Sự cần thiết của chế định tín thác trong hệ thống pháp luật dân sự ở Việt Nam
Bài viết phân tích những vấn đề có thể giải quyết được khi áp dụng quan hệ tín thác và phương án áp dụng, vận hành tín thác ở Việt Nam.
Chế định tín thác – Trust law hay còn được gọi với cái tên hợp đồng tín thác, uỷ thác dân sự là một chế định đặc trưng của hệ thống pháp luật Common law. Trải qua hàng thập kỉ phát triển và hoàn thiện, Trust law đã chứng tỏ được ưu điểm của mình cho việc giải quyết một số quan hệ pháp lý phức tạp của xã hội như uỷ thác đầu tư, khai thác di sản thờ cúng hay vận hành các quỹ an sinh xã hội. Các nước theo hệ thống Civil law như Pháp, Đức cũng đang luật hoá Tín thác để trở thành một phần của hệ thống Dân luật quốc gia.
1. Đề dẫn
Chế định tín thác – Trust law và Luật Công Bình – Equity law được xem là hai trụ cột chính của hệ thống pháp luật Common law. Bắt đầu xuất hiện ở Vương Quốc Anh vào khoảng nửa cuối thế kỷ XII – đầu thế kỷ XIII, chế định tín thác dần trở nên phổ biến và được áp dụng ở hầu hết các hoạt động của xã hội trong các nước theo hệ thống pháp luật Common law. Khác với các quan hệ pháp lý song phương thường gặp, một quan hệ Tín thác cơ bản đầy đủ gồm ba chủ thể: Người lập tín thác (Settlor); người nhận tín thác (Trustee) và người thụ hưởng (Beneficiary). Trong một số trường hợp, các chủ thể khác được thêm vào để đảm bảo hoạt động của tín thác như người bảo vệ (Protector); các bên thứ ba (Third parties);…
Cơ chế hoạt động của Tín thác có để hiểu một cách đơn giản như sau: Người lập tín thác tách một phần tài sản trong sản nghiệp của mình để đưa vào quan hệ tín thác, giao toàn bộ quyền sử dụng và định đoạt cho người nhận tín thác. Tuy nhiên, quyền hưởng dụng từ việc khai thác, đầu tư tài sản này phải được chuyển cho người thụ hưởng tiếp nhận, người nhận tín thác được hưởng một phần thù lao tương ứng với công sức bỏ ra để quản lý và khai thác tài sản tín thác.
Truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Kim Lân được coi là một trong những tác phẩm văn học theo chủ nghĩa hiện thực phê phán xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam. Trong truyện, chúng ta không khỏi xúc động với tình tiết Lão Hạc gửi gắm 20 đồng bạc và giấy điền thổ của mình cho Ông Giáo, nhờ Ông Giáo giữ hộ, chờ người con đi Đồn Điền Cao su trở về. Dưới góc độ khoa học pháp lý, hành động này của Lão Hạc đã hình thành nên một quan hệ tín thác: Lão Hạc là người lập tín thác, gửi tài sản của mình gồm 20 đồng bạc và mảnh đất vườn mà lão đang ở cho Ông Giáo – người nhận tín thác; gửi gắm Ông Giáo trông coi, quản lý một phần để lo cho cái đám ma của Lão, phần còn lại để gửi cho cậu con độc nhất vào ngày cậu trở về.
Cuối năm 2022, một loạt các nghệ sĩ đình đám của Việt Nam đứng trước các cáo buộc của công chúng về việc chậm giải ngân tiền từ thiện, hành vi không công khai, minh bạch trong việc sử dụng các khoản tiền khuyên góp của người dân. Về bản chất, hoạt động chuyển tiền từ thiện cũng được coi là một ví dụ điển hình rõ ràng của chế định tín thác. Qua đó, người dân chuyển tiền của mình cho các cá nhân, tổ chức từ thiện, để họ dùng khoản tiền này mua các nhu yếu phẩm, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, quy chế thành lập Quỹ từ thiện ở Việt Nam tương đối phức tạp và chịu kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước, nên khi những người nổi tiếng kêu gọi từ thiện đã trở thành lý do được đa số người dân ủng hộ, bất chấp những rủi ro về tính minh bạch, phòng chống rửa tiền cũng như quyền lợi thực tế được chuyển đến người thụ hưởng.
