Bàn về tình tiết quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 BLHS
Tội giết người trong quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) quy định có 16 tình tiết định tội và trong đó có nhiều tình tiết định tội xét về mặt bản chất có nhiều điểm giống nhau, nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó có hai tình tiết đó là thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ.
Hướng dẫn
Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Chương 2 Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS đối với tội giết người hướng dẫn “Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…).”, đây là hướng dẫn thi hành BLHS năm 1986 và cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Nghiên cứu hướng dẫn của Nghị quyết số 04 đối với tội giết người với tình tiết thực hiện tội giết người một cách man rợ có các nội dung sau:
Thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi phạm tội: Kẻ phạm tội không còn tình người là cách đánh giá hành vi của người phạm tội vi phạm đạo đức của con người.
Thứ hai, đối với nạn nhân: Dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ là biểu hiện sự đau đớn của nạn nhân, đây là biểu hiện cơ bản đối với tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Thứ ba, đối với xã hội: Tác động đến xã hội là hành vi của người phạm tội gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ và dư luận trong xã hội.
Hướng dẫn nêu trên của Nghị quyết có sự ảnh hưởng rất lớn từ các hình phạt từ thời phong kiến như tùng xẻo, phanh thây, chém đầu… các hình phạt này gây ra sự đau đớn trên cơ thể con người và mang tính răn đe xã hội.
Thời điểm hoàn thành đối với tội giết người là khi nạn nhân đã tử vong các hành vi như chặt người ra từng khúc, xẻo thịt… phải xảy ra trước khi nạn nhân tử vong và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả tử vong thì người phạm tội thỏa mãn với tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Nhận diện
Trong BLHS hiện hành về tội giết người theo Điều 123, tình tiết phạm tội có tính côn đồ và thực hiện tội phạm một cách man rợ là hai tình tiết có nhiều nội dung tương đồng nhau nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Ví dụ: Nguyễn Văn A và Trần Văn B là bạn với nhau, ngày 23/5/2022 cả hai rủ nhau uổng rượu tại nhà Trần Văn B khi đang uống rượu thì xảy ra mâu thuẫn. Nguyễn Văn A đã chạy vào nhà dùng 01 con dao nhọn (Loại dao bầu) đâm vào bụng Trần Văn B. B bị thương, chạy được khoảng 100m thì A đuổi kịp tiếp tục dùng dao đâm vào vùng bụng của B thì B van xin và nói “Tao xin mày đừng giết tao” thì A nói “Không còn cơ hội nữa” và tiếp tục dùng dao đâm vào bụng B và B tiếp tục chạy vào nhà thì A đuổi kịp và tiếp tục đâm và cắt vào cổ 02 (Hai) nhát đến khi B gục tại chỗ và tử vong. Xung quanh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A hiện nay có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết “Có tính chất côn đồ”, theo hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC và Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
Trong vụ án nêu trên hành vi của Nguyễn Văn A xuất phát từ duyên cớ nhỏ nhặt chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm, tấn công nạn nhân với cường độ tấn công, mức độ tấn công liên tục, quyết liệt vào các bộ cơ thể trọng yếu, nạn nhân đã van xin nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, hành vi này thỏa mãn yếu tố có tính côn đồ trong tội giết người.
Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết “Thực hiện tội phạm một cách man rợ”, vì hành vi của Nguyễn Văn A dùng dao bầu đâm nhiều nhát vào các vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân và dùng dao cắt 02 nhát vào cổ nạn nhân, nạn nhân đã van xin nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, hành vi của nạn nhân không còn tình người gây ra sự đau đớn tột cùng và gây hoang mang trong dư luận xã hội, hành vi này thỏa mãn yếu tố thực hiện tội phạm một cách man rợ quy định tại điểm i khản 1 Điều 123 BLHS.
Nghiên cứu hướng dẫn tại Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 về tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ và Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC và Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 giải thích về hành vi có tính chất côn đồ và thực tiễn giải quyết các vụ án này hai tình tiết này có.
Thứ nhất: Hành vi có tính chất côn đồ diễn ra nhanh chóng, quyết liệt và liên tục, còn đối với hành vi thực hiện thực hiện tội phạm một cách man rợ hành vi kéo dài hơn, mức độ tấn công, cường độ tấn công gián đoạn.
Thứ hai: Hành vi có tính chất côn đồ hậu quả tử vong của nạn nhân diễn ra nhanh, tức thì, thậm chí nạn nhân có thể không cảm nhận được sự đau đớn, còn đối với hành vi thực hiện thực hiện tội phạm một cách man rợ sự đau đớn tột độ trên cơ thể nạn nhân kéo dài, nạn nhân cảm nhận sự đau đớn trên cơ thể kéo dài hơn so với tình tiết có tính côn đồ, biểu hiện sự đau đớn ở đây thể hiện qua số lượng vết thương, khoảng thời gian giữa các hành động và đây là biểu hiện rõ nhất để phân biệt giữa hai hành vi phạm tội này.
Thứ ba: Các vết thương để lại trên cơ thể nạn nhân là biểu hiện bên ngoài, đối với hành vi thực hiện tội phạm một cách man rợ các biểu hiện này tác động đến suy nghĩ, tâm lý của con người gây ra sự hoang mang, dư luận xã hội.
Như vậy, điểm phân biệt cơ bản giữa hai tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ là thời gian gây ra sự đau đớn của nhận nhân là dài hay ngắn và tác động đối với tâm lý con người, dư luận xã hội đối với biểu hiện bên ngoài trên cơ thể nạn nhân.
Từ những phân tích nêu trên có thể nhận thấy, hành vi của Nguyễn Văn A dùng dao bầu đâm vào vùng trọng yếu trên co thể nạn nhân, hành vi của A thực hiện nhiều lần trong một khoảng thời gian dài gây ra sự đau đớn tột độ trên cơ thể nạn nhân, đồng thời, các vết thương ở cổ, vùng lưng biểu hiện ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con người gây ra dư luận xã hội về hành vi mất nhân tính của người phạm tội nên hành vi của Nguyễn Văn A thỏa mãn yếu tố thực hiện tội phạm một cách man rợ quy định tại điểm i khản 1 Điều 123 BLHS.
Kết luận
Việc phân biệt hai tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ cần căn cứ vào từng hành vi cụ thể, diễn biến hành vi và tác động đến xã hội như thế nào đã vận dụng cho phù hợp.
Từ những sự phân tích nêu trên kiến nghị một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Cần có văn bản hướng dẫn giải thích để đưa ra khái niệm cụ thể thực hiện tội phạm một cách man rợ để trong thực tiễn áp dụng được thống nhất.
Thứ hai: Cần ban hành Án lệ đối với tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ, để trong thực tiễn việc phân biệt và xác định đúng tình tiết định tội đối với tội giết người.
Tòa án tỉnh Lâm Đồng xét xử vụ án giết người - Ảnh: Quang Hoạt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận