Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN

Bài viết phân tích các quyết định tái thẩm đối với vụ án hôn nhân gia đình có liên quan đến xác định cha cho con. Đề xuất việc nâng cao hiệu quả, tính thống nhất trong quy trình tố tụng, áp dụng các quy định pháp luật

Trong xã hội hiện đại, việc xác định cha, mẹ, con càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh gia đình đa dạng và các vụ ly hôn ngày càng gia tăng. Kết luận giám định tư pháp về AND là chứng cứ quan trọng và cần thiết để Tòa án việc xác định chính xác mối quan hệ pháp lý giữa cha, mẹ và con không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền tài sản và thừa kế... của các bên liên quan. tuyên bố một người có quan hệ huyết thống với người

Vụ án thứ nhất, theo Quyết định tái thẩm số Quyết định tái thẩm số 09/2022/HNGĐ-TT ngày 24 - 9 – 2022 V/v Hôn nhân và gia đình nhận định:

“ Tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết ly hôn, anh Phạm Quang C và chị Mai Thị Ph đều thống nhất trình bày: Vợ chồng anh chị có 03 con chung là các cháu: Phạm Quang Đức M, sinh ngày 03/01/2006, Phạm Quang Đức T, sinh ngày 08/01/2009 và Phạm Quang Vinh A, sinh ngày 25/9/2015 (phù hợp với Giấy khai sinh của các cháu). Tòa án nhân dân huyện NgS, tỉnh Thanh Hóa đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh C và chị Ph; công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Giao cháu M và cháu T cho anh C trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; giao cháu A cho chị Ph trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng; hai bên không phải cấp dưỡng nuôi con chung là có cơ sở. Tuy nhiên, bản Kết luận giám định ADN số KL030263 ngày 04/6/2020 của Phòng TNTĐ Công nghệ Gen - Viện công nghệ sinh học thể hiện giữa anh Trịnh Ngọc T1 và cháu Phạm Quang Vinh A có quan hệ huyết thống cha - con.

Kết luận giám định ADN số KL030263 ngày 04/6/2020 của Phòng TNTĐ Công nghệ Gen - Viện công nghệ sinh học nêu trên là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung về phần con chung của Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 108/2019/QĐST-HNGĐ ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện NgS, tỉnh Thanh Hóa mà Tòa án và các đương sự không biết tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án.”

Vụ án thứ hai, Quyết định tái thẩm số 02/2024/HNGĐ-TT ngày 13/6/2024 về việc “Ly hôn” của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại ĐN[1] nhận định:

“…Do nghi ngờ cháu Trần A K không phải con chung với anh Trần Tân Đ mà cháu K là con chung với anh Bùi Thanh T nên chị Nguyễn Thị S đã đề nghị Công ty TNHH MTV T1 tiến hành giám định AND của anh Bùi Thanh T và cháu K. Tại

Phiếu kết quả phân tích ADN ngày 05/02/2024 của Công ty TNHH MTV T1 TESTINGS xác định Bùi Thanh T và Trần A Khôi có cùng huyết thống C - Con với độ tin cậy >99,9999%.

Xét thấy đây là tình tiết mới mà Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định sơ thẩm. Do đó, Hội đồng tái thẩm chấp nhận kháng nghị, hủy Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 34/2023/QĐST-HNGĐ ngày 15/6/2023 của Tòa án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi đối với phần “2.2 Về con chung” giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật...”

Vụ án thứ ba, tại Quyết định tái thẩm số 10/2023/HNGĐ-TT ngày 14/6/2023 của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại tp HCM, nhận định:

“…Do nghi ngờ trẻ Nguyễn Quốc B là con của mình nên anh Phạm Phú D1 yêu cầu Công ty cổ phần D2 phân tích ADN. Kết quả phân tích số KQ 1916365 ngày 17/6/2019 của Công ty cổ phần D2 kết luận anh D1 và trẻ Nguyễn Quốc B có quan hệ huyết thống CHA - CON. Khi có kết quả giám định, anh D1 không thông báo cho anh D, chị N cũng như Tòa án cấp sơ thẩm biết, dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận trẻ Nguyễn Quốc B là con của anh D. Qua xác minh thì anh D1 tự lấy mẫu của cháu B để giám định ADN là không đúng trình tự thủ tục, không đảm bảo khách quan nên Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện lại. Tại Phiếu kết quả phân tích ADN số KQ 2205881 ngày 23/12/2022 của Công ty cổ phần D2 xác định anh Phạm Phú D1 và trẻ Nguyễn Quốc B có quan hệ huyết thống CHA - CON. Từ những phân tích và chứng cứ viện dẫn trên đây có cơ sở xác định việc Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận cháu Nguyễn Quốc B là con chung của anh Nguyễn Văn D và chị Phạm Thị Bích N là không đúng sự thật khách quan. Do đó, cần phải hủy một phần Quyết định sơ thẩm (phần con chung) để giải quyết lại theo quy định pháp luật.”

Có 02 quan điểm về việc sự cần thiết của quyết định tái thẩm trong vụ án ly hôn hủy một phần bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định công nhận thỏa thuận đối với nội dung “Nuôi con chung về việc cấp dưỡng, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con…”

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quan hệ huyết thống (có kết luận giám định AND) là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung về phần con chung, ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ về trách nhiệm nuôi con của cha mẹ trong vụ án ly hôn (không có tranh chấp hay yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ). Để đảm bảo tính chính xác trong việc xác định con chung; việc cấp dưỡng, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong việc xác định nhân thân của trẻ và các vấn đề pháp lý có liên quan… nên cần thiết phải hủy một phần bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật có liên quan về phần con chung để giải quyết lại như các quyết định tái thẩm nêu trên nhận định.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu có căn cứ (kết luận giám định AND) cho rằng có hoặc không có quan hệ huyết thống thì các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp/yêu cầu về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ hay không công nhận con; thay đổi người trực tiếp nuôi con…bằng một vụ án khác bởi:

Về nội dung:

Theo Điều 58, 88 Luật Hôn nhân và Gia đình thì: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.” thì cha mẹ quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Quan hệ và nghĩa vụ của cha/mẹ đối với con chỉ chấm dứt khi có chứng cứ và được Tòa án xác định bằng quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Quy định nhằm bảo vệ bảo vệ phụ nữ, đảm bảo tối đa sự phát triển tốt nhất và quyền lợi cho trẻ, tránh trường hợp cha hoặc mẹ hay cả cha và mẹ, không quan tâm chăm sóc nuôi dưỡng con theo quy định, cho dù có cùng huyết thống với mình hay không; điều này cũng giảm bớt gánh nặng về tài chính, sức lực và áp lực đối với người đang trực tiếp nuôi con đặc biệt là phụ nữ; con trẻ ổn định về tâm sinh lý khi có sự quan tâm chăm sóc của cả hai người mà trẻ cho rằng là cha và mẹ của mình dù không có quan hệ huyết thống.

Về tố tụng:

Tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì quyết định Công nhận thỏa thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn phải có đầy đủ các điều kiện “a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.Hay trong vụ án ly hôn thuần túy theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự, nếu các bên đương sự không tranh chấp hay có yêu cầu về việc cha, mẹ không thừa nhận con; xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ; thay đổi người trực tiếp nuôi (khoản 2 Điều 88, 89, 90,91 và 101 Luật HNGĐ thì Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng không giải quyết đối với các yêu cầu này (khoản 3,4,5 Điều 28, khoản 10 Điều 29, điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự) và chỉ quyết định về Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Nên việc quyết định tái thẩm căn cứ vào tình tiết mới là kết luận giám định xác định quan hệ huyết thống để hủy quyết định đã có hiệu lực về phần con chung, nhằm xác định lại quan hệ cha/mẹ đối với con từ đó làm căn cứ để xác định trách nhiệm nuôi con sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người đang trực tiếp nuôi con và con trẻ. Bởi khi có quyết định kháng nghị tái thẩm về nội dung này, thì quyền lợi của trẻ em và phụ nữ/người trực tiếp nuôi con đã và đang được thi hành bởi bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật phải tạm dừng (hoãn thi hành bản án lại chờ kết quả giải quyết lại vụ án để xác định con theo huyết thống). Điều này vô hình chung đẩy áp lực lên vai người phụ nữ nếu đang nuôi con nhỏ, khi người cha không tiếp tục cấp dưỡng, chăm sóc, cũng như chia sẻ trách nhiệm pháp lý đối với cả mẹ và con sau khi ly hôn, khi mà chưa có một quyết định nào có hiệu lực pháp luật xác định về việc giữa các đương sự không có quan hệ cha, mẹ, con.

Ngoài ra, khi giải quyết bằng vụ án mới, việc cấp dưỡng, chăm sóc con… vẫn được tiếp tục nếu chưa có quyết định tạm dừng thi hành án bởi quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước đó, việc này cũng phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 482 quy định về “Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị” khi quyết định về cấp dưỡng, nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người trực tiếp nuôi con (thông thường là người mẹ) và người con là trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Tác giải đồng tình với quan điểm thứ hai, khi cha hoặc mẹ có nghi ngờ con mình không hoặc có quan hệ huyết thống thì có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác, yêu cầu Tòa án giải quyết về việc cha, mẹ không thừa nhận con; xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ, trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con... Sau đó Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ là kết luận giám định tư pháp được thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng và Luật giám định tư pháp để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nêu trên.

Việc giải quyết vụ án mới này sẽ tránh trường hợp cha và mẹ thoái thác trách nhiệm, kéo dài thời gian cấp dưỡng, không quan tâm chăm sóc trẻ em bởi kháng nghị tái thẩm căn cứ vào kết luận giám định AND mà tự cá nhân thu thập kết luận giám định, các đương sự khác không có điều kiện yêu cầu giám định lại vì không được biết và tiếp cận chứng cứ này trong quá trình Tòa án xem xét giám đốc thẩm hay tái thẩm.

 

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh

NCS. Lê Đức Anh Tòa Dân sự, TAND Tp.HCM