Cần xét thêm yếu tố khác để xác định lỗi của K, V trong việc gây ra hậu quả chết người

Sau khi nghiên cứu bài viết “Các bị cáo phạm tội giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” của tác giả Th.s Nguyễn Anh Chung đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 24 / 4 /2020, chúng tôi cho rằng cần xét thêm yếu tố khác để xác định lỗi của K, V trong việc gây ra hậu quả chết người.

Trước hết, dựa trên các tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm trong vụ án này, theo chúng tôi là chưa đủ căn cứ để xác định ý thức chủ quan của K, V là muốn tước đoạt tính mạng của A hay chỉ là gây thương tích cho A.

Về mục đích phạm tội, rõ ràng ban đầu K, V chỉ muốn đánh A để dằn mặt do mẫu thuẫn liên quan đến việc xưng hô không lịch sử chứ không hề muốn tước đoạt tính mạng của A. Tuy nhiên, việc dùng tay, chân tấn công liên tiếp vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể A như vùng đầu, ngực (…K vung tay đấm vào mặt bên trái của A,… K lại tiếp tục nhảy vào đấm vào mặt trái của A một cái nữa), đặc biệt khi A đã bị ngã xuống đường không còn khả năng phòng vệ là rất nguy hiểm (…K lại tiếp tục dùng chân phải đạp vào đầu A,… K lại tiếp tục dùng chân phải đạp vào phần trước mặt A một lần nữa. Còn V thì chạy vào dùng chân đá liên tiếp 2 cái vào ngực của A). Rõ ràng khi thực hiện các hành vi như vậy, K, V buộc phải thấy trước có thể gây ra hậu quả chết người đối với A.

Xác định ý thức chủ quan của K, V đối với hành vi phạm tội và hậu quả chết người là căn cứ quan trọng để định tội danh đối với K, V. Bên cạnh các yếu tố như hành vi phạm tội, vị trí tấn công, cường độ tấn công, mục đích phạm tội…Thì để xác định nhận thức của K, V là thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được, hoặc  không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó, hay có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra thì cần xem xét thêm các yếu tố sau:

+ Về thể trạng của người phạm tội và nạn nhân (chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe…): Là yếu tố quyết định đến sức mạnh tấn công và khả năng chịu đựng của cơ thể. Nếu như K, V có thể trạng cao lớn, khỏe mạnh, còn A lại nhỏ bé, yếu ớt thì hành vi đấm, đá của K, V sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp ngược lại. Bên cạnh đó, việc cả K, V, A đều đã sử dụng rượu, bia cũng là yếu tố tác động đến nhận thức của K, V về tính nguy hiểm hành vi của mình và sức chịu đựng của A.

+ Về nhân thân của người phạm tội: Cũng là yếu tố cần thiết để xác định ý chí phạm tội của K, V. Một người có nhân thân tốt, không có thói du côn, côn đồ thì khó có suy nghĩ, hành động giết người chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt.

+ Về thái độ người phạm tội đối với hậu quả: Khi A bị bất tỉnh, mặt mũi ra nhiều máu là lúc mà K, V nhận thức rõ nhất rằng hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho A. Thái độ, hành vi của K, V lúc này như lo lắng, giục người chở A đi bệnh viện hay là bỏ mặc muốn ra sao cũng được cũng là yếu tố quan trọng để xác định ý thức chủ quan của tội phạm.

Trên đây là một số quan điểm của cá nhân liên quan đến việc xác định ý chí thực hiện hành vi phạm tội của K, V, để từ đó định tội danh chính xác đối với các bị cáo. Xin được trao đổi với tác giả và độc giả./.

Thực nghiệm điều tra một vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người- Ảnh: Ngô Tiến Thụy/VKSND tỉnh Bắc Giang

 

NGUYỄN ANH TÚ (Tòa án quân sự Quân khu 1)