Bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì chưa có quyền chuyển nhượng
Luật gia Phạm Văn Tín đã có trao đổi với bài viết của tôi về “Điều kiện bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu do bản án, quyết định bị hủy, sửa”, đăng vào ngày 13/10/2022, về một ví dụ trường hợp bản án, quyết định bị hủy, sửa là tiền đề cho sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình, tôi xin trân trọng cảm ơn và xin được đính chính và trao đổi lại.
1. Ví dụ trong bài viết là không chính xác
Tôi hoàn toàn đồng ý với Luật gia Phạm Văn Tín về ví dụ được nêu trong bài viết của tôi ngày 13/10/2022 là chưa chuẩn cả về pháp luật nội dung và pháp luật hình thức.
Do đó, bằng bài trao đổi này, tôi xin được thay đổi ví dụ minh họa bằng một ví dụ khác mà hoàn toàn không làm thay đổi hay ảnh hưởng gì đến quan điểm đã được nêu trong bài viết trước đây là: “Bản án, quyết định bị hủy, sửa là điều kiện cần để xem xét áp dụng chế định bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình tại Điều 133 BLDS năm 2015”.
Ví dụ minh họa
Bà A (Nguyên đơn) khởi kiện bà B (Bị đơn) yêu cầu Bị đơn phải trả lại cho Nguyên đơn thửa đất X. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn và tuyên Bị đơn có quyền sử dụng thửa đất X. Sau đó Nguyên đơn kháng cáo, Bản án phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm tuyên Nguyên đơn có quyền sử dụng đối với thửa đất X.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và Nguyên đơn đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất X cho ông M (“\Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) (Hợp đồng).
Sau khi các bên hoàn tất việc ký kết Hợp đồng thì lại có Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án trên và giao về cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
Tại Bản án sơ thẩm lần 2, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của Bị đơn, Bị đơn có quyền sử dụng đối với thửa đất X.
Tuy nhiên, trong vụ án này vì ông M là người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ quyền lợi theo quy định khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công nhận hiệu lực Hợp đồng giữa Nguyên đơn với ông M.
Theo đó: (i) Ông M có quyền sử dụng đối với thửa đất X; (ii) Bị đơn là bà B không có quyền đòi lại thửa đất X từ ông M – người thứ ba ngay tình vì giao dịch dân sự giữa ông M với Nguyên đơn không bị vô hiệu, nhưng bà B vẫn được quyền khởi kiện, yêu cầu Nguyên đơn (là chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với ông M) hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn quý Luật gia đã có ý kiến để cho tôi hoàn thiện bài viết của mình. Ngoài ra, tôi cũng xin trao đổi với ý kiến của Luật gia vấn đề thứ hai mở rộng cách hiểu đối với quy định trường hợp ngoại lệ bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015.
2. Trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 không thể áp dụng cho trường hợp Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật vì khi đó người thứ ba không được xác định là “ngay tình”
Thống nhất quan điểm của Luật gia khi cho rằng mặc dù nội dung của khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 không sử dụng cụm từ “có hiệu lực” hoặc “có hiệu lực pháp luật” vào sau cụm từ “bản án, quyết định” nhưng chúng ta vẫn phải hiểu theo hướng là “bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Tôi bổ sung thêm các luận giải sau:
Một là, dựa trên nguyên tắc hiến định và nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự
Căn cứ quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Tiếp theo, Điều 19 BLTTDS năm 2015 “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
3. […]”.
Theo các quy định trên, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành và có trách nhiệm phải bảo đảm hiệu lực của bản án quyết định của Tòa án – đó phải là bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Hai là, một điều kiện tiên quyết để người thứ ba được coi là “ngay tình” khi và chỉ khi người này “không biết và không thể biết bên giao dịch trong giao dịch với mình không có quyền đối với tài sản”
Về lý luận, người thứ ba ngay tình phải dựa trên một căn cứ xác đáng rằng người tham gia giao dịch (người thứ hai) có quyền định đoạt đối với tài sản, từ đó họ tin rằng giao dịch dân sự mà người thứ ba tham gia là có hiệu lực, hợp pháp.
Cụ thể, trong ví dụ minh họa và luận giải trên cho thấy khi thực hiện giao dịch, người thứ hai đã được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu tài sản thì người thứ ba đương nhiên có căn cứ để tin rằng người thứ hai có quyền sở hữu đối với tài sản mà không cần thiết phải căn cứ vào việc đăng ký tài sản bởi thực chất đăng ký tài sản cũng chỉ là một sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền rằng người thứ hai có quyền sở hữu đối với tài sản.
Chính vì vậy, việc người thứ ba dựa vào bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì mới đủ cơ sở để chứng minh rằng họ chính là người thứ ba hoàn toàn “ngay tình” trong giao dịch với người thứ hai có quyền định đoạt tài sản thông qua chính nội dung được tuyên tại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Nói cách khác, sẽ khó có cơ sở nào để người thứ ba chứng minh được rằng họ “ngay tình” khi mà họ tham gia giao dịch với người thứ hai mà đối tượng tài sản phải đăng ký nhưng chưa được đăng ký và cũng chưa được tuyên bởi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…
Tôi xin bình luận bước đầu cơ bản về ý kiến mở rộng đối với quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015.
Điều kiện để người thứ ba được coi là “ngay tình” là người này không biết bên giao dịch với mình không có quyền đối với tài sản - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận