Bị cáo, bị hại là người cao tuổi được miễn án phí hình sự sơ thẩm

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài “Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về miễn án phí ở giai đoạn sơ thẩm” của tác giả Phan Thành Nhân ngày 16/11/ 2020. Trong các vướng mắc được nêu thì có trường hợp “Bị cáo, bị hại là người cao tuổi, thì có được miễn án phí hình sự sơ thẩm không?”. Về trường hợp này tôi xin có ý kiến trao đổi.

Trước hết phải khẳng định một điều rằng người tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự (nói chung), hình sự, hành chính có nghĩa vụ phải chịu án phí trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nhưng họ có được miễn án phí hay không thì phải căn cứ vào quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326).

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 326: Tại Điều 2 của Nghị quyết số 326 quy định Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án”. Như vậy, Nghị quyết này áp dụng cho tất cả người tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và có liên quan đến án phí lệ phí Tòa án. Theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết thì án phí bao gồm: Án phí hình sự;  Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;  Án phí hành chính.

Thứ hai, về trường hợp được miễn án phí. Các trường hợp được miễn án phí được quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 326. Theo đó, có các trường hợp cụ thể sau đây:

[1] Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

[2] Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

[3] Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

[4]– Đương sự là trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ;

– “Trẻ em”. Trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 là người dưới 16 tuổi;

– “Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo”. Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo phải đủ các tiêu chuẩn về hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hộ nghèo, cận nghèo.

– “Người cao tuổi”. Người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 là người từ đủ 60 tuổi trở lên;

– “Người khuyết tật”. Theo quy định của khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010, “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CPhướng dẫn Luật người khuyết tật, chia khuyết tật thành loại sau:

(1) Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

(2) Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

(3) Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

(4) Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

(5) Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

(6) Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc 05 trường hợp khuyết tật nêu trên.

– “Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”. Xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Danh sách xã đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.

– “Thân nhân Liệt sĩ”. Thân nhân Liệt sĩ theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2005 gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.

Thứ ba, về án phí hình sự. Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 136 của BLTTHS năm 2015: “2. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án; 3.Trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ khi có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì bị hại phải trả án phí.”. Ngoài ra, tại Điều 23 của Nghị quyết số 326 có quy định chi tiết về nghĩa vụ chịu án phí hình sự. Trong đó, quy định các trường hợp phải chịu án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự.

Như vậy, quy định tại Điều 12 và quy định tại Điều 23 của Nghị quyết số 326 khác nhau nhưng có liên quan. Nếu quy định tại Điều 23 của Nghị quyết số 326 là quy định cụ thể cho các trường hợp phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm thì quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 326 là quy định cụ thể cho các trường hợp có nghĩa vụ phải chịu án phí nhưng được xét miễn án phí nói chung, trong đó có án phí hình sự nói riêng. Do đó, tôi không đồng ý quan điểm cho rằng bị cáo, bị hại là người cao tuổi sẽ không được miễn án phí hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm). Bởi vì các lý do sau:

Một là, như đã viện dẫn quy định tại khoản khoản 2 Điều 136 của BLTTHS năm 2015 thì án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Quy định này được hiểu khái quát là nếu người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Nghị quyết số 326 thì phải chịu án phí. Nếu người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 326 thì họ không phải chịu án phí hình sự, trường hợp này có thể hiểu là Nhà nước chịu án phí do không thu án phí. Đối với bị hại cũng tương tự như vậy.

Thứ hai, thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thì thấy rằng người bị kết án nếu thuộc trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo. Nếu họ có yêu cầu Tòa án miễn án phí hình sự vẫn được Tòa án xem xét chấp nhận. Trường hợp “cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo” là nằm chung điểm, khoản, điều luật với trường hợp “người cao tuổi” tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326. Nêu vấn đề này để khẳng định lại quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 326 là quy định chung cho tất cả các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, chứ không quy định riêng cho vụ án nào. Do đó, không thể nói rằng trường hợp “người cao tuổi” là không áp dụng cho bị cáo, bị hại. Bởi “người cao tuổi” vẫn được quy định chung với các trường hợp khác trong cùng điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326.

Tóm lại, theo tôi thì bị cáo, bị hại nếu thuộc trường hợp “người cao tuổi” thì thuộc trường hợp được miễn án phí hình sự (sơ thẩm, phúc thẩm). Vấn đề là bị cáo, bị hại có đề nghị Tòa án miễn án phí cho họ theo đúng quy định tại Điều 14 của Nghị quyết số 326 hay không.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về trường hợp bị cáo, bị hại là người cao tuổi có được miễn án phí hình sự hay không. Rất mong bạn đọc và đồng nghiệp tiếp tục trao đổi thêm để nhận thức áp dụng cho thống nhất trong thực tiễn.

Bị cáo Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, ở Tân Phú, TP HCM) bị truy tố tội “Giết người và Không tố giác tội phạm” trong vụ án giết người đổ bê tông để phi tang – Ảnh: NLĐ

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)