Bất cập về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên
Yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên là một yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của vụ án được quy định tại khoản 4 Điều 29 BLTTDS năm 2015. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày và phân tích một số quy định tại khoản 4 nêu trên và một số bất cập trong thực tiễn.
Khoản 4 Điều 29 BLTTDS năm 2015 quy định, những quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên có thể bị hạn chế bao gồm: quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; quyền quản lý tài sản riêng của con và quyền đại diện theo pháp luật cho con với thời hạn từ 01 tới 05 năm.
1. Người có quyền yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên
Theo quy định tại Điều 86 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cha, mẹ; người giám hộ của con chưa thành niên; người thân thích của con chưa thành niên; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.
1.1 Về người giám hộ của con chưa thành niên: Người giám hộ của người chưa thành niên bao gồm người giám hộ đương nhiên hoặc người được UBND cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III BLDS năm 2015.
Về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015. Cụ thể là việc xác định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo thứ tự sau đây: Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; Trường hợp không có người giám hộ là anh hoặc chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Về người giám hộ của người chưa thành niên được UBND cấp xã cử: Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015. Theo đó, người chưa thành niên không còn cha hoặc mẹ; người chưa thành niên có cha hoặc mẹ nhưng cha hoặc mẹ mất năng lực hành vi dân sự; cha hoặc mẹ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha hoặc mẹ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha hoặc mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ mà không có người giám hộ đương nhiên như quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người chưa thành niên có trách nhiệm cử người giám hộ cho người chưa thành niên. Việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên phải được sự đồng ý của người chưa thành niên. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.
Về người giám hộ của người chưa thành niên được Tòa án chỉ định: Theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015 Tòa án chỉ định người giám hộ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau: Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 về người giám hộ hoặc khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ. Đối với người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì khi Tòa án chỉ định người giám hộ cho họ phải xem xét nguyện vọng của họ.
1.2 Về người thân thích của người chưa thành niên
Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.”. Theo đó, người thân thích của người chưa thành niên có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với người chưa thành niên bao gồm: Anh, chị ruột đã thành niên; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại người chưa thành niên; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên.
1.3 Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em
Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình như sau: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương. Ngoài ra, theo quy định tại các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo quy định tại các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, trẽ em là các cơ quan được quy định tại các Nghị định nêu trên.
2. Những trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên
Theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con được coi là hành vi nghiêm trọng nhất trong các hành vi mà cha, mẹ có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thực đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”.
Nhóm tội phạm xâm phạm tới quyền sống, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định tại Chương XIV (từ Điều 123 đến Điều 156) của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, cần phải lưu ý là cha mẹ, mẹ bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý với lỗi cố ý mới bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Nghĩa vụ của cha mẹ đối với con được quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Hành vi vi phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chưa thành niên của cha mẹ có thể bao gồm những hành vi sau đây: cha mẹ trốn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con hoặc thực hiện trách nhiệm một cách hời hợt, không quan tâm đến cuộc sống của con làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất hoặc tinh thần của con; không cho con đi học, bắt làm công việc không phù hợp hoặc quá sức lao động của con; đưa con vào môi trường sống không không lành mạnh… Những hành vi vi phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như vậy nhưng đến mức nghiêm trọng thì cha mẹ cũng có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Thứ hai, phá tán tài sản của con.
Theo quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con; Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý; Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ… Hành vi phá tán tài sản của con chưa thành niên có thể hiểu là hành vi sử dụng tài sản của con trái với nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của con, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài sản riêng của con chưa thành niên như: dùng tài sản của con chi dùng cho mục đích cá nhân của cha, mẹ; dùng tài sản của con với mục đích kinh doanh bất hợp pháp; có hành vi phá hoại tài sản của con, có hành vi chiếm đoạt tài sản của con…
Thứ ba, có lối sống đồi trụy.
Người chưa thành niên là đối tượng chưa hoàn thiện về thể chất, tinh thần và nhân cách nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi, lối sống của cha mẹ mình và rất dễ bị lôi kéo, xúi giục thậm chí ép buộc làm những điều sai trái mà bản thân họ chưa nhận thức được. Lối sống đòi trụy của cha mẹ có thể lối sống buông thả, thiếu lành mạnh; nghiện chất kích thích, ham mê cờ bạc, rượu chè, tàng trữ, mua bán văn hóa phẩm bạo lực, đồi trụy… Chính lối sống như vậy của cha mẹ thể làm con bắt chước theo hoặc cảm thấy mặc cảm, xấu hổ với bạn bè, người xung quanh…
Thứ tư, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Một trong nghĩa vụ của cha mẹ đối với con được quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là “không được xúi giục, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Hành vi sau của cha mẹ có thể được xác định là “xúi giục, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”: Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; Lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác.
3. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên
Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên được quy định tại Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể là:
– Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người kia thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con.
– Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của BLDS và Luật này trong các trường hợp sau đây:
+ Cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên;
+ Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;
+ Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.
– Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
4. Một số bất cập trong thực tiễn
Từ thực tiễn giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên tại Tòa án và nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, tác giả thấy có những vướng mắc sau cần được hướng dẫn:
Thứ nhất, về cơ quan có quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em.
Như tác giả đã trình bày, cơ quan quả lý nhà nước về gia đình và trẻ em theo quy định hiện nay có thể là ở trung ương hoặc ở địa phương. Vậy cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em nào có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.
Thứ hai, cần hướng dẫn rõ ràng hơn về những hành vi của cha, mẹ có thể bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Hiện nay những trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Những hành vi này có thể xảy ra hàng ngày ở nhiều nơi. Tuy nhiên, thế nào là “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”, thế nào là “Phá tán tài sản của con” và thế nào là “Có lối sống đồi trụy” thì cần được hướng dẫn cụ thể. Tránh trường hợp hiểu không đúng dẫn đến sự tùy tiện ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, thậm chí là không đúng quy định pháp luật. Đáng lẽ, tính chất mức độ hành vi của cha, mẹ là chưa nghiêm trọng hoặc chưa thể coi là phá tán tài sản của con… nhưng Tòa án ra quyết định hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hoặc hạn chế quyền quản lý tài sản riêng của con.. hoặc ngược lại nhưng Tòa án không chấp nhận yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.
Thứ ba, về thời hạn Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên và trình tự thủ tục xét rút ngắn thời gian.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức do pháp luật quy định ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. Như vậy, khoảng thời gian từ 01 đến 05 năm là rất rộng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng cùng tính chất, mức độ của hành vi nhưng mỗi Tòa án lại có quyết định thời hạn khác nhau. Cha, mẹ có thể có một hoặc nhiều hành vi quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nên theo tác giả, vấn đề thời hạn Tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên theo hướng phân biệt trường hợp có một hành vi có thể là từ 01 đến 03 năm nhưng với trường hợp ó 02 hành vi trở lên thì có thể tối đa là 05 năm. Ngoài ra, điều kiện, trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời hạn hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên cũng như điều kiện để Tòa án xét rút ngắn thời hạn này cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận