Xử lý hành vi không thi hành quyết định của Tòa án và đưa tin sai sự thật
Xử lý hành vi không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án là một vướng mắc hiện nay. Tác giả kiến nghị một số giải pháp để khắc phục tình trạng này.
1.Xử lý hành vi không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án
Quy định pháp luật và thực tiễn
Điều 106 BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án của Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ và việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Điều 495 BLTTDS 2015 quy định việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Điều 498 BLTTDS 2015 quy định về hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự.
Đối chiếu quy định tại Điều 498 BLTTDS, các Điều 21, 48 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thấy rằng, hành vi không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền và thẩm quyền thuộc về Chánh án, Chánh tòa.
Dự thảo Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án tại khoản 4 Điều 5, Điều 26 có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các tài liệu chứng cứ cho Tòa án đồng thời đã bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt là thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc.
Theo tác giả, quy định như tại Pháp lệnh là phù hợp. Bởi lẽ Thẩm phán được phân công giải quyết vụ, việc là người trực tiếp ban hành quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, theo dõi việc thi hành quyết định đó, nếu có hành vi vi phạm sẽ trực tiếp xử lý. Việc làm này đơn giản hóa các thủ tục và giảm bớt áp lực cho Chánh án, Chánh tòa.
Ngoài ra, ngoài hình thức xử lý là cảnh cáo, phạt tiền. Cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Biện pháp này nhằm đảm bảo việc thực hiện cung cấp chứng cứ.
Thực trạng hiện nay cho thấy trong quá trình giải quyết vụ việc tại TAND huyện Bàu Bàn, tỉnh Bình Dương, có rất nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức không chấp hành đúng quy định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Điều này gây khó khăn cho hoạt động tố tụng của Tòa dẫn đến vụ án bị tạm đình chỉ kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án.
Vụ việc thứ nhất: Ông Trần Văn V khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất với bà Trần Thị T. TAND huyện đã nhiều lần yêu cầu UBND tỉnh cung cấp thông tin về việc giải tỏa, bồi thường Quốc lộ 13 có liên quan đến phần diện tích đất các bên đang tranh chấp. Từ tháng 8 năm 2016 đến 22 tháng 11 năm 2017, Tòa án mới nhận được Công văn trả lời. Vụ án tạm đình chỉ từ tháng 8 năm 2016 đến tháng 11 năm 2017. Như vậy, từ thời điểm Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ cho đến khi nhận được văn bản trả lời là hơn một năm cơ quan lưu giữ tài liệu chứng cứ mới thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Cơ quan được yêu cầu cung cấp chứng cứ tiến hành chỉ dẫn mà không thực hiện yêu cầu, nhưng Tòa án chỉ có động thái “nhắc nhở” mà không xử lý hành chính.
Vụ việc thứ hai: Ông Bạch Văn K, bà Huỳnh Thị L khởi kiện ông Bạch Văn T về việc tranh chấp về quyền sử dụng đất. Ngày 31 tháng 5 năm 2016, Tòa án yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai huyện cung cấp tài liệu, chứng cứ là bản sao lục hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử đất cho ông Bạch Văn T. Ngày 14 tháng 7 năm 2016, TAND huyện Bàu Bàn ban hành công văn thông báo về việc chưa nhận được kết quả về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Như vậy, quá thời hạn 15 ngày, Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai huyện B không thi hành quyết định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Tòa án cũng chỉ có động thái nhắc nhở bằng văn bản mà không có biện pháp chế tài nào đối với cơ quan này.
Một số giải pháp hoàn thiện
Chúng tôi kiến nghị UBTVQH ban hành Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Trong đó, nội dung điều luật về hình thức xử lý cần có biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có nội dung “buộc cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các tài liệu chứng cứ cho Tòa án”.
Tại chương quy định về thẩm quyền xử lý là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nhưng cần phân định như sau: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Đối với cơ quan vi phạm thì thẩm quyền của Chánh án, Chánh tòa.
2.Xử lý hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án
Quy định của pháp luật và thực tiễn
Khoản 2 Điều 495 BLTTHS 2015 quy định: Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật .
Luật Báo chí 2016 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án .
Luật Báo chí 2016 cũng quy định: Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí .
Hiện nay có sự không thống nhất về mặt thuật ngữ giữa BLTTDS và Luật Báo chí. BLTTDS sử dụng thuật ngữ “đưa tin sai sự thật” và Luật Báo chí sử dụng thuật ngữ “thông tin sai sự thật”.
Theo tác giả, “đưa tin” có thể được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí gọi là “thông tin”. Hành vi này bị điều chỉnh bởi Luật Báo chí. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Hiện nay, thông tin được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Như vậy, hành vi “đưa tin” được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí và mục đích của họ là “nhằm” cản trở Tòa án giải quyết vụ án sẽ vẫn phải chịu chế tài của Luật Báo chí.
Và “đưa tin” cũng có thể được thực hiện bởi bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thông qua các trang mạng xã hội. Việc “đưa tin” mang ý chí chủ quan, không được kiểm chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, không loại trừ trường hợp đưa tin sai sự thật về vụ, việc mà Tòa án đang giải quyết dẫn đến những người tiếp nhận nguồn thông tin có cái nhìn sai lệch về việc giải quyết vụ án. Người có hành vi đưa tin chỉ cần thỏa mãn điều kiện đưa tin và mục đích của họ là “nhằm” cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính. Hành vi có thể chưa gây hậu quả gì đối với việc giải quyết vụ án vẫn có thể bị xem xét xử lý để đảm bảo sự tôn trọng đối với cơ quan tiến hành tố tụng. BLTTDS quy định “người có hành vi đưa tin” là xác định chế tài cụ thể là đối với cá nhân, loại trừ xử lý hành vi này đối với cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra còn có sự chồng chéo khi xử lý “người có hành vi đưa tin sai sự thật”, đó là: Cá nhân hoạt động tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí có hành vi đưa tin sai sự thật vừa bị xử lý theo BLTTDS và vừa bị xử lý theo Luật Báo chí.
Thực tiễn hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý. Tuy nhiên để tạo sự đồng bộ khi tiến hành xử phạt cần có quy định mang tính thống nhất.
Một số giải pháp hoàn thiện
Khoản 2 Điều 495 BLTTDS 2015 nên quy định như sau: “Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trừ những hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án được xử lý theo quy định tại Luật Báo chí và pháp luật có liên quan”.
Thứ hai, kiến nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết hướng dẫn Điều 495 BLTTDS về việc xử lý người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án với nội dung như sau: “Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trừ những hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án được xử lý theo quy định tại Luật Báo chí và pháp luật có liên quan”.
Về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận