Cần nâng cấp nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của các tập đoàn năng lượng
Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cần sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, nhằm tạo thuận lợi phát triển điện gió ngoài khơi, điện khí LNG.
Làm rõ thực trạng những khó khăn các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi (ĐGNK) theo quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII, TS. Thập cho biết, hiện tổng quy mô công suất 23 dự án được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW. Trong đó, nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án); nhà máy điện khí sử dụng LNG đạt khoảng 22.400 MW (13 dự án).
Về tình hình đầu tư xây dựng đến tháng 6/2024, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I có công suất 660 MW đang sử dụng nhiên liệu dầu đã được đưa vào vận hành và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85% sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải đang được xây dựng.
Ngoài ra, còn có 18 dự án đang trong quá đầu tư xây dựng, trong đó có 9 dự án sử dụng khí khai thác trong nước và 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW.
Hiện mới có 1 dự án ĐGNK được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cùng đối tác Singapore.
Từ thực trạng phát triển, TS. Nguyễn Quốc Thập phân tích các khó khăn, vướng mắc chung về cơ chế chính sách trong phát triển dự án điện khí LNG và ĐGNK, trong đó, nhấn mạnh việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đối với các dự án đầu tư. Cơ chế tài chính và thu xếp vốn gặp vướng mắc do vượt quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng 15% vốn điều lệ khi cho vay theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, do vốn cần thu xếp huy động cho các dự án điện lớn.
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu
Đáng chú ý, TS. Thập chỉ ra hầu hết các dự án điện không thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ. Hiện chưa đủ cơ sở pháp lý thay thế bảo lãnh Chính phủ để có thể vay vốn/thu xếp vốn cho các dự án, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Ngoài ra, chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển các dự án điện, dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo Luật Điện lực chậm được ban hành.
“Tiến độ dự án đấu nối và truyền tải điện chậm gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc ra quyết định và tối ưu hiệu quả đầu tư. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, công trình điện hình thành từ nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước sang ngành điện quản lý vận hành chưa được luật hóa và có hướng dẫn về nguyên tắc chung”, ông Thập cho biết thêm.
Thị trường tiêu thụ điện khí – LNG tăng trưởng chậm
Về khó khăn, thách thức trong phát triển dự án điện khí – LNG, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Trong khi đó, khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết thỏa thuận về pháp lý – kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án liên quan đến khí LNG vẫn chưa hoàn thiện.
Chưa có cơ chế bảo lãnh bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán toán quốc tế về nhập khẩu LNG
Cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia; Chưa có cơ chế bảo lãnh bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí – LNG.
Việt Nam hiện cũng chưa có quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí LNG và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí LNG.
Luật Giá hiện hành chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng.
Nhiều vướng mắc trong chấp thuận chủ trương đầu tư ĐGNK
Về việc đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, TS. Nguyễn Quốc Thập thông tin, theo Quy hoạch điện VIII, công suất ĐGNK đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 - 91.000 MW.
Tuy nhiên, việc chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất giữa các văn bản quản lý pháp luật hiện hành. Các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai đều chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án ĐGNK.
Chưa có hướng dẫn quá trình khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: NTG)
Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án ĐGNK chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản pháp lý, chưa có khung chính sách giá, cơ chế giá cho ĐGNK. Điều kiện đầu tư dự án điện gió đối với nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng.
Sáu nhóm giải pháp đột phá
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi phát triển đạt kỳ vọng, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, nhóm giải pháp về khung pháp lý và cơ chế chính sách, TS. Thập cho rằng cần thiết sửa đổi và bổ sung một cách đồng bộ các Bộ luật.
Gồm: Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường (kiểm đếm phát thải khí CO2; quy định, điều kiện quy đổi khí phát thải); Luật Thuế (cơ chế thuế phí đối với đầu tư, vận hành các dự án điện khí LNG, các dự án/công trình ĐGNK; thuế xuất khẩu điện; tiêu chuẩn phát thải và khung thuế phí mua bán khí phát thải CO2); Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo; Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...
Thứ hai, là nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII cần xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn;
Giải pháp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp, cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG, ĐGNK;
Đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là truyền tải cho các nhà máy điện khí LNG và ĐGNK.
Thứ ba, nhóm giải pháp về cơ chế quản lý và thực thi, TS. Nguyễn Quốc Thập đề cập đến sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như Petrovietnam, EVN, TKV.
Trong đó, chú trọng quy định về điều kiện thu xếp vốn đối với các dự án không được cấp bảo lãnh Chính phủ, cho phép các tập đoàn được thế chấp tài sản với các chủ thể trong hoạt động mua bán khí - LNG và mua bán điện trong các giao dịch PL-KT-TM trong chuỗi dự án điện LNG và các hộ tiêu thụ điện.
“Do đó, Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị nâng cấp nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của các Tập đoàn Petrovietnam, EVN, TKV tương đương với bộ Luật do Quốc hội ban hành nhằm bảo đảm đủ hành lang pháp lý”, TS. Thập nêu ý kiến.
Thứ tư, nhóm giải pháp tham vấn và học hỏi kinh nghiệm, TS. Thập cho rằng cần tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, học hỏi về mô hình quản trị đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có lĩnh vực năng điện khí LNG, ĐGNK nhằm: có điều kiện, cơ hội để xây dựng, hoàn thiện chính sách về năng lượng; học hỏi về mô hình quản trị đầu tư, xây dựng về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm về triển khai các dự án điện khí LNG và ĐGNK; học hỏi kinh nghiệm về vận hành hiệu quả và tối ưu các nhà máy điện khí LNG và ĐGNK.
Thứ năm, nhóm giải pháp giúp thay đổi nhận thức và tư duy về điện khí LNG và ĐGNK, Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất, điện khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các khu công nghiệp hay các nhà máy chế biến và nói rộng hơn là nền kinh tế.
Giá điện khí LNG đề xuất tính toán theo cơ chế thị trường, do chi phí nhập khẩu LNG chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất điện. Các cam kết dài hạn về mua bán khí LNG về hợp đồng mua bán điện với khách hàng tiêu thụ và mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp.
Thứ sáu, nhóm giải pháp mang tính đột phá, TS. Nguyễn Quốc Thập kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội gồm các điều kiện cần thiết và cho phép triển khai song song với quá trình hoàn thiện các Bộ Luật theo tinh thần của Nghị quyết chuyên đề đó.
“Đây là điều cần và đủ để quá trình hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược, Quy hoạch quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện khí LNG và ĐGNK”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và ĐGNK (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, việc phát triển điện khí và ĐGNK sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án điện khí, ĐGNK trong Quy hoạch điện VIII đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu xem xét, rà soát toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư các dự án trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư. |
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận