Tính nhân văn của chế định xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Với mục đích giúp người chưa thành niên phạm tội nhận ra lỗi lầm, cải thiện hành vi, lối sống, sớm tái hòa nhập cộng đồng, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã xây dựng chế định xử lý chuyển hướng với nhiều quy định nhân văn, tiến bộ.
1. Sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên
BLHS hiện hành quy định 03 biện pháp giám sát, giáo dục (khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường thị trấn). Tuy nhiên, các biện pháp này còn ít, chưa đa dạng nên hiệu quả thực thi chưa cao.
Trên cơ sở kế thừa, phát triển các biện pháp này, chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất[1] và bổ sung các biện pháp mới mang tính cải tạo, giáo dục người chưa thành niên, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên, gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 5. Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý. 6. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 8. Hạn chế khung giờ đi lại. 9. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 10. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 11. Quản thúc tại gia đình. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Việc quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng là phù hợp, xuất phát từ các lý do như sau:
(1) BLHS đang quy định các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự. Về bản chất, đây là các biện pháp đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự thông thường vốn được áp dụng cho người trưởng thành, nói cách khác là chuyển hướng người chưa thành niên sang một thủ tục nhanh chóng, đơn giản và thân thiện.
(2) Trên thế giới, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trước khi xét xử là mục tiêu cốt lõi trong nỗ lực củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại nhiều nước, theo đó buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình, nhưng hạn chế tối đa tình trạng kỳ thị, ngăn ngừa hậu quả tiêu cực của việc phải tham gia quy trình tố tụng hình sự phức tạp, thúc đẩy người chưa thành niên khắc phục sai phạm và tránh tái phạm.
(3) Tổng kết thực tiễn thi hành chế định này tại Việt Nam, thấy rằng 03 biện pháp vẫn chưa hiệu quả, ít sự lựa chọn, còn thiếu tính khả thi.
(4) Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung chế định này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua, luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là đối tượng yếu thế với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phù hợp quan điểm định hướng của Đảng về “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội”[2].
(5) Tạo điều kiện cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi áp dụng phù hợp với từng đối tượng người chưa thành niên (hoàn cảnh gia đình, mức độ hành vi, loại tội phạm đã thực hiện), bảo đảm việc giáo dục người chưa thành niên khi thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng hiệu quả nhất.
(6) Việc bổ sung các biện pháp xử lý chuyển hướng, nâng cao trách nhiệm của gia đình, thu hút sự tham gia của cộng đồng, giảm áp lực quản lý cũng như kinh phí cho ngân sách nhà nước.
2. Mở rộng trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Bên cạnh việc kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015[3], dự thảo Luật quy định mở rộng phạm vi các loại tội phạm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để phù hợp với phương án chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng, cụ thể như sau:
+ Cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được chuyển hướng thêm 09 tội danh gồm: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội cướp tài sản; tội cướp giật tài sản; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy.
+ Cho phép người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được chuyển hướng thêm 02 tội danh (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội cướp giật tài sản) và tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý.
Việc mở rộng đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là phù hợp vì:
(1) Tạo cơ sở để thực thi tốt nguyên tắc của BLHS đó là chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên khi xét thấy việc áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục và biện pháp tư pháp không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa (khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015).
(2) Vừa bảo đảm mục tiêu giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu an toàn cho cộng đồng và người bị hại do hầu hết các trường hợp mở rộng xử lý chuyển hướng thuộc trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng là một tổ chức giáo dục có tính kỷ luật chặt chẽ, là cơ sở giáo dục do Bộ Công an trực tiếp quản lý.
(3) Nhiều quy định trong dự thảo Luật đã được bổ sung nhằm bảo đảm chặt chẽ và tránh lạm dụng trong quá trình áp dụng xử lý chuyển hướng như: (a) Quy định cơ quan tiến hành tố tụng phải mở phiên họp với sự tham gia của các chủ thể liên quan để xem xét việc áp dụng xử lý chuyển hướng (thay vì chỉ ra Quyết định như hiện nay); (b) Bổ sung quy định Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; (c) Bổ sung chế tài áp dụng với người chưa thành niên nếu vi phạm nghĩa vụ trong thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng; (d) Bổ sung quy định về khiếu nại, kiến nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
3. Quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng người chưa thành niên
Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên và sự an toàn của bị hại, của cộng đồng. Việc lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng nào áp dụng đối với người chưa thành niên phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên; người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng; không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét mà người phạm tội đã đủ 18 tuổi.
4. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được chấm dứt biện pháp xử lý chuyển hướng trước thời hạn
Dự thảo Luật quy định người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng mà đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và có nhiều tiến bộ thì có thể được chấm dứt trước thời hạn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm khích lệ họ tích cực rèn luyện bản thân và nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
5. Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả
- Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53)
Dự thảo Luật quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; riêng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng phải do Tòa án quyết định vì liên quan đến quyền con người, đến việc hạn chế tự do của người chưa thành niên.
- Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (từ Điều 54 đến Điều 69)
Dự thảo Luật quy định 02 trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng như sau: (1) Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng; (2) Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Đồng thời, để bảo đảm nghiêm minh, cũng như nâng cao hiệu quả giáo dục người chưa thành niên, dự thảo Luật quy định: (1) Chế tài xử lý vi phạm nghĩa vụ như (a) Gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ 01 lần; (b) Thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nếu người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên; (c) Đình chỉ thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng và kích hoạt quy trình xử lý trách nhiệm hình sự theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự nếu người chưa thành niên phạm tội mới; (2) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục xử lý chuyển hướng.
[1] Quy định theo hướng này hoàn toàn phù hợp vì BLHS năm 1999 quy định 02 biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường và đưa vào trường giáo dưỡng, BLHS năm 2015 đã chuyển biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám sát, giáo dục (xử lý chuyển hướng) nên việc chuyển biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng là có cơ sở; làm căn cứ cho việc mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên.
[2] Chỉ thị số Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
[3] a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet.
Bài liên quan
-
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
-
Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhân văn, bảo vệ quyền, lợi ích và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên
-
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận