Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và một số kiến nghị thực thi
Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có quan điểm, chủ trương về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đất đai. Bài viết phân tích những điểm mới về hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và đưa ra những kiến nghị thực thi trên cơ sở đánh giá những quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2024.
1. Đặt vấn đề
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật ĐĐ) năm 2024 (Luật số 31/2024/QH15) thay thế Luật ĐĐ năm 2013. Luật ĐĐ năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, tăng thêm 02 chương so với Luật ĐĐ năm 2013, trong đó sửa đổi, bổ sung 180 điều; bổ sung mới 78 điều. Luật ĐĐ năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024[1], riêng Điều 190 (hoạt động lấn biển) và Điều 248 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp) có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.
Luật ĐĐ năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Việc ban hành Luật ĐĐ năm 2024 nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; trong đó, Luật ĐĐ thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Hòa giải có thể là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập hoặc là một khâu trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai bằng Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp[2]. Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật ĐĐ năm 2024 có nhiều điểm mới nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải tranh chấp đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đất đai theo quan điểm của Đảng, đó là “đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai… Tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành, các cấp, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương”[3].
2. Những điểm mới về hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024
Thứ nhất, Luật ĐĐ năm 2024 tiếp tục khẳng định chính sách của Nhà nước về khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai và bổ sung các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai.
Tại Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại và là một trong những thiết chế phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong văn hóa của người Việt[4]. Đối với hòa giải tranh chấp đất đai, kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật ĐĐ năm 2013, khoản 1 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 tiếp tục quy định chính sách của Nhà nước về khuyến khích hòa giải tranh chấp đai, đó là “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải”.
Bên cạnh hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở như quy định của Luật ĐĐ năm 2013, Luật ĐĐ năm 2024 đã bổ sung các phương thức hòa giải tranh chấp đất đai khác, bao gồm: (i) hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án và pháp luật về tố tụng dân sự; (ii) hòa giải tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan tới đất đai bằng hòa giải thương mại thực hiện theo pháp luật về hòa giải thương mại[5]. Đây là một trong những quy định mới, tiến bộ, phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp đất đai trên thế giới[6]. Cụ thể:
- Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 (Luật HGĐTTTA). Theo quy định tại Điều 16 Luật HGĐTTTA, sau khi Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn khởi kiện tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, nếu không thuộc một trong các trường hợp không tiến hành hòa giải quy định tại Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết về quyền được lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của Luật HGĐTTTA. Nếu các bên đồng ý thì tranh chấp sẽ được hòa giải bằng một Hòa giải viên, kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận và có giá trị thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự[7].
- Hòa giải tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan tới đất đai bằng hòa giải thương mại hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại. Theo đó, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp[8]. Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo Chương XXXIII của BLTTDS. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự[9].
Thứ hai, Luật ĐĐ năm 2024 khẳng định rõ các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó nếu hòa giải không thành.
Điều 203 Luật ĐĐ năm 2013 chỉ dừng lại ở quy định “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau…”, điều này đã dẫn đến việc phải “suy luận” để có thể xác định mọi tranh chấp đất đai đều phải được hòa giải tại UBND cấp xã và chỉ khi hòa giải không thành thì được yêu cầu Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền giải quyết[10]. Để khắc phục hạn chế nêu trên, khoản 2 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 đã khẳng định rõ các bên tranh chấp “phải thực hiện hòa giải” trước khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, hay nói cách khác, hòa giải tại UBND cấp xã là điều kiện bắt buộc để UBND và Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp hòa giải không thành.
Thứ ba, Luật ĐĐ năm 2024 quy định cụ thể về Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và rút ngắn thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai.
Theo khoản 3 Điều 202 Luật ĐĐ năm 2013, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Luật ĐĐ năm 2013 không quy định Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai mà Hội đồng này được hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 88 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật ĐĐ (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BTNMTN ngày 04/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường): Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải, với thành phần gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Điểm a, b khoản 2 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 đã luật hóa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật ĐĐ, quy định: Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai. Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.
Về thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai, so với Luật ĐĐ năm 2013, Luật ĐĐ năm 2024 đã quy định rút ngắn thời hạn hòa giải từ 45 ngày xuống 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai[11]. Quy định này nhằm bảo đảm việc giải quyết tranh chấp đất đai được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Thứ tư, Luật ĐĐ năm 2024 quy định cụ thể về việc lập biên bản hòa giải, khắc phục được tồn tại, hạn chế trong thực tiễn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 202 Luật ĐĐ năm 2013, việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Trên thực tế, đã xảy ra tình trạng khi cơ quan hòa giải tống đạt giấy mời hợp lệ cho các bên nhưng phía bị đơn lại không đến[12]. Trong trường hợp này, UBND cấp xã không thể tiến hành hòa giải được, cũng như không thể lập biên bản hòa giải thành hay không do không có đầy đủ chữ ký của các bên, tuy nhiên, pháp luật lại không quy định cụ thể trường hợp này[13].
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, điểm đ khoản 2 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 đã quy định: “đ) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp”. Đồng thời, điểm d khoản 1 Điều 105 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, sau đây gọi tắt là Nghị định số 102/2024/NĐ-CP) quy định: “…Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành”.
Thứ năm, Luật ĐĐ năm 2024 bổ sung quy định địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện thì không tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai.
Theo quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật ĐĐ năm 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, hòa giải tại UBND cấp xã là một thủ tục mang tính chất pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, vẫn có những địa phương do nằm ở những vị trí đặc biệt mà không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện, như huyện Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng; huyện Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; huyện Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Tại những địa bàn nói trên, khi tranh chấp đất đai xảy ra thì sẽ gây khó khăn, bất cập cho các bên, cũng như cơ quan nhà nước trong việc xác định cơ quan nào sẽ làm nhiệm vụ hòa giải của UBND xã. Điều này làm cho các bên gặp khó khăn khi không thể tiến hành hòa giải được, cũng như không đủ điều kiện để tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai ở những giai đoạn tiếp theo[14].
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, Luật ĐĐ năm 2024 đã bổ sung quy định: “Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 236 của Luật này”. Như vậy, đối với tranh chấp đất đai tại địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện thì không phải hòa giải, các bên tranh chấp đề nghị Tòa án hoặc UBND giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Một số vấn đề cần bàn luận liên quan đến quy định về hòa giải tranh chấp đất đai và kiến nghị thực thi
Thứ nhất, về quy định hòa giải tranh chấp đất đai là điều kiện khởi kiện.
Như đã phân tích tại mục 2, tranh chấp đất đai thì bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi đề nghị Tòa án hoặc UBND cấp có thẩm quyền giải quyết, trừ tranh chấp đất đai tại địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thống nhất về hòa giải tranh chấp đất đai là điều kiện khởi kiện.
- Theo khoản 47 Điều 3 Luật ĐĐ năm 2024, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Quy định này kế thừa toàn bộ quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật ĐĐ năm 2013.
- Hướng dẫn của TANDTC về điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 đối với tranh chấp đất đai thì có hai văn bản sau:
+ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.
Theo hướng dẫn nêu trên thì chỉ “tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất” thì mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện, còn đối với các tranh chấp đất đai khác thì không bắt buộc.
+ Mục 7 Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 của TANDTC về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án hướng dẫn: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì hòa giải theo quy định của Luật này được thực hiện đối với những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành theo quy định tại Điều 203 của Luật ĐĐ, được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP… Như vậy, đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới thửa đất mà chưa qua thủ tục hòa giải ở xã, phường thì không được hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.
Theo hướng dẫn nêu trên thì “tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp ranh giới thửa đất” bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện, hướng dẫn này khác với khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/HĐTP-TANDTC như đã phân tích ở trên.
Như vậy, sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản nêu trên đã dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế[15]. Vì vậy, tác giả kiến nghị trong thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về hòa giải tranh chấp đất đai là điều kiện khởi kiện theo quy định tại Luật ĐĐ năm 2024, bảo đảm áp dụng thống nhất, đồng bộ trong thực tiễn.
Thứ hai, về “văn bản công nhận kết quả hòa giải thành” quy định tại khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024: “Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định”.
Quy định nêu trên áp dụng với hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, tức là áp dụng với hòa giải tại UBND cấp xã, hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án và không bao gồm hòa giải thương mại, vì hòa giải thương mại chỉ hòa giải đối với “tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan tới đất đai”[16], không phải hòa giải tranh chấp đất đai. Đối với hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại Tòa án thì việc hòa giải thành cần được Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành[17] để có giá trị cưỡng chế thi hành nếu các bên không tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ “văn bản công nhận kết quả hòa giải thành” đối với hòa giải thành tại UBND cấp xã có thể dẫn đến hai cách hiểu khác nhau như sau:
- Cách hiểu thứ nhất: Điểm d khoản 2 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 quy định: “Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”. Như vậy, quy định này chỉ nhắc đến biên bản hòa giải (thành hoặc không thành), nhưng khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 lại yêu cầu phải có “văn bản công nhận kết quả hòa giải thành”. Theo đó, sau khi hòa giải thành tại UBND cấp xã, kết quả hòa giải thành phải gửi đến Tòa án để xem xét, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo chương XXXIII BLTTDS năm 2015.
- Cách hiểu thứ hai: “Văn bản công nhận kết quả hòa giải thành” nêu tại khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 chính là biên bản hòa giải thành tại UBND cấp xã, các bên không phải làm thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Hiện nay, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được hướng dẫn tại Điều 105 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 105 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP mới chỉ làm rõ được nội dung của biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại khoản 2[18], mà không có hướng dẫn về “văn bản công nhận kết quả hòa giải thành” nêu tại khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024.
Vì vậy, trong thời gian tới, theo nhóm tác giả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có văn bản hướng dẫn theo hướng “văn bản công nhận kết quả hòa giải thành” quy định tại khoản 4 Điều 235 Luật ĐĐ năm 2024 chính là “biên bản hòa giải thành” do UBND cấp xã lập (như cách hiểu thứ hai đã phân tích ở trên). Bởi vì, việc hòa giải tại UBND cấp xã được thực hiện bởi Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng, thành phần tham gia Hội đồng cũng chặt chẽ, đầy đủ, là những người hiểu rõ nhất về tranh chấp, nên kết quả hòa giải có độ tin cậy cao. Vì vậy, việc đề nghị Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo chương XXXIII BLTTDS năm 2015 như cách hiểu thứ nhất là không cần thiết, gây lãng phí thời gian và công sức của các bên tranh chấp, cũng như gây áp lực cho Tòa án trong bối cảnh Tòa án đang quá tải công việc như hiện nay[19].
Thứ ba, về mối quan hệ giữa hòa giải tranh chấp đất đai trước khi thụ lý vụ án với hòa giải trong tố tụng.
Hiện nay, theo quy định của Luật HGĐTTTA và BLTTDS, nếu tranh chấp dân sự hòa giải không thành tại Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết, trong quá trình tố tụng, Tòa án vẫn phải tiếp tục hòa giải giữa các bên, đây là hòa giải bắt buộc trong tố tụng dân sự[20]. Đối với tranh chấp đất đai, về lý thuyết, tranh chấp này phải qua ba lần hòa giải: (1) hòa giải tiền tố tụng tại UBND cấp xã; (2) nếu hòa giải không thành, các bên khởi kiện tại Tòa án và các bên đồng ý thì tranh chấp sẽ được chuyển sang hòa giải tại Tòa án theo Luật HGĐTTTA; (3) nếu hòa giải tại Tòa án theo luật HGĐTTTA không thành, vụ việc được chuyển đến Tòa án thụ lý, giải quyết thì Tòa án tiếp tục hòa giải trong tố tụng.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, do đã tiến hành thủ tục hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ án (hòa giải tại UBND cấp xã, hòa giải tại Tòa án), các bên đương sự đã cùng ngồi lại trao đổi về các vấn đề trong tranh chấp nhưng không thống nhất được với nhau về cách giải quyết và vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Tòa án vẫn phải bắt buộc tiến hành thủ tục hòa giải sẽ chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án mà không đem lại hiệu quả thiết thực. Do đó, đối với trường hợp này thì chỉ nên quy định thủ tục hòa giải trong tố tụng là không bắt buộc, Tòa án sẽ chỉ tiến hành phiên hòa giải nếu các bên đều thống nhất đề nghị Tòa án hòa giải. Phương án này sẽ vẫn bảo đảm cho đương sự quyền được Tòa án hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm mục tiêu giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, triệt để; đồng thời sẽ rút ngắn được một bước trong quá trình giải quyết vụ án và tạo điều kiện để Thẩm phán chuyên tâm hơn vào công việc xét xử[21].
Nhóm tác giả nhất trí với quan điểm trên và đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 205 BLTTDS năm 2015 về nguyên tắc tiến hành hòa giải như sau (phần bổ sung là phần in đậm, nghiêng):
“Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Trường hợp vụ án đã được hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng không thành thì Tòa án chỉ tiến hành hòa giải nếu các đương sự đề nghị”.
4. Kết luận
Hòa giải được coi là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, hữu hiệu và được khuyến khích áp dụng nhờ những lợi ích mà cơ chế này mang lại. Luật ĐĐ năm 2024 đã có nhiều điểm mới về hòa giải tranh chấp đất đai, nổi bật là việc bổ sung các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai, quy định cụ thể về Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và rút ngắn thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật ĐĐ năm 2013. Để thực thi có hiệu quả các quy định của Luật ĐĐ năm 2024 về hòa giải tranh chấp đất đai, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn về hòa giải tranh chấp đất đai là điều kiện khởi kiện. Về lâu dài, khi sửa đổi BLTTDS năm 2015, cần nghiên cứu để sửa đổi quy định về hòa giải trong tố tụng đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã, hòa giải tại Tòa án theo Luật HGĐTTTA, góp phần giải quyết nhanh chóng các tranh chấp đất đai trong thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
2. Luật Đất đai năm 2013.
3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
4. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
5. Luật Đất đai năm 2024.
6. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại.
7. Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BTNMTN ngày 04/5/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai.
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
9. Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
10. Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/ca/chi-tiet?dDocName=TAND185785, truy cập ngày 30/6/2024.
11. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trần Linh Huân, Hòa giải tranh chấp đất đai - Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị, https://danchuphapluat.vn/hoa-giai-tranh-chap-dat-dai-thuc-trang-phap-luat-va-mot-so-kien-nghi, truy cập ngày 30/6/2024.
12. Chu Thành Quang, Phan Thị Thu Hà, Yêu cầu khách quan của việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và một số vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13/2018.
13. Nguyễn Văn Sơn, Hòa giải tranh chấp đất đai và những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp đất đai, http://vienkiemsatbrvt.gov.vn/portal/p/2318, truy cập ngày 30/6/2024.
14. Phùng Thị Phương Thảo, Giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024, https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-theo-luat-dat-dai-nam-2024-2585.html, truy cập ngày 30/6/2024.
15. Đỗ Ngọc Thịnh, Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 gắn với hoạt động của luật sư, Tài liệu Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật ĐĐ năm 2024 của ngành Tư pháp, tháng 3/2024
16. Tòa án nhân dân tối cao, Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
17. Tòa án nhân dân tối cao, Tờ trình số 28/TTr-TANDTC ngày 26/9/2019 về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
18. Minh Tuấn, Vướng mắc, bất cập, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự, https://stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/vuong-mac-bat-cap-kien-nghi-hoan-thien-pl-ve-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-at-ai-theo-thu-tuc-ttds, truy cập ngày 30/6/2024.
[1] Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
[2] Theo Điều 236 Luật Đất đai năm 2024.
[3] Mục 4 phần IV Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
[4] Tòa án nhân dân tối cao, Tờ trình số 28/TTr-TANDTC ngày 26/9/2019 về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tr.1.
[5] Khoản 3 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024.
[6] Đỗ Ngọc Thịnh, Một số điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 gắn với hoạt động của luật sư, Tài liệu Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Đất đai năm 2024 của ngành Tư pháp, tháng 3/2024, tr. 113.
[7] Điều 34, Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
[8] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.
[9] Khoản 9 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10] Phùng Thị Phương Thảo, Giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024, https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-theo-luat-dat-dai-nam-2024-2585.html, truy cập ngày 30/6/2024.
[11] Điểm c khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024.
[12] Minh Tuấn, Vướng mắc, bất cập, kiến nghị hoàn thiện PL về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục TTDS, https://stp.bacgiang.gov.vn/hien-thi-noi-dung/-/asset_publisher/wtMnvtGfRUNi/content/vuong-mac-bat-cap-kien-nghi-hoan-thien-pl-ve-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-at-ai-theo-thu-tuc-ttds, truy cập ngày 30/6/2024.
[13] Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trần Linh Huân, Hòa giải tranh chấp đất đai - Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị, https://danchuphapluat.vn/hoa-giai-tranh-chap-dat-dai-thuc-trang-phap-luat-va-mot-so-kien-nghi, truy cập ngày 30/6/2024.
[14] Nguyễn Văn Sơn, Hòa giải tranh chấp đất đai và những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp đất đai, http://vienkiemsatbrvt.gov.vn/portal/p/2318, truy cập ngày 30/6/2024.
[15] Phùng Thị Phương Thảo, tlđd (10).
[16] Khoản 3 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024.
[17] Đối với hòa giải ở cơ sở, căn cứ pháp lý là Điều 419 BLTTDS năm 2015; đối với hòa giải tại Tòa án, căn cứ pháp lý là Điều 34 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
[18] Khoản 2 Điều 105 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định: “2. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm các nội dung: thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp theo kết quả xác minh; ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp, trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì phải ký vào từng trang biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi ngay cho các bên tranh chấp, đồng thời lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã”.
[19] Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/ca/chi-tiet?dDocName=TAND185785, truy cập ngày 30/6/2024.
[20] Điều 205 BLTTDS năm 2015.
[21] Chu Thành Quang, Phan Thị Thu Hà, Yêu cầu khách quan của việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và một số vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13/2018, tr. 47.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận