ theo bản án, quyết định lại căn cứ vào quy định tại điểm g khoản 1 Điều 138 để yêu cầu Toà án phải quyết định huỷ bỏ việc phong toả tài khoản thì sẽ rất bất ổn, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo là Toà án không làm đúng quy định của pháp luật.
Từ những vướng mắc trên, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn áp dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 138 BLTTDS đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước” theo hướng: Toà án không buộc phải huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
*Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai
Khi Toà án đã ra quyết định huỷ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người có nghĩa vụ có thể tẩu tán tiền trong tài khoản ngay lập tức - Ảnh: MH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận