Thu hồi tài sản đánh bạc Phan Sào Nam gửi sang Singapore
Trong vụ đánh bạc ngàn tỷ, Phan Sào Nam được cho là đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore. Vấn đề đặt ra là có thể thu hồi được tài sản đã chuyển ra nước ngoài hay không?
Việt Nam không có quyền trực tiếp thực hiện việc xác minh, tịch thu tài sản
Vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP”, Cơ quan công an khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, về hành vi tổ chức đánh bạc.
Cơ quan công an xác định, đường dây tổ chức đánh bạc do Phan Sào Nam (39 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP VTC truyền thông trực tuyến – VTC online), Nguyễn Văn Dương (43 tuổi, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Sau khi hưởng lợi, những thành phần tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài, riêng Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore… Vấn đề đặt ra là có thể thu hồi được tài sản đã chuyển ra nước ngoài hay không?
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoài Nam (Hãng luật Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời Zing.vn cho biết, tài sản do phạm tội mà có được chuyển từ Việt Nam sang Singapore thì Việt Nam chỉ có quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp gửi sang để cơ quan chức năng Singapore thực hiện theo yêu cầu.
Việt Nam không có quyền trực tiếp thực hiện việc xác minh, tịch thu tài sản trên đất nước Singapore. Việc xác minh, thu hồi tài sản được thực hiện theo quy định pháp luật của Singapore do cơ quan chức năng Singapore thực hiện.
Việt Nam và Singapore có hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ký giữa các nước ASEAN. Do vậy, việc thu hồi tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam được thực hiện theo quy định của hiệp định. Trong trường hợp có căn cứ xác định tiền đã được chuyển ra nước ngoài bằng các hình thức như đầu tư dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản…, cụ thể là tiền đã được chuyển sang một ngân hàng ở Singapore, cơ quan điều tra căn cứ vào BLTTHS 2015, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa 8 nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Singapore tham gia, lập hồ sơ ủy thác gửi nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp như xác minh cụ thể số tiền, chủ sở hữu, thời hạn gửi…, tới cơ quan có thẩm quyền của Singapore thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp.
Trên cơ sở nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp, quốc gia được yêu cầu (Singapore) trên cơ sở quy định pháp luật của nước mình và hiệp định sẽ phải thực hiện theo nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp.
Nếu có căn cứ xác minh chắc chắn nhóm đối tượng đã chuyển tiền ra nước ngoài (cụ thể là ngân hàng ở Singapore), chúng ta có đầy đủ căn cứ, khả năng để thu hồi khoản tiền này. Trường hợp này, tài sản có nguồn gốc là tài sản do phạm tội mà có. Do đó, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự.
Căn cứ Điều 31, Công ước của Liên Hợp quốc về phòng chống tham nhũng; Điều 6, Điều 7, Điều 18, Điều 22 của Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN. Chương 3 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, căn cứ Điều 507 BLTTHS 2015. Theo đó, quy trình thu hồi được thực hiện như sau: Cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác gửi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp của Singapore trong đó có nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp. Trong đó, Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam.
Quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN.
Đã chuyển thành bất động sản cũng có thể thu hồi
Trong trường hợp số tiền phạm pháp của các đối tượng đã được chuyển thành các bất động sản ở nước ngoài thì quy trình thu hồi không có sự khác biệt. Vì khoản 5, Điều 31 Công ước về phòng chống tham nhũng của Liên Hợp quốc: “Nếu tài sản do phạm tội mà có đã bị biến đổi hoặc chuyển đổi, một phần hoặc toàn bộ, thành tài sản khác, tài sản khác này sẽ là đối tượng áp dụng các biện pháp nói tại điều này thay cho tài sản do phạm tội mà có”. Mặt khác, phía cơ quan chức năng Việt Nam là phía yêu cầu hỗ trợ tư pháp và phía thực hiện việc thu hồi là phía được yêu cầu hỗ trợ tư pháp. Về nguyên tắc, tài sản phạm pháp thì phải phong tỏa và thu hồi – luật sư Nguyễn Hoài Nam lưu ý.
Theo báo Tuổi trẻ, luật gia Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cũng cho rằng, căn cứ vào các quy định pháp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hồi được tài sản bất hợp pháp đã chuyển ra nước ngoài.
Cụ thể trong trường hợp này, Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự vào ngày 29-11-2004. Theo đó có 8 nước ASEAN tham gia gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Maylaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Phillipine. 8 nước thống nhất tương trợ trong thủ tục tịch thu. Quốc gia được yêu cầu, theo pháp luật của nước mình, phải cố gắng xác định địa điểm, truy tìm, hạn chế, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có.
Đồng thời, Việt Nam đã tham gia Công ước phòng chống tham nhũng vào ngày 30-6-2009, có hiệu lực ngày 18-9-2009. Bằng các biện pháp, thủ tục theo luật định, Việt Nam cần chứng minh số tiền này là tài sản bất hợp pháp, do đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tham nhũng… mà có. Cơ quan điều tra của Việt Nam căn cứ vào luật pháp của Việt Nam, thông báo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và hiệp định tương trợ tư pháp để làm hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Singapore đề nghị thu hồi tài sản đó cho nhà nước Việt Nam và chuyển số tiền đó về Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội), cũng cho rằng, trong trường hợp tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN, quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam.
Tương tự, luật sư Hoàng Tư Lượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cơ quan điều tra Việt Nam có thể yêu cầu phía Singapore giúp thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
Những dòng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp được gửi ra nước ngoài đang được cơ quan điều tra Việt Nam điều tra thì về nguyên tắc cơ quan điều tra phải có công văn phối hợp với cơ quan điều tra nước đó nếu hai bên có hợp tác về tư pháp. Luật sư Lượng phân tích thêm, nếu dòng tiền bất hợp pháp được chuyển sang quốc gia không có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì cơ quan tư pháp và cơ quan ngoại giao Việt Nam phải phối hợp để có công hàm về việc hành vi phạm tội ở Việt Nam có liên quan đến số tiền phạm pháp, đề nghị quốc gia đó tạm ngừng những giao dịch phát sinh, phong tỏa tài khoản để phục vụ điều tra.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
2 Bình luận
Trần Quốc Thái
22:06 21/12.2024Trả lời
Trương Thị Thủy
22:06 21/12.2024Trả lời