Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Quá trình áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 cho thấy vẫn còn một số bất cập trong việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời là một bước tiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần rất lớn vào việc giảm tải áp lực cho hệ thống Tòa án nhân dân, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có điều kiện để lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp, tránh được việc kéo dài tranh chấp khi lựa chọn con đường tố tụng dân sự hay tố tụng hành chính.

1. Quy định và hướng dẫn

Về điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) quy định tại Điều 33. Theo đó, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;  Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

-Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

-Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

- Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Về hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, Luật HGĐTTTA quy định tại Điều 35. Điều luật quy định: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sựLuật Tố tụng hành chính. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Về đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án quy định tại Điều 36. Điều luật quy định: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đứng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xém xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Tại Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021, TANDTC hướng dẫn:“…Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà một bên phát hiện là bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì Hòa giải viên hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành thỏa thuận lại việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Nếu các bên không thỏa thuận lại thì Hòa giải viên hướng dẫn bên bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép yêu cầu Tòa án xem xét nếu Tòa án tiến hành thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; hoặc đề nghị Tòa án xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành”.

2. Vướng mắc trong việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án

Thông qua công tác kiểm tra hồ sơ có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, chúng tôi nhận thấy có vướng mắc như sau:

Ví dụ về vụ việc hôn nhân gia đình: Tháng 01/2023, Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y ban hành quyết định công nhận kết quả hòa giải thành giữa anh A và chị B về việc ly hôn, giao con chung là cháu C cho chị B nuôi dưỡng, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung với chị B mức 5 triệu đồng/tháng. Quyết định được thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự. Tháng 01/2024, anh D khởi kiện vụ án đề nghị Tòa án giải quyết việc xác định cháu C là con của chị B và anh D. Trường hợp này, Tòa án thụ lý giải quyết, tuy nhiên thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án được thực hiện như thế nào?

Luật HGĐTTTA chỉ quy định việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành khi thỏa mãn quy định tại Điều 33 và thời gian để Viện kiểm sát và các bên tham gia hòa giải đối thoại đề nghị, kiến nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định (Điều 36). Hết thời hạn quy định tại khoản 2, 3 Điều 36 thì quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của BLTTDSLuật TTHC (Điều 35 Luật HGĐTTTA).

Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2, 3 Điều 36 Luật HGĐTTTA và quyết định đã được thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự lại có cá nhân, cơ quan yêu cầu xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án do quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc đề nghị, xem xét lại quyết định hòa giải, đối thoại thành được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Vấn đề này, Luật HGĐTTTA chưa có quy định.

3. Kiến nghị

Trên cơ sở vướng mắc này, chúng tôi xin đề xuất như sau:

Đối với vụ việc cụ thể nêu trên, quyết định về tranh chấp nuôi con đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trong đó đã xác định cháu C là con của anh A. Do vậy, nếu không thể thực hiện theo trình tự, thủ tục đặc biệt đối với quyết định công nhận kết quả hòa giải thành giữa anh A và chị B để hủy 1 phần quyết định về tranh chấp nuôi con thì Tòa án không thể giải quyết yêu cầu của anh D được.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giải quyết hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án, trong trường hợp quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và được thực thi theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giải quyết hòa giải, đối thoại hoặc của bên thứ ba, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi bổ sung trình tự, thủ tục đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án. Cụ thể, bổ sung thêm khoản 4 Điều 36 Luật HGĐTTTA năm 2020 như sau:

“Điều 36. Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đúng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

3. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

4. Trường hợp quá thời hạn đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo khoản 2, khoản 3 Điều này thì tùy từng trường hợp giải quyết như sau:

a) Mới phát hiện các tình tiết quan trọng mà các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc hoặc có cơ sở chứng minh có sự giả mạo, làm sai lệch kết luận giám định, lời phiên dịch, tài liệu, chứng cứ của vụ việc thì các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã có hiệu lực pháp luật trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phát hiện ra tình tiết mới.

b) Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định người tham gia thủ tục hòa giải, đối thoại hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến quyết định không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã có hiệu lực pháp luật trong thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực”.

NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG - NGUYỄN VĂN VIỆT (TAND tỉnh Hải Dương)