Qua các ví dụ trên, có thể thấy dù không có luật điều chỉnh, không có hương ước lệ làng quy định, nhưng những quan hệ theo chế định tín thác vẫn len lỏi trong đời sống của chúng ta, là một quan hệ không thể thiếu trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế pháp luật lại chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, đảm bảo những yêu cầu cơ bản khi hình thành nên một quan hệ tín thác. Điều này mang đến rủi ro vô cùng lớn về tính thực thi, đảm bảo mục đích sử dụng của tài sản với các vấn đề về kinh tế, xã hội. Bài viết sẽ tập chung vào việc đánh giá, phân tích và trình bày sự cần thiết phải đưa chế định tín thác vào hệ thống pháp luật Việt Nam.
2. Sự cần thiết của chế định tín thác
2.1. Phân chia và bảo vệ các nhóm tài sản cá nhân
Hộ Kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân là các hình thức kinh doanh đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020[1], đây được coi là những hình thức kinh doanh đặc thù gắn liền với chủ thể. Theo đó, mỗi cá nhân đều được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh thương mại và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản mà mình có. Hình thức này ủng hộ mạnh mẽ tinh thần tự do kinh doanh, đã được quy định tại Luật Thương mại 2005[2]. Tuy nhiên, hai hình thức này dẫn tới nhiều rủi ro về tài sản với thương nhân, đặc biệt phải phân tích là hình thức hộ kinh doanh.
Năm 2023, Việt Nam có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh (cao gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp)[3] và đóng góp tới 33% GPD của cả nước. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các mô hình hộ kinh doanh là quy mô nhỏ lẻ, hoạt động một cách lỏng lẻo và mang nặng tâm lý người buôn. Khi xảy ra những rủi ro trong kinh doanh, kết quả hoạt động thua lỗ, các khoản nợ theo đuổi chủ sở hữu hộ kinh doanh đến toàn bộ sản nghiệp mà người đó nắm giữ. Giải pháp an toàn là chuyển đổi sang các hình thức kinh doanh độc lập hơn như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đồng nghĩa với các thách thức toàn diện với hộ kinh doanh: Từ vấn đề về quản lý và vận hành đơn vị, yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của lãnh đạo; cho tới các hoạt động kiểm soát tài chính, chứng minh các khoản chi phí đầu vào, vận hành sản xuất; chưa kể, còn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng[4].
Chế định tín thác mở ra một cách quản lý tài sản bảo đảm ba yếu tố: (i) Tách bạch tài sản đầu tư khỏi tài sản cá nhân: Theo đó, tài sản tín thác sau khi được người lập tín thác xác nhận sẽ được người nhận tín thác tiếp nhận, quản lý và sử dụng hoàn toàn độc lập với sản nghiệp của người lập tín thác. Điều này giới hạn trách nhiệm về tài sản của các thương nhân trong giới hạn đầu tư của tín thác; (ii) Đảm bảo mục đích sử dụng: Ngoài các mục đích vi phạm pháp luật, chứng tư tín thác đưa ra một cam kết sử dụng tài sản tín thác vào đúng mục đính, tránh được việc lãnh phí tài sản vào những thất thoát đầu tư hoặc trách nhiệm xử lý rủi ro của người lập tín thác và (iii) Dễ thiết lập: Các bên xác lập quan hệ tín thác bằng thoả thuận hợp đồng, thường được biết đến với cái tên – chứng thư tín thác, thoả thuận này phù hợp với hầu hết các tài sản tín thác trong quan hệ pháp luật dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức quản lý tài sản hiệu quả.
Trước khi thành lập hộ kinh doanh, hay mở doanh nghiệp tư nhân, cá nhân sở hữu có thể lập chứng thư tín thác, tách một phần tài sản của mình dùng cho các chi phí sinh hoạt của gia đình, đầu tư học tập cho con cái hoặc bảo vệ sức khoẻ cho bố mẹ. Tài sản tín thác được tách bạch khỏi sản nghiệp của cá nhân kinh doanh về lý thuyết sẽ không thuộc quyền sở hữu của đại diện hộ kinh doanh/ chủ doanh nghiệp tư nhân, đồng nghĩa với việc sẽ không phải chịu rủi ro bù trừ trách nhiệm khi cá nhân thua lỗ trong kinh doanh. Qua đó, đảm bảo sự ổn định cho gia đình và xã hội.
2.2. Đầu tư cho các quỹ vì mục đích cộng đồng
Vào khoản thế kỉ II, xã hội La Mã cổ đại đã hình thành và phát triển các quỹ giáo dục, phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu. Ban đầu, các quỹ này được các thương gia dùng tài sản của mình để gửi vào các tu viện, yêu cầu số tiền chỉ được dùng vào mục đích duy trì hoạt động tu viện và nghiên cứu cho lĩnh vực chiêm tinh - bản đồ, qua đó hỗ trợ Nhà vua quản lý lãnh thổ, đồng thời phân chia các vùng kinh doanh, mua bán nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chính các thương gia đó. Về sau, các trường đại học lớn trên thế giới như Harvard, Yale hay Stanford tiếp tục phát triển các quỹ giáo dục, trở thành những đại học hàng đầu về quản lý và vận hành quỹ tín thác giáo dục, giá trị lên tới hàng chục tỉ đô la[5].
Trở lại với câu chuyện về từ thiện của nghệ sĩ đã nêu ở trên, việc khuyên góp từ thiện thông qua các cá nhân đi kèm với những rủi ro như (i) Không phân biệt được giữa tiền là tài sản của cá nhân nghệ sĩ với tiền nhận khuyên góp trong cùng một tài khoản; (ii) Hạn chế thanh toán các khoản phục vụ cho từ thiện do hạn mức chi tiêu của tài khoản cá nhân nghệ sĩ kêu gọi khuyên góp và (iii) Tiền ẩn nhiều nguy cơ về vấn đề rửa tiền, trốn thuế.
Các Quỹ tín thác trong các hoạt động về y tế, giáo dục, từ thiện tỏ ra vô cùng hiệu quả ở các nước theo hệ thống Thông luật. Theo đó, người nhận tín thác thường là các tổ chức từ thiện, hoạt động dưới hình thức Quỹ tín thác, tiếp nhận và sử dụng một cách minh bạch các khoản tài trợ. Điều này hạn chế tối đa việc trục lợi cá nhân, lợi dụng danh nghĩa gây quỹ cộng đồng để hưởng lợi bất chính. Từ đó, đảm bảo cho hệ thống an sinh xã hội và các hoạt động nhân đạo.
2.3. Cụ thể hoá những quan hệ tín thác ẩn trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng của người đã khuất. Theo đó: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”
Bản chất của di sản thừa kế là tài sản tín thác, theo đó người lập di chúc để lại một phần sản nghiệp của mình cho hoạt động thờ cúng. Những tài sản này mang giá trị vật chất lớn như nhà từ đường, đồ thờ như lư hương, hoành phi, câu đối hoặc có một giá trị tinh thần không thể đong đếm được như gia phả, di ảnh… Theo quy định hiện tại, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Điều này ảnh hưởng đến văn hoá tâm linh, cội nguồn dân tộc mà tổ tiên chúng ta đã gìn giữ bao đời nay. Chế định tín thác cung cấp giải pháp tách tài sản khỏi người sở hữu di sản từ sớm, chuyển giao cho tập thể, họ hàng. Như vậy, tại thời điểm mở thừa kế, các khoản nợ của người lập tín thác – người để lại di sản sẽ không ảnh hưởng tới di sản thừa kế mà họ hàng quản lý.
Án lệ số 02/2016/AL về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”, theo đó: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài do không đủ điều kiện sở hữu bất động sản ở Việt Nam, nên đã nhờ người thân đứng tên trong hợp đồng mua bán. Sau đó, tranh chấp xảy ra khi người nhận đứng tên bán mảnh đất, thu lợi gấp 10 lần số tiền được uỷ quyền đứng tên trong Hợp đồng mua bán. Ở phạm vi quốc tế, chứng thư tín thác cung cấp một bằng chứng vô cùng thuyết phục để xác nhận quyền tài sản của các chủ thể liên quan, là cơ sở để người lập tín thác có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời cũng là căn cứ để người nhận tín thác quản lý, sử dụng tài sản theo mục đích của tín thác.
Hai ví dụ trên chỉ là một trong số những quan hệ tín thác vô cùng phổ biến trong xã hội Việt Nam, điều này thể hiện sự gần gũi và thực tế của chế định tín thác trong hệ thống pháp luật dân sự. Tuy nhiên, việc không có một hành lang pháp lý cụ thể khiến cho tín thác trở nên phân tán, len lỏi trong các quy phạm pháp luật và không thể quản lý một cách đồng bộ, thống nhất, phần nào hạn chế sự tự do thoả thuận trên các quyền cơ bản của người dân.
3. Phương án đề xuất
Xuất phát từ hạt nhân lý luận của chế định tín tác là sự phân chia quyền sở hữu, nói cách khác là sở hữu kép - Duality of ownership; theo đó, pháp luật Việt Nam phân chia quyền sở hữu gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt[6]. Chế định tín thác phân bổ quyền sở hữu của người lập tín thác thành ba phần: Phần thứ nhất, bao gồm quyền chiếm hữu và quyền khai thác công dụng được giao cho người nhận tín thác để người này trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản tín thác cho các mục đích được ghi nhận tại chứng thư tín thác. Phần thứ hai, quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản được trả về cho người thụ hưởng. Phần còn lại, quyền định đoạt vẫn thuộc về người lập tín thác. Xã hội ngày càng phát triển, nguồn lực ngày càng giới hạn, quan hệ tín thác được vận hành hứa hẹn sẽ giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng của xã hội về phân bổ quyền sở hữu, phân bổ nguồn lực xã hội, phù hợp với các hình thái kinh tế liên tục đã và đang phát triển[7]. Để chuẩn bị một hành lang pháp lý hiệu quả và an toàn, tác giả đề xuất phương án luật hoá chế định tín thác, với 03 nội dung quan trọng như sau:
3.1. Về mặt nội dung
Nhằm bảo đảm chế định tín thác được xây dựng có tính khả thi, một chứng thư tín thác nhất thiết phải được xây dựng như một hợp đồng, cụ thể về các nội dung chủ thể, đối tượng, mục đích tín thác, thời hạn và điều kiện chấm dứt.
-Chủ thể của quan hệ tín thác bao gồm 03 chủ thể chính: Người lập tín thác – Settlor, người nhận tín thác – Trustee và người thụ hưởng – beneficiary. Trong một số trường hợp đặc biệt, người lập tín thác đồng thời có thể là người thụ hưởng.
Đối tượng của quan hệ tín thác là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác. Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các tài sản ảo như tiền mã hoá, sản phẩm do trí tuệ nhân tạo thiết kế sẽ đặt ra những thác thức mới không chỉ cho quy định về đối tượng của quan hệ tín thác, mà còn là thách thức gây tranh cái của cả hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam.
-Mục đích tín thác: Là một giá trị nhân văn mà tín thác mang lại. Ở phạm vi hẹp, tín thác mang quyền thụ hưởng trao cho người thụ hưởng – protector. Tuy nhiên, ở mức độ vĩ mô hơn, người thụ hưởng có thể là những tập hợp, cá nhân thoả mãn điều kiện thụ hưởng theo mục đích tín thác. Ví dụ tín thác quỹ đi học cho trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa; quỹ tín thác cho người gia neo đơn; quỹ tín thác cho người thất nghiệp…
-Thời hạn của tín thác: Trong một số trường hợp, tín thác cũng hạn chế quyền tiếp cận tài sản của một/ một số đối tượng, gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội. Ví dụ như trường hợp một cá nhân, để lại toàn bộ tài sản là toà lâu đài của mình phục vụ cho mục đích lưu trữ hiện vật lịch sử, tài sản được quản lý và sử dụng bởi quỹ tín thác địa phương, cho người dân địa phương và khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, trong toà nhà có nhiều hiện vật cổ, mang tính chất lịch sử quốc gia, việc không giới hạn phạm vi về thời gian có thể khiến cho tài sản mãi mãi đặt sai vị trí – nơi mà lẽ ra nó thuộc về.
-Cuối cùng, điều kiện chấm dứt một quan hệ tín thác: Một quan hệ tín thác có thể chấm dứt khi (i) Mục đích của tín thác hoàn thành hoặc (ii) Mục đích của tín thác không hoàn thành, trường hợp mục đích không hoàn thành, tài sản đã chuyển giao cho người nhận tín thác sẽ phải xử lý như thế nào.
3.2. Về mặt hình thức
Một chứng thư tín thác bắt buộc phải đảm bảo các yêu cầu như sau: (i) Được lập thành văn bản (hay chứng thư tín thác) và (ii) Việc giao nhận tài sản tín thác phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, có tiến độ, nội dung, mục đích thực hiện rõ ràng. Các quy định này đảm bảo cho tín xác định và khả năng thực thi của quan hệ tín thác được xác lập. Với một số phạm vi đặc thù, tài sản tín thác lớn, việc nhà nước quản lý, điều phối hoạt động là quy định cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín thác.
3.3. Phòng chống gian lận
Có thể thấy, việc luật hoá được quan hệ tín thác là mục tiêu có rất nhiều vấn đề cần phải triển khai, cùng với việc luật hoá chế định tín thác cũng cần xem xét một số rủi ro về hoạt động rửa tiền, tẩu tán tài sản.
Thiết lập cơ chế đánh giá tài sản tín thác: Với các tài sản có giá trị lớn, cần xem xét, đánh giá một cách cụ thể các vấn đề về nguồn gốc tài sản, tình trạng tài sản bảo đảm (nếu có) cũng như xác định tính thanh khoản của tài sản.
Đưa ra các tiêu chí đánh giá mục đích tín thác. Trong một số trường hợp, khi người lập tín thác đồng thời là người thụ hưởng, quan hệ này dần mang các tính chất của một quan hệ đầu tư. Điểm khác biệt để so sánh với các hoạt động đầu tư có thể kể đến như: Quan hệ tín thác chuyển toàn bộ quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác tài sản tín thác cho người thụ hưởng, trong khi quan hệ đầu tư mang tính chất hợp tác, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận/ rủi ro.
[1] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”
Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.”
[2] Khoản 2 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 có quy định: “Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.”
[3] Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2023) Hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có khả năng vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Link truy cập: https://vca.org.vn/hon-5-trieu-ho-kinh-doanh-ca-the-co-kha-nang-vao-dien-dong-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-a29281.html Truy cập ngày 07/8/2024.
[4] Báo Đại biểu nhân dân, (2019) Vì sao hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp? Link truy cập: https://daibieunhandan.vn/Kinh-te-phat-trien/Vi-sao-ho-kinh-doanh-khong-muon-chuyen-thanh-doanh-nghiep-i105492/ Truy cập ngày 07/8/2024.
Tạp chí kinh tế Việt Nam – VnEconomy, (2024) Chuyển đổi Hộ kinh doanh thành Doanh nghiệp, lấp lỗ hổng quản lý thuế. Link truy cập: https://vneconomy.vn/chuyen-doi-ho-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-lap-lo-hong-quan-ly-thue.htm Truy cập ngày 07/8/2024.
[5] Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, (2021) Lựa chọn hình thức pháp lý cho quỹ tín thác trường đại học ở Việt Nam. Link truy cập: https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/315624/CVv124S1362021136.pdf Truy cập ngày 07/8/2024.
[6] Trường Đại học Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội, (2023) Giáo trình Luật Dân sự 1 – Phần chung.
[7] Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (2022) Viện sĩ Nguyễn Ngọc Điện: Pháp luật về tài sản tín thác sẽ tạo ra nhiều nghề nghiệp mới tại Việt Nam, Báo Pháp Luật online. Link truy cập: https://plo.vn/vien-si-nguyen-ngoc-dien-phap-luat-ve-tai-san-tin-thac-se-tao-ra-nhieu-nghe-nghiep-moi-tai-viet-nam-post698781.html Truy cập ngày 08/8/2024.
Tài sản tín thác được tách bạch khỏi sản nghiệp của cá nhân kinh doanh - Ảnh: MH
Bài liên quan
-
Quy định mới về ủy thác thi hành án dân sự để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát
-
Về việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do nguyên đơn không nộp tiền ủy thác tư pháp
-
Chấn chỉnh hoạt động gửi hồ sơ yêu cầu tống đạt, ủy thác tư pháp văn bản tố tụng ra nước ngoài hiện nay
-
Nghiệp vụ uỷ thác về dân sự ra nước ngoài, giải quyết yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù tại Toà án nhân dân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận