Bị hại rút lại yêu cầu khởi tố ở giai đoạn phúc thẩm

Qua thực tiễn tố tụng, quy định về xử lý trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu tồn tại một số vướng mắc, cụ thể là chưa có điều luật quy định về trường hợp người có yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Tác giả cho rằng, trong trường hợp này nên xem đây là việc bị hại kháng cáo bản án sơ thẩm.

Không giới hạn về thời điểm bị hại rút lại yêu cầu khởi tố

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng có nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định đến các hoạt động, các giai đoạn khác của quá trình tố tụng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng đều có thể khởi tố vụ án hình sự. Với một số vụ án đặc biệt – vụ án chỉ có thể được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại – Luật tố tụng hình sự quy định, trong một số trường hợp mặc dù hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhưng nếu người bị hại không đồng ý thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án, đồng thời nếu bị hại rút lại yêu cầu khởi tố vụ án thì phải đình chỉ vụ án vì đối tượng để tiến hành tố tụng sẽ không còn.

Quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại xuất phát từ tính chất của vụ án và quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại. Đồng thời, quy định này có ý nghĩa tích cực trên các mặt chính trị – xã hội và pháp lý. Tuy nhiên, qua thực tiễn tố tụng, quy định về xử lý trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu tồn tại một số vướng mắc, cụ thể là chưa có điều luật quy định cụ thể khi người có yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Tại Điều 155 của BLTTHS năm 2015 quy định về Khởi tố theo yêu cầu của bị hại  như sau:

1.Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2.Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ ánBị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Khi BLTTHS 2015 được ban hành, một trong những điểm mới liên quan đến vấn đề này là không giới hạn về thời điểm bị hại rút lại yêu cầu khởi tố. Điểm mới này có ý nghĩa tôn trọng ý chí của người bị hại, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng chủ động thực hiện ý chí của mình nếu không bị ép buộc hoặc cưỡng bức, tạo điều kiện cho người thực hiện hành vi vi phạm (mang tính ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý ) tự mình khắc phục hậu quả và thỏa thuận hợp tình hợp lý với bị hại, giải quyết triệt để các hậu quả của vụ việc đã xảy ra.

Căn cứ để xử lý trường hợp người yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử sơ thẩm và các giai đoạn tố tụng trước đó được quy định tại các Điều 230 ( đình chỉ điều tra ở giai đoạn khởi tố vụ án), Điều 248 ( đình chỉ vụ án ở giai đoạn truy tố ) và điểm a khoản 1 Điều 282 ( đình chỉ vụ án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm ) của BLTTHS thì không có vấn đề vướng mắc vì tương thích với các quy định khác trong cùng bộ luật. Tuy nhiên, trường hợp người có yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố sau khi xét xử sơ thẩm thì luật chưa có quy định cụ thể hướng xử lý.

Rút lại yêu cầu khởi tố sau khi xét xử sơ thẩm

Theo Công văn số 254/TANDTC – PC ngày 26/11/2018 hướng dẫn: “ Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của cấp sơ thẩm”.  Phân tích các căn cứ này vẫn còn một số điểm chưa phù hợp như sau:

Nếu sau khi xét xử sơ thẩm, bị hại mới làm đơn rút yêu cầu khởi tố trong thời hạn kháng cáo hoặc trong thời hạn có kháng nghị thì cần xem đây là việc bị hại thay đổi ý kiến so với thời điểm xét xử sơ thẩm. Căn cứ vào Điều 356 BLTTHS, trường hợp này các quyết định của án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật nhưng việc bị hại rút lại yêu cầu khởi tố phải được xem là tình tiết mới đối với bị cáo (nếu không có vi phạm nào nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc có dấu hiệu oan, sai ) thì do đối tượng xét xử là hành vi bị xem là vi phạm pháp luật không còn, Thẩm phán được giao chủ tọa phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử phải ra quyết định đình chỉ vụ án và hủy án sơ thẩm. Tuy nhiên, các điều luật về hủy án sơ thẩm như Điều 358 ( Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại ) và Điều 359 ( Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án ) đều không thỏa mãn đối với trường hợp này bởi lẽ:

-Điều 358 quy định việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại do có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên; có việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… 

Điều 359 quy định:  việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án do: Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự ( tức là không có sự việc phạm tôi hoặc hành vi không cấu thành tội phạm ) thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Như vậy, Công văn 254 đề cập việc áp dụng khoản 2 Điều 157 và khoản 2 Điều 359 BLTTHS để hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là chưa phù hợp vì khoản 2 Điều 359 không liệt kê khoản 8 Điều 157 BLTTHS (tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố ).

Theo ý kiến cá nhân tác giả thấy rằng: Do sau khi xét xử sơ thẩm, bị hại mới có yêu cầu rút lại yêu cầu khởi tố nên cần xem đây là việc bị hại kháng cáo lại bản án sơ thẩm. Đây là tình tiết mới phát sinh tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nên cần áp dụng Điều 357 BLTTHS để sửa bản án sơ thẩm theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo do thỏa mãn các quy định tại khoản 3 Điều 29 hoặc Điều 59 BLHS.

Tại khoản 3 Điều 29 BLHS quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Điều 59 BLHS về miễn hình phạt quy định:  “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố ở giai đoạn xét xử phúc thẩm mà vụ án bị đình chỉ và bản án sơ thẩm bị hủy thì các vấn đề còn lại như trách nhiệm dân sự, xử lý tang vật sẽ giải quyết ra sao vẫn chưa được hướng dẫn đầy đủ. Nên chỉ khi tuyên sửa án sơ thẩm về hình phạt thì các phần khác của án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên hiệu lực để thi hành thì mới xem là giải quyết được toàn bộ các vấn đề của vụ án.

Đây chỉ là những ý kiến cá nhân về vận dụng pháp luật để giải quyết vấn đề, thực chất vẫn cần bổ sung quy định chính thức về trường hợp giải quyết hậu quả của việc người đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Rất mong những vướng mắc này được giải đáp và góp ý.

 

NGUYỄN THỊ THỤY VŨ (Phó Chánh tòa – Tòa Hình sự - TAND Tp Cần Thơ)