Cần ban hành thông tư mới về giải quyết án trọng điểm
Ngày 15/01/1994, Bộ Nội vụ, VKSNDTC, TANDTC ban hành Thông tư liên ngành số 01/TTLN hướng dẫn việc giải quyết các vụ án trọng điểm. Đến nay, Thông tư đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thay đổi.
Thông tư liên ngành số 01/TTLN đã giúp ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án các cấp phối hợp giải quyết nhiều vụ án trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt yêu cầu chính trị chung và nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng TTLN số 01 cho thấy có những nội dung không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
1. Về căn cứ, tiêu chuẩn xác định án trọng điểm
1.1. Theo TTLN số 01: Các vụ án trọng điểm là các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng chính trị xấu trong quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội.
Quy định như vậy tại thời điểm năm 1994 là phù hợp, nhưng tại thời điểm hiện nay là chưa đầy đủ. Bởi, nếu chỉ xác định “ Các vụ án trọng điểm là các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự an toàn xã hội…” thì so với Bộ luật hình sự năm 2015 còn rất nhiều loại tội phạm nữa cần đưa vào diện xem xét để chọn làm án trọng điểm. Trên thực tế, các địa phương thời gian qua cũng đã chọn, giải quyết nhiều vụ án trọng điểm không nằm trong ba nhóm tội phạm nói trên.
1.2. Cũng theo TTLN số 01, khi xác định các vụ án trọng điểm phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương vào thời điểm phát hiện tội phạm. Trước mắt phải căn cứ vào Chỉ thị số 60/TW ngày 26/5/1990 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 135/HĐBT ngày 14/5/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Chỉ thị số 15 ngày 20/11/1992 của Bộ Chính trị, Quyết định số 114/TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 04 của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 4 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng và buôn lậu.
Các văn bản làm căn cứ xác định án trọng điểm nói trên đều được ban hành từ những năm 1990, trên thực tế, các văn bản này đều đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng các văn bản khác. Trong khi đó, Quốc Hội đã thông qua nhiều Bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức TAND năm 2014, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015…Đây là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, cần được cụ thể hóa trong Thông tư liên ngành nói chung, Thông tư liên ngành về việc giải quyết các vụ án trọng điểm nói riêng.
2. Về yêu cầu trong giải quyết các vụ án trọng điểm
TTLN số 01 quy định khá cụ thể về những yêu cầu trong giải quyết các vụ án trọng điểm. Theo đó, việc giải quyết các vụ án trọng điểm đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, nên khi vụ án được xác định là trọng điểm thì phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, giải quyết nhanh gọn, bảo đảm chính xác, đánh trúng bọn tội phạm nguy hiểm, có tác dụng giáo dục, thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị chung và công tác trọng tâm của địa phương.
Chúng tôi thấy rằng, quy định như trên không còn phù hợp với hiện nay, việc giải quyết các vụ án trọng điểm đòi hỏi không chỉ nhanh chóng, kịp thời, chính xác, mà còn phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, phải bổ sung đầy đủ hơn về mục đích của việc giải quyết các vụ án trọng điểm là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
3. Về mối quan hệ phối hợp giữa ba ngành
3.1. Theo TTLN số 01, trên cơ sở quản lý các vụ án đã khởi tố, cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát khi phát hiện được vụ án mà thấy cần được xác định là vụ án trọng điểm thì cần phải thông tin kịp thời, trao đổi với nhau để thống nhất quyết định chọn làm vụ án trọng điểm. Đối với các vụ án về các tội phạm trị an và các tội xâm phạm an ninh quốc gia, cơ quan Công an chọn và đề xuất lãnh đạo ba ngành trực tiếp trao đổi thống nhất xác định. Riêng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia ở mục A, lãnh đạo ba ngành địa phương phải xin ý kiến của cấp uỷ và báo cáo lãnh đạo ba ngành Trung ương...
Hiện nay, BLHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung so với BLHS năm 1985 mà TTLN số 01 căn cứ để hướng dẫn việc giải quyết các vụ án trọng điểm. Như các vụ án về các tội phạm trị an được sửa đổi, bổ sung thành các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm an ninh quốc gia không còn quy định ở mục A, mà được quy định thành một Chương riêng trong BLHS; các vụ án kinh tế được sửa đổi, bổ sung thành các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế… Đặc biệt, BLHS năm 2015 đều có nhiều Chương quy định về các tội phạm mà TTLN số 01 chưa đề cập đến như các tội phạm về ma túy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các tội phạm khác về chức vụ ( ngoài các tội phạm tham nhũng), các tội xâm phạm hoạt động tư pháp…
3.2. Bên cạnh đó, TTLS số 01 còn quy định: “Tùy tính chất vụ án mà Viện kiểm sát cần tham gia kiểm sát kịp thời trong những hoạt động tố tụng có tính chất quan trọng như: Khám nghiệm hiện trường, khám xét thu thập vật chứng, yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp, sơ kết theo từng giai đoạn điều tra, vạch kế hoạch thực hiện tiếp hướng điều tra đã được xác định”. Trong khi đó, việc khám nghiệm hiện trường theo quy định hiện hành bắt buộc VKS phải tham gia; lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành ( trừ trường hợp không thể trì hoãn)…Việc TTLN số 01 quy định tùy tính chất vụ án mà VKS cần tham gia…là không còn phù hợp với BLTTHS hiện hành.
3.3. TTLN còn quy định: Khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, để thực hiện tốt hơn những công việc thuộc chức năng của mỗi ngành, Viện kiểm sát và Toà án cần tổ chức cuộc họp trao đổi theo đúng tinh thần Thông tư Liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1988 của TANDTC, VKSNDTC. Hiện nay, Thông tư này cũng đã hết hiệu lực thi hành.
3.4. Về công tác phòng ngừa: TTLN số 01 quy định trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ, chú ý làm rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, ba ngành cần trao đổi thống nhất rút ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, Viện kiểm sát có trách nhiệm tập hợp làm kiến nghị yêu cầu cơ quan chủ quản củng cố các mặt quản lý để khắc phục vi phạm. Sau khi vụ án được xét xử, Toà án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan (như Tư pháp, các cơ quan ngôn luận v.v...) tuyên truyền phát huy kết quả của việc xét xử nhằm phục vụ tốt công tác phòng ngừa chung.
Trên thực tế, việc phối hợp ba ngành trong việc ban hành kiến nghị như quy định trên rất ít thực hiện, thậm trí là không có. Thông thường, qua việc giải quyết vụ án VKS thường tự mình rút ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để ban hành kiến nghị; Tòa án nếu có kiến nghị cũng nêu luôn trong bản án... Do đó, cần quy định từng ngành có trách nhiệm và chủ động trong việc kiến nghị thì hợp lý hơn.
Còn việc chỉ giao cho Toà án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền phát huy kết quả của việc xét xử…cũng là chưa phù hợp, vì hiện nay Cơ quan công an, VKSND các cấp đều có Trang thông tin điện tử, đã và đang làm rất tốt công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền pháp luật nói riêng. Do đó, cần thiết phải giao trách nhiệm tuyên truyền kết quả giải quyết các vụ án trọng điểm cho cả ba ngành.
4. Về thẩm quyền ban hành Thông tư và kiến nghị
Tại thời điểm năm 1994, ba ngành Bộ Nội vụ, VKSNDTC, TANDTC ban hành Thông tư liên ngành số 01/TTLN là đúng thẩm quyền, vì khi đó Cơ quan Công an trực thuộc Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, hiện tại Cơ quan Công an không thuộc Bộ Nội vụ nữa, nên liên ngành Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC phải ban hành Thông tư mới cho phù hợp với thực tế.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết các vụ án trọng điểm, tăng cường sự phối hợp trên cơ sở chức năng của từng ngành trong việc điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm, phục vụ yêu cầu chính trị trong tình hình mới, đảm bảo tuân thủ các quy định trong BLHS, BLTTHS năm 2015, đề nghị liên ngành Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC ban hành Thông tư mới về giải quyết các vụ án trọng điểm thay thế TTLN số 01 với nội dung cụ thể hơn, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Việc ban hành Thông tư mới về giải quyết các vụ án trọng điểm ngoài những vấn đề như đã phân tích ở trên, chúng tôi đề nghị bổ sung một số nội dung sau:
Một là, cần xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể hơn về vụ án trọng điểm, bảo đảm phù hợp với các quy định của BLHS năm 2015 và yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Hai là, cần quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, VKSND, TAND, của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng đối với vụ án trọng điểm; về mối quan hệ phối hợp giữa ba ngành, giữa Cơ quan điều tra với VKS, giữa VKS với Tòa án; bổ sung quy định về thời hạn … trong từng giai đoạn cụ thể, như trong giai đoạn xác định vụ án trọng điểm, trong quá trình giải quyết vụ án trọng điểm ở Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án....
Ba là, phải xác định trách nhiệm của mỗi ngành trong việc giải quyết các vụ án trọng điểm.
TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án trọng điểm - Ảnh: Thu Sương
Bài liên quan
-
Năm 2024 hệ thống Tòa án đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm
-
Tổng Bí thư yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, sớm đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm
-
Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm
-
Dấu hiệu tích cực từ phiên tòa xét xử vụ án trọng điểm đầu năm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận