Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Quyền nhân thân cơ bản và quan trọng của mỗi người là quyền bất khả xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của họ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nơi có sự tiện ích và tốc độ lan truyền nhanh chóng, vấn đề xâm phạm ngày càng gia tăng cùng với mức độ nguy hiểm. Bài viết đề cập đến một số vấn đề liên quan đến một trong các biện pháp bảo vệ quyền nhân thân cơ bản trên theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay.
1. Cơ sở lý luận về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín không chỉ là những quyền nhân thân của cá nhân, mà còn là những yếu tố cốt lõi định hình tính cách và giá trị của mỗi người. Đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là nền tảng quan trọng của xã hội, đặt nền móng cho một môi trường công bằng và tôn trọng, nơi mỗi cá nhân có cơ hội phát triển và góp phần vào sự thịnh vượng chung. Bảo vệ những giá trị này không chỉ là nhiệm vụ của cá nhân mà còn là sứ mệnh của cộng đồng, xây dựng nên một xã hội mà mọi người được đánh giá và tôn trọng dựa trên đức hạnh và đóng góp tích cực của họ. Tại Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948 quy định: “Không ai phải chịu can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân…”. Trên cơ sở đó, tại Việt Nam, Hiến pháp 1980 đã ghi nhận như sau: “Công dân có quyền tự được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”[1]. Quyền này tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”[2] và Hiến pháp 2013, “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”[3] . Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định chi tiết hơn tại BLDS 2015 như sau: “1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. 3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. 4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. 5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”[4].
Như vậy, ngoài việc quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, BLDS 2015 còn đặt ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ cá nhân khi phải đối mặt với các hành vi xâm phạm. Cụ thể, điều luật này quy định rõ những biện pháp mà cá nhân có thể yêu cầu nhằm giữ gìn danh dự, nhân phẩm, uy tín của bản thân mình, bao gồm việc yêu cầu bác bỏ thông tin sai lệch, đòi hỏi người thực hiện hành vi xâm phạm phải công khai xin lỗi và cải chính công khai, cùng việc đề xuất bồi thường thiệt hại. Điều này không chỉ là sự thể hiện của quyền lợi cá nhân mà còn là bước quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tôn trọng quyền riêng tư. Theo quy định của BLDS 2015, cá nhân được phép yêu cầu người đã lan truyền thông tin gây tổn thất đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải thực hiện các biện pháp như gỡ bỏ, cải chính, hoặc huỷ bỏ thông tin đó. Trong trường hợp không xác định được người đưa thông tin, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố rằng thông tin đó là không đúng. Ngoài ra, cá nhân bị thiệt hại còn được quyền yêu cầu người đưa tin phải xin lỗi, thực hiện sự cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại Điều 592 BLDS 2015[5].
2. Thực tiễn giải quyết hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân bằng phương thức buộc xin lỗi, cải chính công khai
Gần đây, các hành vi vi phạm uy tín, giá trị của con người như lăng mạ, chửi bới, bôi nhọ người khác ngày càng gia tăng. Biểu hiện của nó ngày càng tinh vi, đặc biệt là khi những hành vi này được thực hiện trên mạng xã hội. Hầu hết những người thực hiện hành vi trên đa phần có suy nghĩ “bản thân có quyền tự do ngôn luận” vì đây cũng là quy định được ghi nhận trong Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới” và Hiến pháp 2013 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”6. Nhưng quyền tự do ngôn luận vẫn bị hạn chế nếu nó gây hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác. Do đó, việc thực thi và bảo đảm quyền tự do ngôn luận không thể đi ngược lại với đạo đức xã hội, lợi ích chính đáng của con người và cộng đồng.
Phần lớn những hành vi xâm phạm nhân phẩm và danh dự của người khác đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống cá nhân của người bị hại, bao gồm những vấn đề về tinh thần, mất uy tín, ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội. Mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của internet là vô số hành vi vi phạm quyền con người được đăng tải trên các trang mạng xã hội dù những thông tin đó vẫn chưa được xác thực là đúng hay chưa.
Thực tế là đã có rất nhiều vụ án được Tòa án đưa ra xét xử để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của những người bị xâm phạm, tuy nhiên, đối với các hành vi xâm phạm, việc xác định hành vi xâm phạm thường gặp nhiều khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín là bao nhiêu. Hầu hết, các Tòa án thụ lý vụ án với quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Ngoài ra, với việc quy định xử lý thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó, nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định pháp luật rõ ràng về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia khi thực hiện việc xin lỗi và cải chính công khai như: Do cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào gỡ bỏ? Cải chính bằng hình thức nào? Bao nhiêu lần là đủ? Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thi hành các bản án đã tuyên về việc buộc xin lỗi công khai. Hiện nay các Tòa án địa phương có nhiều cách giải quyết khác nhau. Một số Tòa án chỉ buộc bị đơn xin lỗi công khai mà không quy định cụ thể địa điểm thực hiện. Một số khác lại yêu cầu xin lỗi tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của nguyên đơn. Thậm chí, có trường hợp Tòa án chấp nhận việc xin lỗi trực tiếp tại Tòa án. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án, Tòa án không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn xin lỗi công khai vì lý do “việc xin lỗi công khai trên mạng xã hội chưa được pháp luật quy định”. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền của người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Việc thiếu sót quy định về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia và biện pháp cưỡng chế trong việc xin lỗi, cải chính công khai đã ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ quyền danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và tổ chức, đồng thời gây khó khăn cho việc thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, đối với phán quyết của Tòa án buộc người vi phạm xin lỗi, cải chính công khai nhưng họ không thực hiện thì hướng giải quyết như thế nào?
3. Đề xuất, kiến nghị
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của một cá nhân ngoài việc được bồi thường bằng giá trị vật chất, nhưng việc nhận được lời xin lỗi chân thành từ người vi phạm cũng đóng vai trò rất quan trọng. Lời xin lỗi thể hiện sự hối hận, mong muốn sửa chữa lỗi lầm và hàn gắn mối quan hệ giữa các bên. Đối với người bị xâm phạm, lời xin lỗi giúp họ cảm thấy được tôn trọng, được thấu hiểu và phần nào xoa dịu tổn thương. Tuy nhiên, lời xin lỗi cần xuất phát từ sự chân thành, hối hận thực sự, chứ không phải chỉ là lời nói suông. Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc xin lỗi và cải chính công khai cho các hành vi vi phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định về trình tự, thủ tục xin lỗi, cải chính công khai trong trường hợp cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ gây ra thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2019.
Để khắc phục những hạn chế này, tác giả nhận thấy cần thiết phải có quy định cụ thể về việc xin lỗi, cải chính công khai trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Do đó, tác giả kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, về xin lỗi. Hình thức nên cụ thể hóa địa điểm hơn, ví dụ: “Tại nhà riêng, nơi làm việc hoặc địa điểm khác do người bị thiệt hại đề xuất”. Hoặc yêu cầu xác định rõ ràng tài khoản mạng xã hội được sử dụng để đăng tải thông tin sai lệch và tài khoản dùng để đăng bài xin lỗi. Đối với báo chí, bổ sung quy định về số lượng số báo đăng bài xin lỗi liên tiếp trong trường hợp phạm vi ảnh hưởng trên cả nước. Nội dung xin lỗi nên nêu rõ các nội dung cần thiết trong lời xin lỗi, bao gồm: xác nhận hành vi sai trái; thể hiện sự hối lỗi và mong muốn sửa chữa; cam kết không tái phạm.
Thứ hai, về cải chính công khai. Với hình thức cải chính trực tiếp có thể quy định rõ ràng về nội dung buổi cải chính, bao gồm: thời gian, địa điểm; thành phần tham dự; hình thức tổ chức (hội nghị, thông báo,...). Hình thức cải chính thông qua báo chí có thể bổ sung quy định về số lượng số báo đăng bài cải chính liên tiếp trong trường hợp phạm vi ảnh hưởng trên cả nước. Về nội dung cải chính nên nêu rõ các nội dung cần thiết trong bài cải chính, bao gồm: thông tin sai lệch cần được sửa chữa; thông tin chính xác cần được đăng tải; lời xin lỗi.
Bên cạnh đó cần có quy định về giải pháp bảo đảm thi hành như: xây dựng quy trình, thủ tục chi tiết, cụ thể về việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai, bao gồm: thời hạn thực hiện; trách nhiệm của các bên liên quan; các bước thực hiện cụ thể và quy định rõ ràng các biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện xin lỗi, cải chính công khai, bao gồm: phạt tiền; buộc thực hiện biện pháp khác.
4. Kết luận
Danh dự được hình thành từ những hành động, lời nói, phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất mà mỗi con người cần phải gìn giữ. Quyền tự do ngôn luận đóng vai trò quan trọng trong môi trường Internet, thúc đẩy giao lưu văn hóa và phát triển tri thức. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân cần được lên án và xử lý nghiêm minh, bất kể xảy ra ở đời thực hay trên không gian mạng, bởi lẽ, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”[7]. Hiện nay, việc giải quyết yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai trong các vụ án bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đang tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự thống nhất giữa các Tòa án. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thực thi pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia vụ án. Do đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về xin lỗi, cải chính công khai trong lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết. Mục tiêu nhằm hướng đến sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật tại các Tòa án, bảo đảm tính công bằng, chính xác và hiệu quả trong giải quyết các vụ án liên quan.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. X. Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide - Chủ biên (2011), Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, 1948, Nxb. Lao động - xã hội.
4. Nguyễn Thị Mộng Tiền, Bàn về xin lỗi, cải chính công khai trong vụ án bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, https://lsvn.vn/ban-ve-xin-loi-cai-chinh-cong-khai-trong-vu-an-boi-thuong-thiet-hai-danh-du-nhan-pham-uy-tin-cua-ca-nhan.html.
[1] Điều 7 Hiến pháp 1980.
[2] Điều 71 Hiến pháp 1992.
[3] Điều 20 Hiến pháp 2013
[4] Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015
[5] Điều 592 BLDS 2015: “1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; c) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
6 Điều 25 Hiến pháp 2013.
[7] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023, tr.08.
Xử lý đối tượng sử dụng tài khoản Facebook đăng tải bài viết xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người khác - Ảnh: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CA tỉnh Lai Châu.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận