Bộ Quốc phòng đề nghị một số đơn vị được tiến hành hoạt động điều tra

(TCTA) - Tại công văn phúc đáp của Bộ Quốc phòng gửi Bộ Công an về việc tham gia ý kiến với Hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Bộ Quốc phòng cho rằng, Đoàn Trinh sát thuộc Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có chức năng phòng, chống tội phạm nên cần quy định được tiến hành một số hoạt động điều tra.

Quan điểm của Bộ Quốc phòng

Tại dự thảo Luật, Bộ Công an đề nghị quy định: “Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương, CQĐT hình sự quân khu và tương đương, CQĐT hình sự khu vực”.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không đồng ý nội dung này với lý do, CQĐT trong Quân đội nhân dân được tổ chức tại các cơ quan, đơn vị Quân đội. Và theo quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyết định giải thể, thành lập, sáp nhập các cơ quan, đơn vị.

Vì thế, cần để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể; quy định về tổ chức bộ máy, địa bàn hoạt động, con dấu, biên chế của các CQĐT trong Quân đội.

Như vậy, sẽ phù hợp đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm và bảo đảm đồng bộ với quy định về CQĐT trong Công an nhân dân.

Với quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung “Đoàn Trinh sát” là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong BĐBP.

Lý do, Đoàn Trinh sát trực thuộc Cục Trinh sát có chức năng, nhiệm vụ là đơn vị trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm được quy định tại Chương XII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) của Bộ luật Hình sự. Việc không quy định Đoàn Trinh sát là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia.

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra của BĐBP đối với các tội quy định tại Điều 190, Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191, Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Điều 232, Tội vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; Điều 234, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244, Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Việc này xuất phát từ thực tiễn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP trực tiếp phát hiện, bắt giữ hoặc tiếp nhận tố giác, tin báo về các loại tội phạm trên nhưng vì không có thẩm quyền điều tra nên phải bàn giao ngay cho lực lượng khác. Tình trạng này có thể dẫn tới tình huống BĐBP không mở rộng, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ đấu tranh, truy bắt kịp thời các đối tượng có liên quan.

Tương tự với BĐBP, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung Đoàn Trinh sát của Cảnh sát biển được tiến hành một số hoạt động điều tra vì đây là đơn vị có chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính. Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát cũng phải là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Cảnh sát biển.

Nếu không quy định Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát có thẩm quyền nêu trên sẽ dẫn đến việc phát hiện tội phạm, thu thập chứng cứ, tài liệu không kịp thời, có thể dẫn tới bỏ sót, bỏ lọt tội phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

Đặc thù trong hoạt động điều tra hình sự của Lực lượng Cảnh sát biển, BĐBP

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của BĐBP quy định tại Điều 164 và được quy định cụ thể tại Điều 32 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự:

BĐBP khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự xảy ra trong KVBG trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do BĐBP quản lý thì Cục trưởng Cục Trinh sát biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng, Đồn trưởng đồn Biên phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Hoạt động điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển thường ở giai đoạn điều tra ban đầu đối với một số tội phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa do Lực lượng Cảnh sát biển quản lý. Cụ thể là tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347 và 348 của Bộ luật Hình sự.

Hoạt động điều tra hình sự của Lực lượng Cảnh sát biển có sự giới hạn nhất định về số lượng hoạt động điều tra và phạm vi loại án:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

- Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, tạm giữ.

Hoạt động điều tra hình sự của Lực lượng Cảnh sát biển, BĐBP là hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không phải là hoạt động của CQĐT chuyên trách. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển, BĐBP trong điều tra có những điểm khác biệt so với các CQĐT chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

QUANG PHÚC

Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Ảnh minh họa -  Khải Hoàn.