.jpg)
Cần làm rõ quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là xác định chứng cứ hay đó chỉ là nguồn chứng cứ
Thực tiễn xét xử cho thấy, vẫn còn không ít các sai sót trong bản án mà nguyên nhân là do Thẩm phán hiểu và áp dụng quy định pháp luật chưa đúng về nội dung của khái niệm chứng cứ, hạn chế về khả năng đánh giá chứng cứ. Bài viết này, tác giả bình luận một số nội dung trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để làm rõ việc xác định chứng cứ hay chỉ là nguồn chứng cứ.
Nếu khái niệm về chứng cứ quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là chuẩn xác và xác định nguồn chứng cứ tại Điều 94 là đúng, thì quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Bộ luật tố Tụng dân sự năm 2015 là chưa thật chuẩn xác. Có lẽ đây là nguyên nhân gây ra nhận thức sai lệch về khái niệm chứng cứ, dẫn đến khi nhận diện về chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ không đúng, đương nhiên sẽ xử sai.
1. Về khái niệm chứng cứ, nguồn chứng cứ
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về khái niệm chứng cứ (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 là Điều 81), thì: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Như vậy, Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có bổ sung quy định về khái niệm chứng cứ, nhưng về cơ bản không có gì khác so với Bộ luật Tố tụng dân sự trước đó, nên tác giả dựa trên quy định tại Điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để trích dẫn, phân tích.
Từ khái niệm về chứng cứ tại Điều 93 nêu trên, thì có thể xác định một số cụm từ trọng tâm trong khái niệm chứng cứ như sau: Chứng cứ… là những gì có thật… được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục… được Tòa án sử dụng làm căn cứ… để xác định các tình tiết khách quan của vụ án… xác định yêu cầu… của đương sự là có căn cứ và hợp pháp (những chữ in đậm do tác giả nhấn mạnh để bạn đọc dễ theo dõi các phần phân tích có liên quan trong bài).
Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xác đinh nguồn chứng cứ bao gồm:
“1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”
Tại đoạn đầu của Điều 94 đã ghi rõ: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn”, các nguồn đó là từ khoản 1 đến khoản 9 của Điều 94. Khoản 10 Điều 94 chỉ là quy định quét để không bỏ sót một nguồn chứng cứ nào đó được quy định trong các văn bản pháp luật khác đã quy định hoặc sau này mới quy định mà chưa có dịp sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
So sánh nội dung hai Điều 93 và Điều 94 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thấy chứng cứ và nguồn chứng cứ là khác nhau, không phải là một.
Như vậy, chứng cứ là cái ta không thể “cầm nắm, sờ thấy, nghe thấy” được mà chỉ có thể cảm nhận, nhận biết thông qua tư duy, nhưng nguồn chứng cứ thì khác, ta có thể “cầm nắm”, có thể “sờ, nghe được” nó là vật chất, “vật thể”, còn chứng cứ là một khái niệm, kết quả của quá trình tư duy khi người tiến hành tố tụng như Thẩm phán đánh giá chứng cứ rồi rút ra nội dung nào trong nguồn chứng cứ là chứng cứ của vụ án đang giải quyết. Chứng cứ được “tồn tại” trong một vật thể mà ta gọi là nguồn chứng cứ. Như vậy, chứng cứ chỉ có thể có trong nguồn chứng cứ, nhưng điều đó không có nghĩa nguồn chứng cứ nào cũng chứa đựng chứng cứ.
2. Quy định về xác định chứng cứ và một số gợi mở
Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về “xác định chứng cứ”, các “tài liệu”, các nguồn được liệt kê, mô tả trong các khoản. Nội dung cụ thể của điều luật như sau:
“1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.”
Nghiên cứu Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đưa đến nhận thức chứng cứ và nguồn chứng cứ “dường như” là một. Minh chứng cho nhận định này, cụ thể tại khoản 4 Điều 95 quy định “Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc”. Với cách hành văn này thật khó giải thích khác khi cho rằng “vật chứng” chính là chứng cứ.
Cũng tương tự như vậy, khoản 2 Điều 95 quy định: “tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ…”, thì cũng không thể có giải thích nào khác là “tài liệu nghe được, nhìn được” chính “là chứng cứ…”. Còn đoạn tiếp theo trong Điều này là “…nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó” chỉ có ý nghĩa giúp xác định tính xác thực, có thực, phản ánh đúng sự thật về nội dung có trong bản “tài liệu nghe được nhìn được coi là chứng cứ…” mà thôi. Về khía cạnh chuyên môn, nếu Thẩm phán, Tòa án không tin nội dung “tài liệu nghe được, nhìn được” là có thật, phản ánh đúng sự thật hay đương sự phía bên kia phản bác, không công nhận thì Thẩm phán, Tòa án sẽ cho giám định tài liệu đó.
Vì thế, tác giả cho rằng, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự có điểm chưa thật chính xác. Để chứng minh cho nhận xét trên tác giả viện dẫn thêm 4 khoản tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để phân tích, bình luận nhằm chỉ ra sự chưa chuẩn xác trong Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trường hợp thứ nhất: khoản 5 Điều 95 quy định: “Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu”… nếu đã làm đúng như phần quy định tiếp theo của khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 sẽ được: “xác định chứng cứ”.
Nhưng nếu nội dung lời khai của người làm chứng, của đương sự dù thực hiện đúng quy định của khoản 5 Điều 95 là “được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”, nhưng toàn bộ lời khai đó là hoàn toàn gian dối, bịa đặt thì nó có được “xác định chứng cứ” và coi là chứng cứ của vụ án không?
Tác giả khẳng định chắc chắn đó không phải là chứng cứ của vụ án, vì nó không phải “là những gì có thật”. Một nội dung hoàn toàn giả dối không bao giờ được coi “là có căn cứ và hợp pháp” dù biên bản lấy lời khai hay bản tự khai làm đúng quy trình, thủ tục ghi trong khoản 5 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Cần phải thấy việc thực hiện đúng quy trình, thủ tục chỉ là hình thức, nó nhằm bảo đảm tính hợp pháp của tài liệu đó, chứ không thể tạo ra chứng cứ trong tài liệu đó.
Trường hợp thứ hai: khoản 6 Điều 95 quy định: “Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.
Vậy “kết luận giám định” (ví dụ là cơ sở K giám định) có được coi là chứng cứ trong trường hợp Giám định viên do trình độ yếu kém, dù làm đúng quy trình như luật định, nhưng đã đưa ra “kết luận giám định” hoàn toàn không chính xác, hoặc kết quả giám định là do máy móc phân tích đưa ra kết luận, nhưng do thời điểm đó máy bị trục trặc nên kết quả mà máy đưa ra có sai số rất lớn, không chính xác. Vậy, kết luận giám định (ở cơ sở K) này có được “xác định chứng cứ” không? Và có coi là chứng cứ của vụ án, là căn cứ để giải quyết yêu cầu của đương sự? Dù việc giám định đó đã “được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”?
Nếu căn cứ vào “lời văn” của khoản 6 Điều 95 Bộ luật sẽ phải coi là chứng cứ của vụ án, được coi là chứng cứ, là căn cứ để giải quyết yêu cầu của đương sự.
Tuy nhiên, tác giả có thể khẳng định chắc chắn không bao giờ được coi là chứng cứ của vụ án. Lý do để tác giả khẳng định kết luận giám định do giám định viên yếu kém thực hiện đã đưa ra một kết luận sai, không phản ánh đúng sự thật, hoặc do máy móc bị trục trặc mà chưa phát hiện ra trục trặc đó nên vẫn vận hành máy cho hoạt động giám định, vì thế máy đã đưa ra một kết quả sai, không đúng với thực tế.
Để làm rõ ràng hơn ý nói trên tác giả phân tích thêm: vì nó không phản ánh đúng sự thật, nên một bên đương sự đã yêu cầu một cơ sở giám định khác (cơ sở H) giám định lại và cơ sở giám định này đưa ra kết quả giám định khác với kết luận giám định của cơ sở K. Tòa án hoặc đương sự bên kia không tin kết quả do cơ sở H tiến hành, đã trưng cầu cơ sở M thực hiện việc giám định và có kết quả giám định của cơ sở M trùng khớp với kết luận của cơ sơ giám định ở cơ sở H đã thực hiện. Lúc này, các bên công nhận kết quả giám định tại cơ sở H và cơ sở M đã thực hiện.
Phân tích nói trên cho thấy kết quả giám định của cơ sở K thực hiện không phải là chứng cứ của vụ án, dù được thực hiện đúng quy trình.
Như vậy, cần công nhận chứng cứ của vụ án nằm trong kết luận giám định của cơ sở H và cơ sở M thực hiện, chứ không nằm trong kết luận giám định của cơ sở K. Dù các cơ sở giám định nói trên đều “tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.
Cũng tương tự như vậy, với trường hợp thứ ba được quy định tại khoản 7 Điều 95, đó là “Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ”, nhưng quá trình thực hiện việc thẩm định tại chỗ người thực hiện việc thẩm định, dù đã thực hiện đúng quy trình nhưng do đương sự mua chuộc nên đã viết “kết luận thẩm định tại chỗ” không đúng, bịa đặt? Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ này có được coi là chứng cứ hay không?
Trường hợp thứ tư: quy định tại khoản 8 Điều 95, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản dù việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định, nhưng hội đồng (hay công ty có chức năng định giá, thẩm định giá) định giá, thẩm định giá tài sản này biết rõ phải đưa ra kết luận định giá, thẩm định giá là A đồng, nhưng khi định giá, thẩm định giá lại đưa ra giá tài sản là B đồng. Lý do hội đồng (hay cán bộ công ty) định giá, thẩm định giá đã bị một bên đương sự móc ngoặc, mua chuộc đưa ra một giá quá cao hay quá thấp so với giá trị thực của tài sản so với giá thị trường. Vậy, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản này có được “xác định chứng cứ” không? Và có coi là chứng cứ của vụ án, là căn cứ để giải quyết yêu cầu của đương sự? Khoản 8 Điều 95 ghi rõ “nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định” thì “được coi là chứng cứ”.
Tác giả khẳng định, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản đó không bao giờ trở thành chứng cứ của vụ án, vì nó không phản ánh đúng sự thật, thì dù đã được thực hiện đúng quy trình, thủ tục do pháp luật quy định. Bởi lẽ, việc làm đúng quy trình, thủ tục do pháp luật quy định chỉ làm cho tài liệu đó hợp pháp về hình thức, theo quy định của luật, chứ không làm thay đổi nội dung trong văn bản đã phản ánh sai lạc sự thật ấy.
Các phân tích trên cho thấy, tiêu đề của Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định trong từng khoản của Điều luật là chưa thật chính xác, gây hiểu sai dẫn đến nhầm lẫn giữa chứng cứ trong vụ án với nguồn chứng cứ.
Vì vậy, theo tác giả, tiêu đề Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phải bổ sung từ “nguồn” và viết lại là “Xác định nguồn chứng cứ”. Tương tự như vậy, các khoản trong Điều 95 đều bổ sung từ: nguồn.
Ví dụ khoản 6 Điều 95 viết lại là: “Kết luận giám định được coi là nguồn chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.
Cần phải biết “việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định” chỉ nhằm bảo đảm tính hợp pháp của nguồn chứng cứ có trong hồ sơ, chứ không bảo đảm và không đương nhiên làm cho nguồn chứng cứ đó có chứa đựng chứng cứ, không tạo ra chứng cứ.
Chứng cứ khác với nguồn chứng cứ ở chỗ: Nguồn chứng cứ có thể chứa đựng chứng cứ và có thể không chứa đựng chứng cứ.
Trong nguồn chứng cứ (ví dụ toàn bộ bản tự khai) có thể chỉ có một phần trong bản tự khai, biên bản lấy lời khai có chứa đựng chứng cứ. Bản kết luận giám định có thể chứa đựng chứng cứ và có thể không chứa đựng chứng cứ, dù chúng đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục khi giám định.
Nội dung của kết luận giám định được thể hiện dưới một hình thức nhất định mà chúng ta đặt tên là bản kết luận giám định. Do đó, bản kết luận giám định có hai phần, phần hình thức là một dạng thể hiện của văn bản và phần quan trọng nhất chính là nội dung kết luận giám định được thể hiện trong văn bản đó. Chứng cứ nằm trong nội dung bản kết luận giám định, chứ không phải là bản kết luận giám định.
Vì vậy, muốn biết trong nguồn chứng cứ có chứa đựng chứng cứ hay không Thẩm phán phải làm hai việc:
Việc thứ nhất là đối chiếu về hình thức xem các nguồn này đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục hay hình thức… mà Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Giám định tư pháp (nếu là giám định)… quy định không. Hoạt động này nhằm kiểm tra, xem xét nguồn chứng cứ có bảo đảm tính hợp pháp không, nếu bảo đảm tính hợp pháp thì các chứng cứ nằm trong nguồn đó mới được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.
