Chỉ cho người khác trộm cắp tài sản có phạm tội không ?
Trường hợp đã bị kết án về tội chiếm đoạt, mà lại bốn lần thực hiện hành vi chiếm đoạt, có một lần không được hưởng lợi gì thì có thuộc tình tiết có tính chất chuyên nghiệp không?
Thạch Quốc Cường và Nguyễn Thành Tài vì muốn có tiền tiêu xài cá nhân, trong khoảng thời gian từ tháng 4/ 2020 đến tháng 6 / 2020 đã lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, cụ thể như sau:
Ngày 11/4/2020, Cường rủ Tài, đến nhà bà Đào Thị Ngọc Giàu lấy trộm tài sản trị giá 3.693.300 đồng.
Tháng 5/ 2020, Cường lén lút lấy tài sản của ông Nguyễn Văn Bình, tổng giá trị là 18.171.000 đồng.
Ngày 23/ 6 /2020, Cường lấy của ông Trần Văn Tân tài sản trị giá 18.420.000 đồng.
Vào ngày 25 /6 /2020, Cường không đi chiếm đoạt tài sản, mà Cường chỉ cho Tài nhà của ông Trần Văn Tân, tại số 74, đường Lê Duẩn, khóm 4, phường 3, tp Sóc Trăng, để Tài lén lút lấy 02 cái ghế tựa lựng có khung bằng sắt; 01 cái ghế bọc da màu cam không có tựa lưng; 01 cái ghế ngồi tựa lưng được bọc da màu nâu đen; 01 chân bàn bằng kim loại, màu trắng; 01 mặt bàn bằng kính; 01 bóng đèn Led hình tròn hiệu Rạng Đông; 01 đoạn giây điện có chiều dài 30m; 12 chân bàn bằng kim loại. Tổng giá trị tài sản mà Tài chiếm đoạt là 2.233.000 đồng; Tài bán tài sản chiếm đoạt và tiêu xài cá nhân hết, không có chia cho Cường.
Đối với Nguyễn Thành Tài xác định phạm tội trộm cắp tài sản, thực hiện 2 lần, mỗi lần đều trên 2 triệu đồng.
Đối với Cường đã bị kết án về tội ‘‘Trộm cắp tài sản’’, đã xác định là tái phạm, chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội do cố ý; nên bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản, thuộc tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”.
Tuy nhiên đối với Thạch Quốc Cường trực tiếp chiếm đoạt tài sản 3 lần, phải chịu trách nhiệm giá trị tài sản là 40.284.300 đồng; 01 lần chỉ cho Tài chiếm đoạt tài sản, giá trị là 2.233.000 đồng, đã đặt ra vướng mắc là Cường có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này hay không? Và nếu Cường phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với Tài thì Cường có phải chịu tình tiết định khung là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không ?
Theo hướng dẫn Nghị quyết số: 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định tại tiểu mục 5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Quan điểm thứ nhất: Cường chỉ cho Tài căn nhà để Tài đi chiếm đoạt tài sản, là không có lợi ích gì từ việc chỉ nơi chiếm đoạt tài sản cho Tài, Tài quyết định đi chiếm đoạt tài sản do Tài tự quyết định, nên Tài phải chịu trách nhiệm hình sự riêng đối với lần này. Do đó, Cường chỉ ba lần chiếm đoạt tài sản, chưa đủ điều kiện xác định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp theo hướng dẫn tại Nghị quyết nêu trên.
Quan điểm thứ hai: Nếu Cường không chỉ cho Tài nơi để chiếm đoạt tài sản thì Tài không biết được; chính Cường là người khởi xướng cho Tài để chiếm đoạt tài sản, giá trị trên 02 triệu đồng nên Cường phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Cường từng bị kết án về tội ‘‘Trộm cắp tài sản’’, sau khi chấp hành xong hình phạt, không có nghề nghiệp, trong một thời gian, bị cáo lại tiếp tục thực hiện 04 lần chiếm đoạt tài sản, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội, nên Cường phạm tội “Trộm cắp tài sản” thuộc tình tiết định khung“có tính chất chuyên nghiệp” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 của BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba: Đồng tình với quan điểm thứ hai là Cường phải chịu trách nhiệm hình sự đối với lần chỉ cho Tài chiếm đoạt tài sản, với vai trò đồng phạm giản đơn. Tuy nhiên, đối với lần chiếm đoạt tài sản này, Cường không được hưởng lợi gì từ việc Tài chiếm đoạt tài sản, Tài tự bán tài sản và tiêu xài cá nhân riêng. Cường chỉ bán lấy tiền tiêu xài cá nhân đối với ba lần trước đó, chưa thỏa mãn điều kiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 5.2 Nghị quyết số: 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tình tiết ‘‘có tính chất chuyên nghiêp’’. Quan điểm này cũng là quan điểm tác giả.
Trên thực tiễn áp dụng pháp luật đã có nhận thức khác nhau, tác giả nêu lên để trao đổi và rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và bạn đọc để giải quyết vướng mắc đang tồn tại.
TAND tỉnh Ninh Bình xét xử vụ án giết người, trộm cắp tài sản – Ảnh: Trần Trung (nbtv.vn)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận