Hiểu thế nào là “tình tiết khác” trong khoản 2 Điều 51 BLHS ?

Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) đã có những quy định mới về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với BLHS năm 1999. Tuy nhiên, việc áp dụng còn chưa thống nhất dẫn đến việc xử không công bằng và chưa đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người phạm tội.

1.Quy định của pháp luật

Khoản 2 Điều 51 BLHS quy định “Khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết đầu thú được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt, nhưng hiểu về “tình tiết khác” lại chưa thống nhất.

Theo tinh thần tại mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS 1999 thì “ tình tiết khác” được hiểu như sau:

- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;

- Bị cáo là Thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là Liệt sỹ;

- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Người bị hại cũng có lỗi;

- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Đồng thời theo hướng dẫn tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC quy định những trường hợp cụ thể được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS… thì hiện nay quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLHS năm 2015 chưa được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong thực tiễn nhiều trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết khác giảm nhẹ như ông nội, ông ngoại được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang có thành tích trong kháng chiến thì vấn đề đặt ra ông nội, ông ngoại có thành tích như trên không nằm trong hướng dẫn của luật thì liệu có được áp dụng tình tiết khác không ?

Do chưa có hướng dẫn nên việc áp dụng không thống nhất, dẫn đến không công bằng. Chẳng hạn như tình tiết bị cáo có ông bà là Liệt sĩ, có công với cách mạng, có lúc Thẩm phán áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS, có lúc lại không áp dụng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 02/2019/HS-ST của Tòa án quân sự Khu vực M: Trong vụ án bị cáo Phạm Phúc S phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS, bị cáo S có ông ngoại là Liệt sĩ nên Tòa án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo. Trái lại, Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2019/HS-ST cũng của Tòa án quân sự Khu vực M: Trong vụ án Vũ Xuân H và 6 đồng phạm phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS, bị cáo H cũng có ông ngoại là Liệt sĩ nhưng Tòa án không cho bị cáo được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS. Do đó, khi ban hành bản án chưa đảm bảo tính thuyết phục và tính công bằng đối với người phạm tội.

2. Một số đề xuất kiến nghị

Thứ nhất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành về các trường hợp cụ thể thế nào là “tình tiết khác” theo khoản 2 Điều 51 BLHS đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự nhằm đảm bảo việc hướng dẫn, áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

Thứ hai, sửa đổi khoản 2 Điều 51 BLHS theo hướng về tình tiết có thể coi đầu thú gộp chung vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 51 BLHS.

Thứ ba, cần bổ sung vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc ông, bà bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự.

 

Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, An Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hoàng Vũ

TRẦN VĂN MINH (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 7 )