Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu một số lưu ý đối với cách xác định mức tiền phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đặt vấn đề
Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Đây là một trong những hình thức xử phạt được áp dụng nhiều trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính, hiệu quả cao, thuận lợi trong việc thi hành. Tuy nhiên do Luật XLVPHC và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cụ thể, đầy đủ việc xác định mức phạt tiền trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ gây khó khăn cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thông qua bài viết này nhàm nêu rõ những khó khăn, bất và đề xuất, kiến nghị qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLVPHC.
Hình thức phạt tiền được quy định tại Điều 23, Điều 24 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và tại Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
1. Về đối tượng và áp dụng mức tiền phạt
Thứ nhất, phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt cá nhân1.
Thứ hai, đối với cá nhân vi phạm hành chính là người chưa thành niên thì mức phạt tiền được tính như sau2:
- Đối với người vi phạm hành chính từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không áp dụng hình thức phạt tiền.
- Đối với người vi phạm hành chính từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tiền nhưng không quá 1/2 mức phạt áp dụng đối với người thành niên.
2. Về xác định mức tiền phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ
Các quy định về xác định mức tiền phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính có tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ:
- Khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:
“Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt”.
- Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định:
“1. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt”.
Từ các quy định trên có thể hiểu được cách xác định mức tiền phạt trong các trường hợp hành vi vi phạm hành chính: nếu có hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt tối thiểu khung phạt; nếu có ha tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức phạt tối đa khung phạt; nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức phạt trung bình của khung phạt[1].
2. Khó khăn và đề xuất, kiến nghị
Luật XLVPHC và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP mặc dù quy định tương tối đầy đủ, dễ áp dụng cách xác định mức tiền phạt trong một số trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Tuy nhiên chưa quy định cách xác định mức tiền phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính có một tình tiết tăng nặng hoặc một tình tiết giảm nhẹ[2], gây khó khăn, lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt khi áp dụng.
Để bảo đảm việc ra quyết định xử phạt tiền được thuận lợi, thống nhất, bảo đảm tính công bằng. Tác giả đề nghị bổ sung cách xác định mức tiền phạt trong các trường hợp hành vi vi phạm hành chính có một tình tiết tăng nặng hoặc một tình tiết giảm nhẹ vào Nghị định số 118/2021/NĐ-CP như sau:
Một là, đối với các hành vi vi phạm hành chính có một tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền được áp dụng là mức trung bình của khung phạt cộng với mức cao nhất của khung phạt sau đó chia đôi.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có 02 tình tiết tăng nặng: “tái phạm” và “sau khi vi phạm cố tình che giấu hành vi vi phạm hành chính”, có 01 tình tiết giảm nhẹ “người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi”. Sau khi thực hiện giảm trừ còn 01 tình tiết tăng nặng. Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình hành vi trên bị xử phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Áp dụng cách tính tại mục này xác định được mức tiền phạt như sau:
(5.000.000 + 8.000.000)/2 +8.000.000 /2 = 7.250.000 đồng.
Do vậy Nguyễn Văn A bị xử phạt 7.250.000 đồng.
Hai là, đối với các hành vi vi phạm hành chính có một tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền được áp dụng là mức trung bình của khung phạt cộng với mức thấp nhất của khung phạt sau đó chia đôi.
Ví dụ: Tương tự hành vi vi phạm hành chính tại ví dụ nêu trên nhưng Nguyễn Văn A có 01 tình tiết giảm nhẹ “đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi” và không có tình tiết tăng nặng.
Áp dụng cách tính tại mục này xác định được mức tiền phạt như sau:
(5.000.000 + 8.000.000)/2 +5.000.000 /2 = 5.750.000 đồng.
Do vậy Nguyễn Văn A bị xử phạt 5.750.000 đồng.
Trên đây là một số nội dung về xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
1 Điểm e khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2 Khoản 3 Điều 134 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[1] Hậu Nguyễn, Cách tính mức phạt vi phạm hành chính, https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/cach-tinh-muc-phat-vi-pham-hanh-chinh-230-18885-article.html, truy cập ngày 04/9/2024.
[2] Trang tin pháp luật, Phạt tiền đối với vi phạm hành chính có 01 tình tiết giảm nhẹ, https://trangtinphapluat.com/blog/bai-viet-hay/vuong-mac-phap-luat/phat-tien-doi-voi-vi-pham-hanh-chinh-co-01-tinh-tiet-giam-nhe/, truy cập ngày 04/9/2024.
Lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông- Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Lỗi để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng
-
Công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
-
Thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
-
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận