.jpg)
Anh B, ông D, bà Y không có trách nhiệm trả lại số tiền liên quan đến số tiền lừa đảo trong vụ án
(TCTA) - Sau khi nghiên cứu bài viết “Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?” của tác giả Văn Linh đăng ngày 30/3/2025, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.
Sau khi nghiên cứu nội dung vụ án, các quy định của pháp luật, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng, trách nhiệm bồi thường cho các bị hại thuộc về bị cáo, những người được H trả nợ (ông D, bà Y, anh B) không liên quan và không chịu trách nhiệm gì trong vụ án bởi hành vi của H thực hiện một mình, ông D, bà Y, anh B là những người không biết về số tiền H trả nợ là do H dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà N, ông T, chị L mà có. Do đó, chỉ buộc H phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại. Bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, cần làm rõ mối quan hệ giữa hành vi chiếm đoạt tài sản người khác của H và giao dịch dân sự ngay tình của bên thứ 3. Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLDS 2015, thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự và nội dung vụ án mà tác giả Văn Linh nêu ra, thì giao dịch dân sự giữa H và ông D, bà Y, anh B là giao dịch có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Bởi vì, cả ba người đều không biết số tiền họ nhận được từ H là tiền do phạm tội mà có và H cũng không nói về nguồn gốc của số tiền này và nghĩ đó là việc H đang tự giác trả nợ. Quan hệ vay mượn giữa H và ông D, bà Y, anh B là hợp pháp và việc họ nhận được tiền từ H phải được pháp luật tôn trọng là giao dịch có hiệu lực do thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 117 BLDS.
Thứ hai, tiền phạm tội đã được chuyển hóa, không còn là vật chứng. Số tiền 3.500.000.000 đồng mà H dùng để trả nợ lúc này là tài sản của chủ sở hữu đã nhận, khoản tiền không còn chịu sự quản lý của H. Tiền là vật đặc định đã hòa trộn trong tài khoản của người nhận một cách ngay tình và được chuyển hóa qua việc thanh toán trong các giao dịch dân sự, do đó không còn là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả cho các bị hại, chỉ buộc H bồi thường cho các bị hại. Trong trường hợp này không thể áp dụng Điều 47, 48 BLHS 2015 và điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS 2015 quy định về việc trả lại tài sản bị chiếm đoạt, vật chứng cho chủ sở hữu.
Thực tế đã có những hành vi tương tự nhau nhưng cách xử lý, quan điểm mỗi cá nhân là khác nhau, khi xác định được đường đi của dòng tiền phạm tội mà có, có quan điểm cho rằng buộc phải thu hồi số tiền ông D, bà Y, anh B trở về để trả lại cho người bị hại là bà N, ông T, chị L. Trường hợp bên nhận tiền (ông D, bà Y, anh B) là người thứ 3 ngay tình và họ không biết tiền nhận từ H có nguồn gốc từ phạm tội mà có, thì Tòa cho họ quyền khởi kiện H trong một vụ kiện dân sự khác, liên quan giao dịch dân sự của các bên.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.
Để bạn đọc nhìn nhận đa dạng, khách quan Tạp chí Tòa án nhân dân xin cung cấp thêm bài viết về cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tình huống tương tự tại đường link: https://tapchitoaan.vn/can-rut-kinh-nghiem-trong-giai-quyet-mot-vu-an-tham-o-tai-san13080.html
TAND tỉnh Thái Bình xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Ninh Thanh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận