“Phi chính trị hóa" có làm tăng thêm sức mạnh của quân đội trong phòng, chống thiên tai? - Bài 3: Giữ vững ngọn cờ tiên phong

Thông qua thủ đoạn “bới lông tìm vết”, thông qua những lý do được xuất phát từ thông tin thêu dệt, đơm đặt, ngụy tạo như đã trình bày ở bài viết trước, một số đối tượng trong xã hội đã lớn tiếng góp ý, phê phán việc sử dụng quân đội vào hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là không cần thiết và lãng phí. Thực chất đây là thủ đoạn nhằm đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Vậy nếu “phi chính trị hóa" thì có làm tăng thêm sức mạnh của quân đội trong phòng, chống thiên tai?

Không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng

Nghiên cứu lịch sử hình thành quân đội của các nước trên thế giới nhận thấy không có bất cứ một quân đội nào tách rời nhà nước, tách rời thể chế chính trị và giai cấp. Quân đội bao giờ cũng gắn chặt với giai cấp, nhà nước, thể chế chính trị đã sinh ra nó và mang bản chất giai cấp sâu sắc. Thực tế đã chứng minh, không có quân đội đứng ngoài nhà nước. Quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước để bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó. Không có và không thể có quân đội “phi giai cấp” hoặc “siêu giai cấp”, quân đội “phi chính trị” hoặc “đứng ngoài chính trị”. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều tổ chức ra quân đội với các chức năng khác nhau, nhưng chức năng bảo vệ tổ quốc luôn là cơ bản, bao trùm. Từ chức năng cơ bản này, các quốc gia quy định nhiệm vụ cho quân đội. Nghiên cứu quân đội các nước nhận thấy, việc tổ chức cho quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là khá phổ biến. Ví dụ như Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan có chức năng, trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự công cộng và tham gia các chương trình phát triển xã hội bằng cách hỗ trợ chính phủ dân sự. Các lực lượng này còn phải tham gia hỗ trợ nạn nhân của các thảm họa quốc gia và kiểm soát ma túy. Hay như Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF) ngoài bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chiến lược còn có trách nhiệm bảo vệ trật tự công cộng, ứng cứu, trợ giúp trong các thảm họa thiên nhiên.

Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 202 (Vùng Cảnh sát biển 2) khẩn trương di dời người dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ra khỏi vùng bị ngập lụt (Ảnh: TTXVN)

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện, nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Do đó, chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam là chính trị của Đảng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là nguyên tắc căn bản, là điều kiện tiên quyết trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Ngày 25-10-1951, trong “Bài nói chuyện tại trường Chính trị trung cấp Quân đội” (nay là Học viện Chính trị), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” (1).

Điểm 1, Điều 25 (Điều lệ Đảng khóa XIII) ghi rõ: “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; xây dựng Quân đội và Công an trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính tri và trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước”.

Từ ngày thành lập đến nay, Quân đôi nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tế lịch sử đã chứng minh, mọi thành công của quân đội đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Ngày 22-12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (2).

Trong thực tế thấy rằng, thiên tai, sự cố thường đến bất ngờ và việc khắc phục phải khẩn trương, nhanh chóng. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng lực lượng dân sự chuyên trách đảm bảo dịch vụ trong phòng, chống thiên tai là không phù hợp vì chi phí rất lớn và tốn công sức. Thế nên, việc đề xuất một lực lượng có thể thay thế quân đội là không khả thi và đó là một phương án “siêu ảo tưởng”.

Từ những căn cứ trên có thể khẳng đinh, việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong xây dựng lực lượng vũ trang là tất yếu khách quan. Thế nên, việc đòi “phi chính trị hóa” quân đội là ảo tưởng, đi ngược với bản chất truyền thống và xu hướng phát triển của quân đội. Nếu quân đội không có chính trị dẫn đường thì công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cúu nạn cũng chẳng thể nào đạt hiệu quả như mong muốn.

Phòng, chống thiên tai tinh nhuệ, chuyên nghiệp

Hiện nay, trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Đảng ta đã xây dựng được quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm nền móng xây dựng quân đội hiện đại, “tinh, gọn, mạnh” trong tương lai như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đây là nền tảng rất thuận lợi cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Nâng cao hiệu quả công tác này cũng là một trong những biện pháp để ngặn chặn, đẩy lùi tư tưởng đòi “phi chính trị hóa” quân đội. Để đạt được mục đích đó cần làm tốt các giải pháp sau đây.

Để tiếp cận hiện trường cứu dân, lực lượng cứu hộ của Quân khu 5 phải di chuyển bằng ròng rọc qua sông (Ảnh: TTXVN)

Trước hết, yếu tố quan trọng hàng đầu là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng yếu tố chính trị tinh thần thật vững, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò trách nhiệm của quân đội; kiên quyết chống tư tưởng coi nhẹ, chủ quan trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đây là nội dung xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trong tình hình hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc; thấy rõ hơn vai trò nòng cốt, trách nhiệm to lớn, vinh quang, là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của quân đội ta. Trong giáo dục, tuyên truyền, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác huấn luyện, sẵn sàng ứng phó thiên tai, sự cố và tham gia TKCN. Hiện nay, thiên tai ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường và xảy ra trên diện rộng, cả ở khu vực ven biển và miền núi; tập trung vào nhiều thời điểm trong năm. Thực tế cho thấy, trước kia thiên tai, bão lũ thường tập trung vào dịp cuối năm, nhưng hiện nay, bão lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để đạt được mục đích, yêu cầu trong phòng, chống bão lũ, thiên tai cần xác định phương châm “4 tại chỗ”, trong đó yêu cầu trước mắt đặt ra là cần làm tốt công tác phòng, chống ở đơn vị, cơ quan trước; đồng thời tích cực và tận tâm, tận lực giúp đỡ chính quyền, nhân dân phòng, chống có hiệu quả như tinh thần Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã quán triệt: “Quân đội làm hết sức mình vì nhân dân, vì Tổ quốc và sự trường tồn của đất nước này”. Tiếp đó là cần tập trung xây dựng tinh thần kỷ luật nghiêm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đặc biệt là tránh tình trạng lợi dụng việc giúp dân di rời, chằng chống nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để vòi vĩnh hoặc bớt xén, lấy của nhân dân làm của riêng. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động hoàn thiện các phương án phòng, chống, trong đó cần xác định rất rõ vùng bị ảnh hưởng, dân số trong vùng và mức độ thiệt hại để qua đó bố trí lực lượng, phương tiện nhanh chóng cơ động đến ứng cứu kịp thời.

Các cơ quan, đơn vị cần hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy trong phòng, chống thiên tai bão lũ theo phương châm nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Thực tế cho thấy, thiên tai thường đến rất nhanh và bất ngờ nên việc giữ vững mạch thông tin chỉ huy thông suốt trong mọi điều kiện hoàn cảnh là rất quan trọng. Bởi khi nắm chắc thông tin thì người chỉ huy đơn vị sẽ có phương án tổ chức lực lượng cứu dân, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Bởi trong điều kiện thiên tai xảy ra, các yếu tố bảo đảm như điện dễ bị mất và không có sóng cho điện thoại di động dễ khiến cho hệ thống thông tin chỉ huy bị gián đoạn hoặc đứt gãy.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là cần đầu tư, mua sắm các trang bị, phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phù hợp với thực tế. Qua thực tiễn cơ sở nhận thấy, hiện nay nhiều đơn vị vẫn tận dụng khí tài, phương tiện cũ vào trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai. Ví dụ, nhiều lữ đoàn ở cấp quân khu được trang bị loại xe chở quân thế hệ cũ, tốn nhiên liệu và cơ động chậm trên các tuyến đường đã được đầu tư lam mới. Nhiều đơn vị đóng quân ở khu vực rừng núi, thường xuyên làm nhiệm vụ chữa cháy rừng nhưng không được trang bị các loại phương tiện, máy thổi hơi loại nhỏ, hoặc các loại bảo hộ chữa cháy... mà phải dùng các dụng cụ thô sơ, khiến cho hiệu quả chữa cháy không cao. Trong quá trình khảo sát ban chỉ huy quân sự các huyện ở khu vực thường xuyên có lũ lụt nhận thấy các đơn vị này đã được trang bị xuồng công suất lớn nhưng điều đáng buồn là lại không được trang bị phương tiện ô tô để kéo nó. Thế nên việc cơ động hạ xuồng thực hiện nhiệm vụ là rất khó khăn.  

Lực lượng chức năng chạy đua với thời gian tìm kiếm những người mất tích do sạt lở

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, bổ sung các phương án, tích cực tổ chức luyện tập theo phương án đã xây dựng, đồng thời tổ chức huấn luyện bồi dưỡng các kỹ năng sử dụng phương tiện tác nghiệp trong vùng bão lũ, trong đó đặc biệt chú ý đến các phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho bộ đội làm nhiệm vụ. Cần đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thực tế cho thấy, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là quá trình làm việc phân tán, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, rất nguy hiểm đến tính mạng. Thế nên, càng được tập huấn, bồi dưỡng sâu về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp thoát hiểm, nhất là được luyện tập nâng cao thể lực thường xuyên thì sẽ giúp cho hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cao hơn rất nhiều. Quá trình huấn luyện cần tổ chức huấn luyện kỹ từ kiến thức phổ thông, cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn trong bão, lụt, thảm hoạ đến huấn luyện công tác bảo hộ, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ... Đối với các lực lượng chuyên trách cần nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng thành thạo, hiệu quả các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện đại, nhất là khi xảy ra tình huống trên biển, khắc phục sự cố tràn dầu, cứu sập đổ công trình, chống cháy nổ, cháy rừng tại các địa hình phức tạp...

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần quan tâm và đầu tư là bảo đảm thông tin báo chí tuyên truyền trong thiên tai. Khi thiên tai xảy ra thì dư luận xã hội rất quan tâm đến các thông tin chính xác từ hiện trường. Việc đưa tin nhanh, sâu, đúng, chính xác có tác dụng rất lớn, không chỉ cổ vũ, động viên nhân dân vùng thiên tai mà qua đó còn có tác dụng ngăn ngừa những nguồn tin không chính thống, thiếu chính xác của các thế lực thù địch và đối tượng bất đồng chính kiến trong xã hội chúng ta, ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra.

77 năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự thương yêu, đùm bọc, hết lòng giúp đỡ của nhân dân, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, thật sự xứng đáng là “quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”. Do vậy, việc quân đội giữ vững ngọn cờ tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, “chiến đấu” với loại giặc mới là thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là không để xảy ra các sự cố, các hạn chế yếu kém để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá là yêu cầu hết sức cần thiết và phải được tiến hành thông qua mệnh lệnh trái tim.

Chú giải 

  1.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.217
  2.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.457

QUANG MINH - MẠNH THẮNG