Việc thứ hai, khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần so với việc thứ nhất. Đó là dùng kiến thức (pháp luật, xã hội, tri thức khoa học pháp lý…) đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ để đánh giá nội dung lời khai, nội dung trong kết luận giám định… có là chứng cứ của vụ án đang xét xử không. Những phần, những đoạn (nếu là lời khai) trong đó là đúng sự thật, “có thật” về các vấn đề mà các bên đang yêu cầu xem xét, giải quyết, sẽ là căn cứ để xác định “yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp” mới là chứng cứ của vụ án.
Đây là lúc đòi hỏi sự vận động cao của trí tuệ, sự hiểu biết sâu rộng về tri thức khoa học pháp lý, về xã hội… để lọc ra trong “mớ hỗn độn” của các tài liệu có trong hồ sơ, mà có vụ án hồ sơ dày cả nghìn trang để ‘phát hiện’, tìm ra “cái gì” mới là chứng cứ của vụ án.
Tác giả thấy cần phân tích một chút về nội dung của khái niệm chứng cứ được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong khái niệm chứng cứ có ba nội dung cơ bản cần lưu ý:
Một là: “chứng cứ trong vụ việc dân sự phải là những gì có thật”.
Hai là: “được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định”.
Ba là: “được sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Khi các nội dung có trong nguồn chứng cứ hội tụ đủ ba yếu tố đó mới được xác định là chứng cứ của vụ án. Yếu tố thứ nhất và yếu tố thứ ba có tính cốt lõi để xác định một nội dung nào đó có trong nguồn chứng cứ sẽ là chứng cứ của vụ án. Yếu tố thứ hai mang tính hình thức, bảo đảm tính hợp pháp của nguồn chứng cứ mà trong đó có chứa đựng chứng cứ. Khi đó mới sử dụng chứng cứ có trong nguồn để giải quyết vụ án.
Trong ba yếu tố thì yếu tố “có thật” là vô cùng quan trọng, nhưng không phải bất kỳ nội dung có thật nào có trong nguồn chứng cứ cũng là chứng cứ của vụ án. Nếu nội dung đương sự, nhân chứng khai trong bản tự khai, hay trong biên bản lấy lời khai vv… dù là đúng sự thật, “có thật” nhưng nó không liên quan đến vụ án, không giúp cho việc “xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp” thì không phải là chứng cứ trong vụ án. Nội dung có thật đó trong biên bản lấy lời khai có thể không là chứng cứ trong vụ án đang giải quyết, nhưng có thể là chứng cứ cho một vụ án khác, hoặc không trở thành chứng cứ cho bất kỳ vụ án nào.
Do đó, khi một nội dung được xác định là “có thật” trong nguồn chứng cứ thì Thẩm phán… phải xem xét cái “có thật” đó có giúp làm rõ, để xác định “yêu cầu hay sự phản đối… là có căn cứ và hợp pháp” hay không, khi nó giúp làm rõ và là căn cứ để giải quyết yêu cầu hay phản đối yêu cầu của đương sự trong vụ án đang giải quyết thì mới là chứng cứ.
Bất kỳ loại án nào dù là hình sự, dân sự, hành chính hay kinh doanh, thương mại… khi tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ chứa đựng sự phức tạp (nội dung trái ngược nhau, chỉ có chứng cứ gián tiếp vv…) thì việc đánh giá chứng cứ luôn gặp khó khăn, do đòi hỏi phải khai thác, sàng lọc nhiều thông tin, sử dụng nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian để đưa ra quyết định.
Do đó, Thẩm phán phải không ngừng rèn luyện kỹ năng đánh giá chứng cứ trong quá trình hành nghề mới hy vọng giải quyết đúng những vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính phức tạp.
Đồng thời, tác giả cũng muốn lưu ý không nên hình thức hóa việc đánh giá chứng cứ, bởi sẽ dẫn đến tư duy máy móc.
HĐXX tại một phiên toà ở Đồng Nai (ảnh minh hoạ) - Nguồn: B.CL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
-
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Sức mạnh của đoàn kết"
-
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công bố và trao các quyết định bổ nhiệm
-
Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND cấp tỉnh, TAND khu vực sau sắp xếp, hợp nhất
Bình luận