Bàn về cách tính số tiền đánh bạc của tội phạm “Đánh bạc” quy định trong BLHS 2015
Đánh bạc là loại tệ nạn khá phổ biến, tuy nhiên thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này đang còn khó khăn, vướng mắc trong cách tính số tiền đánh bạc của tội phạm này theo quy định của BLHS 2015.
Trước đây, BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tội Đánh bạc tại Điều 248 như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội phạm quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không gia giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”.
BLHS 2015 quy định tội “Đánh bạc” tại Điều 321 như sau:
“1 Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.
Về cấu thành tội phạm “Đánh bạc”, Điều 321 BLHS 2015 đã có sự thay đổi so với BLHS 1999, cụ thể là thay đổi mức định lượng từ 2.000.000 đồng thành 5.000.000 đồng và bổ sung tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này”. Điều này là phù hợp với thực tiễn đấu tranh tội phạm vì trước đây các đối tượng có hành vi đánh bạc dưới 2.000.000 đồng nhưng chưa có tiền án thì không thể truy cứu TNHS dẫn đến việc có rất nhiều lượt tiền sự về hành vi đánh bạc nhưng không thể truy cứu TNHS.
Hiện tại, chưa có văn bản nào hướng dẫn cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo quy định tại Điều 321 BLHS 2015, do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS 1999 (viết tắt là Nghị quyết số 01/2010). Tuy nhiên, trong thực tiễn, hiện có một số bất cập khi áp dụng Nghị quyết này, qua phân tích dưới đây:
Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010 nêu:
“2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự;
Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa… (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trongmột trận bóng đá, tham gia cá độ trongmột kỳ đua ngựa… trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Thực tế, trong các vụ án đánh bạc, có rất nhiều cách chơi giữa các đối tượng, trong đó có cách chơi một người cầm cái, các nhà con sẽ đánh ăn thua với nhà cái (ví dụ: bầu cua, xóc đĩa, xì lát, binh xập xám,…). Với những hình thức đánh bạc này, ngoài việc đánh bạc giữa nhà cái với nhà con, các nhà con có thể đánh với nhau tùy chọn. Như vậy, nếu bị phát hiện, thì việc xác định số tiền dùng đánh bạc trong trường hợp này hiện có hai quan điểm:
Thứ nhất: “Nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau” được hiểu là nhiều người cùng với nhau trực tiếp đánh bạc. Theo cách hiểu này, không kể các nhà con đánh với nhà cái hay giữa các nhà con với nhau thì đều xem là cùng tham gia đánh bạc với nhau. Và như vậy, khi bị phát hiện, căn cứ tổng số tiền đánh bạc của tất cả những người tham gia trên chiếu bạc (được xem là một lần đánh bạc từ khi bắt đầu cho đến khi bị phát hiện, không kể đánh bao nhiêu ván (đợt)), tất cả những người tham gia đánh bạc đều bị truy cứu TNHS nếu đủ định lượng.
Thứ hai: “Nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau” được hiểu là nhiều người cùng tham gia đánh bạc ăn thua trực tiếp với nhau. Trong trường hợp này, số tiền đánh bạc chỉ tính qua việc ăn thua trực tiếp với nhà cái vì giữa các nhà con không có việc đánh bạc với nhau. Trong trường hợp này, những nhà con chỉ chịu TNHS về số tiền đánh bạc của mình với nhà cái mà không phải chịu TNHS về tổng số tiền của tất cả những người cùng tham gia trên chiếu bạc. Trường hợp này, giống với trường hợp đánh bạc dưới hình thức số đề, cá độ bóng đá…
Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm, nếu hiểu theo cách hiểu thứ nhất thì việc chứng minh không gặp nhiều khó khăn, không cần phải tính đến từng ván (đợt) đánh mà chỉ cần xác định tổng số tiền dùng đánh bạc của tất cả những người tham gia là bao nhiêu để xem xét TNHS. Tuy nhiên, theo cách hiểu này lại có điểm bất cập đó là có những trường hợp các con bạc chơi không đầy đủ từ đầu đến cuối, có lúc chơi, lúc không, thậm chí có thời gian nghỉ ngơi, sau đó mới chơi tiếp, nên nếu tính tổng số tiền dùng để đánh bạc cho tất cả những người có tham gia thì không phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân vi phạm trong trường hợp chứng minh được số tiền của mỗi người tham gia đánh bạc dưới mức định lượng.
Ngược lại, với cách hiểu thứ hai (cách tính số tiền đánh bạc giống như trường hợp đánh bạc dưới hình thức số đề, cá độ bóng đá), để chứng minh từng ván (đợt) đánh bạc của mỗi con bạc là bao nhiêu là rất khó khăn (chỉ mang tính ước lượng theo lời khai của người phạm tội (nếu không có sổ sách ghi chép từng ván), vì gần như các cuộc đánh bạc đều đã diễn ra được một thời gian mới bị phát hiện nên khó để chứng minh mỗi ván (đợt), từng nhà con đánh bạc với nhà cái bao nhiêu tiền để tính tổng số tiền cho một lần đánh bạc. Nhưng không phải là không thể chứng minh, trong trường hợp chứng minh được thì việc xử lý những người vi phạm lại phù hợp với việc phân hóa TNHS của từng cá nhân vi phạm.
Trên đây là một số điểm bất cập khi áp dụng pháp luật về tội “Đánh bạc” theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2010. Do vậy, hy vọng các cơ quan trung ương sớm ban hành hướng dẫn mới để xử lý thống nhất, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận