Vướng mắc khi giải quyết yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án dân sự của Chấp hành viên
Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực xác định phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của vợ chồng và hộ gia đình.
Để thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thì Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp bảo đảm, thực hiện kê biên tài sản đảm bảo thi hành án. Trong quá trình thực hiện quy định này, việc xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án là công việc hết sức quan trọng. Cơ sở pháp lý được quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và một số luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc khi áp dụng các văn bản quy định pháp luật này vào việc xác định phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của vợ chồng và hộ gia đình.
1. Thực trạng và vướng mắc
1.1. Về quyền yêu cầu Tòa án xác định phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của vợ chồng và hộ gia đình của Chấp hành viên
Hiện nay có 2 quan điểm khác nhau là áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) hay áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
+ Quan điểm 1: Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định phân chia tài sản chung là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của vợ chồng và hộ gia đình theo quy định khoản 1 Điều 74 Luật THADS. Vì điều luật chỉ quy định chung về việc phân chia tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác chứ không có quy định rõ ràng về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng, Chấp hành viên không được tự phân chia và tự xác định phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, mà bắt buộc chấp hành viên phải yêu cầu Tòa xác định. Đây cũng là quan điểm của VKSNDTC hướng dẫn về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Công văn 263/VKSTC-V11 ngày 21/01/2021 về trả lời khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
+ Quan điểm 2: Theo Điều 74 Luật THADS và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, việc xử lý tài sản chung để thi hành án được chia thành 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Tài sản thuộc quyền sở hữu chung của người phải thi hành với người khác (ngoài vợ chồng và các thành viên trong hộ gia đình). Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau 30 ngày, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để họ yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp thứ hai: Nếu tài sản chung gồm tài sản là quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên có nghĩa vụ xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai. Nếu tài sản chung là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì xác định phần sở hữu, quyền sử dụng đất theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo các văn bản về Luật Đất đai (theo Mục 4 Phần III Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì việc xác định tài sản hộ gia đình được thực hiện như sau: Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...). Sau khi xác định, Chấp hành viên phải thông báo cho vợ, chồng hay các thành viên trong hộ gia đình biết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung. Hết thời hạn 30 ngày mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Như vậy, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là cụ thể hóa ra các trường hợp về tài sản chung của hộ gia đình và vợ chồng để Chấp hành viên có quyền áp dụng theo Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác mà phân chia không cần phải yêu cầu Tòa án. Nếu việc phân chia tài sản chung trên của Chấp hành viên mà vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết trong trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý với việc phân chia tài sản của Chấp hành viên và có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, trong tường hợp này Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng và hộ gia đình nên Tòa án trả lại đơn yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 364 BLTTDS 2015. Tác giả đồng tình với quan điểm này.
Như vậy, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 74 Luật THADS còn có những quan điểm chưa đồng bộ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
1.2. Việc cung cấp chứng cứ
Theo quy định tại theo Điều 366 BLTTDS 2015, Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu chứng cứ, trong trường hợp Chấp hành viên yêu cầu thì phải cung cấp chứng cứ hoặc xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản. Nếu là phân chia quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đòi hỏi phải có xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thì Tòa án mới tiến hành thủ tục phân chia. Trường hợp này có thể Chấp hành viên tiến hành thủ tục xem xét thẩm định và định giá tài sản để cung cấp cho Tòa án hoặc yêu cầu Tòa án tiến hành xem xét thẩm định, định giá tài sản. Trên thực tế đa số Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tiến hành thẩm định, định giá tài sản. Tuy nhiên, trong việc này vướng mắc không có quy định Chấp hành viên phải nộp tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản và đồng thời nếu theo kết quả định giá tài sản của Tòa án thì sau khi quyết định phân chia tài sản chung của Tòa án, Chấp hành viên căn cứ vào định giá tài sản này hay phải tiến hành định giá lại.
1.3. Vướng mắc khi xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất khi tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ thường xảy ra trường hợp thửa đất bị cấp giấy chứng nhận sai (chồng lấn, sai vị trí, hình thể, vi phạm quy hoạch,…) thì có phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xử lý, trả lời cho Tòa án hoặc tham gia tố tụng không? hoặc đất có tranh chấp, có người thứ ba quản lý sử dụng,… nhưng không có đơn khởi kiện tranh chấp dẫn đến không thể phân chia. Trong các trường hợp này theo quy định tại phần Thủ tục giải quyết việc dân sự của BLTTDS không có quy định về tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết việc dân sự đối với loại việc này dẫn đến khó khăn khi áp dụng xử lý các trường hợp này như thế nào? Thời hạn giải quyết việc dân sự chỉ tối đa 02 tháng. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 361 BLTTDS năm 2015 thì: “... Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự” như vậy có thể áp dụng quy định ở phần giải quyết các vụ án tranh chấp để tạm đình chỉ, đình chỉ cho loại việc dân sự không?
1.4. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất đai, vật kiến trúc, cây cối, nhà cửa gắn liền với đất thì chia phần hay phải chia theo giá trị, chia theo hiện vật
Nếu phân chia theo phần sở hữu, sử dụng cho từng người thì Tòa án có phải tiến hành định giá tài sản hay không hay chỉ xem xét thẩm định tại chỗ tài sản rồi lấy cơ sở làm căn cứ chia.
Nếu phân chia tài sản theo hiện vật như thế nào được cho là tương ứng. Có quan điểm cho rằng đất đai ở mỗi vị trí, mỗi thế đất đều có giá trị khác nhau (mặt tiền, mặt hậu, gần chợ,…) do đó phải theo giá trị, tính tổng thể để chia; nhưng có quan điểm lại chia theo hiện vật tức là chia đôi đám đất, chia ngang hay chia dọc thì tùy theo diện tích (có tính đến hạn mức đất ở). Về khía cạnh phân chia tài sản thế nào được cho là tương ứng thì trên thực tế giữa quan điểm của mỗi ngành, mỗi người thực hiện cũng có những ý kiến khác nhau; tương ứng giá trị hay tương ứng hiện vật rất khó để xác định tương ứng…
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Để hạn chế phát sinh tranh chấp dân sự, đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự cũng như tổ chức thi hành các phán quyết của Tòa án về trách nhiệm dân sự được thuận lợi, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, việc áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật THADS hay áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đề nghị TANDTC có hướng dẫn thống nhất đối với các TAND địa phương thực hiện.
Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hóa về quy định nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản khi Chấp hành viên yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án.
Thứ ba, cần có hướng dẫn về việc tạm đình chỉ việc dân sự khi phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần kết quả trả lời của các cơ quan chức năng hoặc có thể áp dụng quy định ở phần giải quyết các vụ án tranh chấp để tạm đình chỉ, đình chỉ cho loại việc dân sự.
Thứ tư, cần thiết ban hành án lệ về hình thức phân chia tài sản chung đối với những trường hợp Chấp hành viên yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, lưu trữ hồ sơ, sổ quản lý, theo dõi và thực hiện về việc cung cấp thông tin, phối hợp trong việc giải quyết của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm cung cấp kịp thời yêu cầu của Tòa án về một số nội dung liên quan.
Một vụ cưỡng chế thi hành án. Ảnh MH: CẨM TÚ
Bài liên quan
-
Quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của Luật Đất đai năm 2024 từ góc nhìn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt
-
Cần có hướng dẫn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm
-
Làm rõ cơ sở, căn cứ việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất
-
Bình luận Án lệ số 52/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sử dụng đất - Dưới góc nhìn của Luật Đất đai năm 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận