Các vấn đề lý luận về nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của TAND
Trên cơ sở phân tích khái niệm nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân, bài viết đưa ra ý nghĩa và nội dung của nhiệm vụ này để qua đó thấy được vai trò của Tòa án nhân dân nói chung cũng như trong một số lĩnh vực tố tụng.
1. Khái niệm nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân
Đầu tiên, cần thấy rằng bảo vệ quyền con người, quyền công dân có thể hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao trùm các nghĩa vụ của nhà nước nói chung đối với quyền con người, quyền công dân. Điều này thể hiện ở chỗ “bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và là một đặc tính quan trọng của Nhà nước pháp quyền” và do vậy“nhà nước ra đời thực chất phải đảm nhiệm tốt cả hai vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Hai vai trò này thường xuyên có tác động tới nhau, thậm chí đối nghịch lại nhau, nhưng lại là bài toán hóc búa buộc nhà nước phải giải quyết một cách hài hòa”[1]. Chính vì hiểu theo nghĩa này, Hiến pháp đã quy định rõ nhiệm vụ bảo vệ quyền con người cho các cơ quan nhà nước. Trước tiên, tuy nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại các điều khoản khác nhau, song cả hai hệ thống cơ quan này đều có chung nhiệm vụ “bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[2]. Bên cạnh hai cơ quan này, Chính phủ cũng lần đầu tiên được quy định có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân[3]. Có thể thấy trách nhiệm bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định hết sức rộng rãi chứ không bó hẹp như một bộ phận trong các nghĩa vụ của nhà nước. Quy định như vậy có thể chưa đủ tập trung để xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ quyền con người là thuộc về cơ quan nào song nó đã cho thấy sự phát triển lớn trong nhận thức chung về vai trò và tầm quan trọng của quyền con người cũng như vấn đề bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, về ngôn ngữ, “nhiệm vụ” có thể hiểu là “công việc phải làm, gánh vác”[4] hoặc “công việc phải làm vì một mục đích và trong một thời gian nhất định”[5]. Trong khoa học lý luận nhà nước và pháp luật, khái niệm “nhiệm vụ của nhà nước” được hiểu là những công việc đặt ra đòi hỏi nhà nước phải giải quyết theo những mục tiêu đã định sẵn[6]. Tuy khái niệm trên được chỉ chung cho toàn bộ nhà nước chứ không riêng cơ quan nhà nước nào nhưng nó cũng giúp chúng ta hình dung về nhiệm vụ của nhà nước, trong đó có cả những nhiệm vụ trước mắt lẫn nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Ở đây, khi nói đến nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân; ta phải hiểu đây là nhiệm vụ mà Tòa án nhân dân phải giải quyết trong suốt quá trình tồn tại của mình, tức là có tính chiến lược và lâu dài; gắn liền với chức năng của cơ quan này.
Từ đó, có thể nhận định rằng:
“Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân là những công việc lâu dài, xuyên suốt; được đặt ra và đòi hỏi Tòa án nhân dân phải giải quyết nhằm ngăn chặn, xử lý tất cả những sự xâm phạm quyền con người trong xã hội nói chung cũng như quá trình tố tụng nói riêng; từ đó tạo ra một môi trường pháp lý an toàn để mọi người cũng như mọi công dân có thể thụ hưởng quyền của mình.”
Theo khái niệm trên, cần lưu ý một số điểm sau:
- Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân không tách rời khuôn khổ thẩm quyền của cơ quan này. Vì vậy, các cơ quan nhà nước khác cũng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân nhưng với phạm vi quyền hạn khác. Chẳng hạn, Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này với các công việc như cung cấp dịch vụ công, bảo vệ trật tự xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo.v.v.[7]
- Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ công lý và qua đó nâng cao vai trò của cơ quan này đối với xã hội; đặc biệt với vị trí như là “chốt chặn” cuối cùng của nhà nước pháp quyền, nơi giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, khách quan, tạo nên một nền tư pháp an toàn để người dân yên tâm sinh sống.
- Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan tới tất cả mọi chủ thể trong xã hội nhưng mật thiết nhất là từng cá nhân đương sự trong các vụ việc. Vì thế, quy trình tố tụng phải được đảm bảo một cách tuyệt đối bởi công lý chỉ có thể đạt được khi thủ tục tố tụng được tôn trọng.
2. Ý nghĩa của nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân
Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Tòa án nhân dân sẽ góp phần bảo vệ một mục tiêu, giá trị vĩ mô hơn, đó là pháp quyền. Xét từ góc độ lý luận, việc bảo vệ quyền con người quyền con người có liên hệ mật thiết với nhà nước pháp quyền. Mục đích của việc xây dựng chế độ pháp quyền chính là đảm bảo sự công bằng của pháp luật, ngăn ngừa sự lạm quyền của nhà nước. Trong chế độ đó, nhà nước và pháp luật đóng vai trò điều hòa lợi ích của tất cả chủ thể trong xã hội. Sự điều hòa lợi ích đó chính là cách thức để bảo vệ quyền con người. Hay có thể nói, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền con người thì phải xây dựng chế độ pháp quyền. "Tự do, bình đẳng phẩm giá của con người và những hình thức thể hiện khác nhau của bảo đảm quyền con người là những yếu tố đặc trưng truyền thống của chế độ pháp quyền"[8]. Bảo vệ quyền con người là mục đích và cũng là trách nhiệm của nhà nước. Sự hình thành của nhà nước không có nguyên nhân gì khác hơn là để bảo vệ cho quyền con người. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ cũng đã khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân”[9]. Như vậy, quyền con người và pháp quyền có mối liên hệ với nhau một cách hết sức chặt chẽ. Để bảo vệ được quyền con người thì phải có pháp quyền, hay có thể nói, khi có pháp quyền thì con người mới được đảm bảo về nhân quyền. Đúng như học giả La Mã Marcus Tullius Cicero (106 - 43 TCN) đã phát biểu, "chỉ khi con người chấp nhận là nô lệ của của pháp luật thì họ mới có tự do"[10]. Vậy Tòa án nhân dân có vai trò gì trong việc bảo vệ quyền con người và qua đó bảo đảm pháp quyền? Câu trả lời có thể tóm lược ở chỗ: (1) Tòa án có quyền xét xử đối với những hành vi xâm phạm quyền con người; và (2) Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền áp dụng hình phạt - hình thức tước bỏ quyền con người hà khắc nhất. Cụ thể, thông qua việc xét xử những hành vi xâm phạm quyền con người, không chỉ nạn nhân được đòi lại công lý mà sự nghiêm minh của bản án còn làm cảnh tỉnh xã hội, giúp ngăn ngừa sự tái diễn của các hành vi đó. Tiếp theo, bởi Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có quyền áp dụng hình phạt, tòa án được tổ chức để đảm bảo sự công tâm một cách tối đa và hạn chế đến mức tối thiểu sự lạm dụng trừng phạt.
Về mặt thực tiễn, vấn đề quyền con người đã được nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nó khi Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều sự thay đổi, không chỉ về mặt hình thức (thay đổi về thứ tự Chương liên quan) mà còn về nội dung (ghi nhận thuật ngữ “quyền con người”)[11]. Việc quy định nhiệm vụ “bảo vệ quyền con người” cho tòa án cũng là một điểm mới thể hiện sự liên kết toàn vẹn giữa pháp quyền, quyền con người và tòa án. Ở Việt Nam, vai trò bảo vệ quyền con người của Tòa án nhân dân được thể hiện ở nhiều khía cạnh với nhiều cấp độ khác nhau. Với cấp độ thông thường, vai trò đó thể hiện ở một số điểm như: (1) Tòa án bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với thẩm quyền bao trùm nhiều loại vụ việc, tranh chấp; (2) Tòa án bảo vệ quyền con người thông qua thủ tục tố tụng được thiết kế nhằm đảm bảo tính công bằng; và (3) Tòa án bảo vệ quyền con người thông qua một cơ chế có tính pháp lý với phán quyết được đảm bảo thi hành bằng quyền lực nhà nước[12]. Ở cấp độ này, bảo vệ quyền con người được nhìn nhận như là kết quả đầu ra của hoạt động xét xử. Đây cũng là hoạt động chủ yếu và đặc trưng nhất của tòa án với những tính chất như đã được kể ở trên.
3. Nội dung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân
Như đã trình bày, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân không tách rời khỏi những thẩm quyền cụ thể của cơ quan này. Thẩm quyền chung của Tòa án nhân dân là xét xử nhưng trong mỗi lĩnh vực tố tụng thì việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân lại có những điểm khác nhau. Vì vậy, khi nghiên cứu về nội dung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân thì chúng ta cần lưu ý tới các khía cạnh bao gồm:
3.1. Trong tố tụng hình sự
Tòa án bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung thông qua hoạt động xét xử, rõ nét nhất là trong vụ án hình sự. Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền: Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; nhằm xét xử đúng người, đúng tội, không bị oan sai - đó là điều cơ bản cốt yếu nhất để bảo vệ quyền con người của các bị can, bị cáo[13].
Trong xét xử các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân cần đảm bảo các nguyên tắc: không làm oan người không có tội phải đi liền với không để lọt tội phạm; nhiệm vụ phát hiện xử lý tội phạm phải đi liền với việc bảo đảm quyền con người. Hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện trên cơ sở coi trọng các yếu tố đó; bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác nói trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt được mục đích tố tụng. Nếu muốn chứng minh tội phạm, xử lý tội phạm bằng bất cứ giá nào thì dễ dẫn đến vi phạm quyền con người; ngược lại nếu quá chú ý đến việc bảo đảm quyền con người thái quá mà không mạnh dạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng để phát hiện, chứng minh tội phạm thì sẽ làm cho hoạt động tố tụng thiếu hiệu quả, không thể phát hiện, xử lý kịp thời người phạm tội, thậm chí bỏ lọt tội phạm.v.v. Kết quả của việc xử lý hành vi xâm phạm đến quyền con người, giải quyết các tranh chấp khác trong xã hội phải dựa trên bản án, quyết định đảm bảo sự thật khách quan, công bằng, công minh, đúng pháp luật, đạt đến chuẩn công lý. Như vậy, trước thực tiễn và nguy cơ quyền con người bị xâm hại bởi hành vi tội phạm, ở Việt Nam đã có cơ chế để tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự. Cơ chế này có tính đặc thù bởi tòa án tuy có vai trò trung tâm nhưng việc tòa án bảo vệ quyền con người bằng tố tụng hình sự vẫn thấy sự hiện hữu và vai trò không thể coi nhẹ của các cơ quan tư pháp khác như điều tra, kiểm sát. Trong sự vận hành của cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án rất cần sự phối hợp, chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan này với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền chống lại các hành vi tội phạm xâm phạm quyền con người.
3.2. Trong tố tụng dân sự
Việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự do phía các đương sự tự nguyện và chủ động khởi xướng và thực hiện. Nó bắt đầu ngay từ khi khởi kiện hay không khởi kiện. Trong việc tiếp tục hay từ bỏ việc khởi kiện, cung cấp cứ, tham gia phiên tòa, tự bảo vệ hay nhờ người khác bảo vệ quyền lợi của mình. Nhà nước nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng càng ít can thiệp vào các quyền tố tụng dân sự của đương sự càng tốt bởi lẽ “ việc dân sự cốt ở đôi bên”. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tòa án đóng vai trò mờ nhạt trong cơ chế giải quyết các vụ án dân sự. Ngược lại, nhiệm vụ của tòa án là tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho các bên tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chính vì vậy, tố tụng dân sự Việt Nam có những quy định thể hiện rất rõ điều này. Đó là các quy định về thẩm quyền của tòa án. Các quy định về thủ thủ tục và cơ chế để các đương sự thu thập, giao nộp chứng cứ, tham gia tích cực và chủ động vào quá trình tố tụng, quy định các trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khởi kiện nhằm mục đích vệ lợi ích chung, về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của cơ quan nhà nước; các quy định về miễn, giảm án phí.v.v.[14] Mục đích vừa đảm bảo cho các đương sự tự bảo vệ quyền lợi của mình vừa đảm bảo cho tòa án có quyết định, bản án đạt đến công lý. Vai trò của tòa án trong cơ chế bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự còn thể hiện trong các quy định về thẩm quyền theo vụ việc của tòa án các cấp. Theo đó, tòa án không chỉ là người phân xử các tranh chấp mà còn là cơ quan công nhận, khẳng định các quyền của con người thể hiện ở các thủ tục giải quyết các việc dân sự như: giải quyết các khiếu nại về danh sách cử tri; giải quyết các yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố một người mất tích hay đã chết v.v.
Như vậy, đặc trưng nổi bật trong cơ chế tòa án bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực dân sự đó chính là sự tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của đương sự và tòa án luôn đóng vai trò thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ tự bảo vệ quyền con người của mình.
3.4. Trong tố tụng hành chính
Quyền con người có thể bị xâm phạm từ phía các cá nhân trong xã hội nhưng cũng không loại trừ trường hợp nó có thể bị xâm phạm từ phía cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội của mình. Trong trường hợp đó, quyền con người có thể bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính do cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, trong nhà nước pháp quyền, giữa nhà nước và công dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau. Điều đó thể hiện ở việc cơ quan hành chính nhà nước cũng phải có trách nhiệm với công dân và có thể bị dân kiện ra Tòa án nhân dân nếu nhà nước xâm phạm đến quyền con người trong hoạt động quản lý hành chính của mình. Sự tồn tại của các tòa hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân chính là phương thức bảo đảm quyền con người một cách toàn diện nhất. Bởi lẽ, con đường tài phán hành chính vối ưu điểm công khai, minh bạch, độc lập không phụ thuộc vào cơ quan hành chính luôn là đảm bảo tốt nhất cho công dân bảo vệ quyền con người của mình và phù hợp với cơ chế chung của quốc tế khi mọi tranh chấp kể cả các tranh chấp giữa cá nhân và nhà nước đều phải được giải quyết bằng con đường toà án.
Bảo đảm quyền con người còn thể hiện trong khía cạnh thủ tục. Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại tòa hành chính cơ bản cũng giống thủ tục giải quyết các vụ án dân sự khác. Đó là việc bảo đảm cho các bên có quyền thực hiện các quyền tố tụng của mình, đưa ra bằng chứng và phản bác lại bằng chứng của bên kia qua việc kiểm tra chéo, mời người làm chứng là các chuyên gia và những người làm chứng khác. Vai trò của toà án cũng là tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền đó và phán quyết trên cơ sở độc lập, vô tư không thiên vị.
Kết luận
Nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân là công việc thể hiện rõ nét vai trò của cơ quan này cũng như đặc trưng của hoạt động xét xử. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là mục tiêu vừa là cách thức để Tòa án nhân dân thực hiện được sứ mệnh của mình trong việc xây dựng và thúc đẩy những giá trị của nhà nước pháp quyền. Trong tất cả các lĩnh vực tố tụng (dân sự, hình sự, hành chính); nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án nhân dân đều thể hiện ở chỗ cơ quan này cần phải đưa ra được phán quyết một cách khách quan, minh bạch, vô tư; qua đó xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các đương sự, khiến các đương sự “tâm phục khẩu phục”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trương Hồng Quang, Đánh giá 5 năm thi hành nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp 2013”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019.
2. Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản, Đặng Minh Tuấn, Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 108.
3. Đinh Thế Hưng, Trần Xuân Thái, “Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2011.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2022.
5. Cao Xuân Phong, Đánh giá thực trạng các thiết chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế: Mô hình cơ quan quốc gia bảo vệ quyền con ngưòi, kinh nghiệm của các nước châu Âu và đề xuất mô hình cho Việt Nam, Bộ Tư pháp, 6/2016.
[1] Trương Hồng Quang, Đánh giá 5 năm thi hành nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp 2013”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019.
[2] Xem Khoản 3, Điều 102, Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp năm 2013.
[3] Xem Khoản 6, Điều 96, Hiến pháp năm 2013.
[4] Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[5] Hoàng Phê (Chủ biên) (2006), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
[6] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2022, trang 74.
[7] Cao Xuân Phong, Đánh giá thực trạng các thiết chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế: Mô hình cơ quan quốc gia bảo vệ quyền con ngưòi, kinh nghiệm của các nước châu Âu và đề xuất mô hình cho Việt Nam, Bộ Tư pháp, 6/2016.
[8] Konrad - Adenauer - Siftung, “Nhà nước pháp quyền”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 51.
[9] Tác giả sử dụng bản dịch được đăng trên trang mạng của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Địa chỉ truy cập: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/dec_independence.html. Truy cập ngày 05/4/2019.
[10] Theo Nathalie Montreuil, “Everyday quotes”, 2008, tr. 170. Nguyên văn: "We are in bondage to the law so that we might be free".
[11] Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản, Đặng Minh Tuấn, Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 108.
[12] Đinh Thế Hưng, Trần Xuân Thái, “Cơ chế bảo vệ quyền con người bằng tòa án”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6/2011.
[13] https://congly.vn/toa-an-bao-ve-quyen-con-nguoi-theo-tinh-than-hien-phap-2013-142658.html
[14] https://vusta.vn/co-che-bao-ve-quyen-con-nguoi-bang-toa-an-p64043.html
Bài liên quan
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 Thẩm phán TANDTC
-
Trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử tại TAND các tỉnh phía Nam
-
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến dự hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 11 tại Phillippines
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận