Chủ thể rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự - bất cập và kiến nghị
Rút yêu cầu khởi kiện là quyền của nguyên đơn được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và là một trong những nội dung của quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày một số quy định của pháp luật về chủ thể được quyền rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự, đồng thời nêu lên một bất cập quy định pháp luật hiện nay và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về chủ thể rút yêu cầu khởi kiện.
1. Một số quy định pháp luật về chủ thể rút yêu cầu khởi kiện
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì chủ thể rút yêu cầu khởi kiện cũng là chủ thể có quyền khởi kiện. Chủ thể rút yêu cầu khởi kiện được chia thành các nhóm như sau:
1.1 Nhóm chủ thể trực tiếp khởi kiện hoặc khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Theo quy định của BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là nguyên đơn) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình[1].
Quy định này cho thấy cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xâm hại thì có thể tự mình trực tiếp khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp này, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khởi kiện có rút yêu cầu khởi kiện. Đối với chủ thể là cá nhân, theo quy định của BLTTDS 2015 thì cá nhân khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình có rút yêu cầu khởi kiện là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Như vậy, ngoài điều kiện về độ tuổi là từ đủ 18 tuổi trở lên thì cá nhân có rút yêu cầu phải là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự được BLTTDS quy định như sau: Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự[2]. Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác[3]. Trường hợp cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên mà bị Toà án tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ không có rút yêu cầu khởi kiện mà rút yêu cầu khởi kiện được thông qua người đại diện hợp pháp. Đối với chủ thể là cơ quan, tổ chức, theo quy định của BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình có rút yêu cầu khởi kiện. Điều này có nghĩa là các chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch, yêu cầu vị trực thuộc cơ quan, tổ chức không có rút yêu cầu khởi kiện vì không có tư cách pháp nhân.
Cũng theo quy định của BLTTDS thì trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không trực tiếp khởi kiện mà khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp thì người đại diện hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức được rút yêu cầu khởi kiện. Theo đó, người đại diện hợp pháp bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền. Theo quy định tại BLTTDS 2015 thì người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật[4] và người đại diện theo uỷ quyền cũng được quy định người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự[5]. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”[6]
1.2 Nhóm chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
Ngoài chủ thể trực tiếp khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình có rút yêu cầu khởi kiện thì Bộ luật tồ tụng dân sự có rút yêu cầu khởi kiện là chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Chủ thể này bao gồm cá nhân, tổ chức sau:
Thứ nhất, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là người dưới 06 tuổi; người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi ; gười từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì có rút yêu cầu khởi kiện. Ngoài ra, cá nhân khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp Cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ[7] cũng có quyền rút yêu cầu khởi kiện.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Đó là trường hợp:
- Cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ (gọi chung là các tổ chức đoàn thể) khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình thì nguyên đơn là: người được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định; người con được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Khi đó, người con chưa thành niên là nguyên đơn.
Thứ ba, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
1.3 Nhóm chủ thể không trực tiếp khởi kiện nhưng có quyền rút yêu cầu khởi kiện
Trong thực tiễn có một số trường hợp chủ thể có quyền rút yêu cầu khởi kiện là chủ thế kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng được Toà án xác định và đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án trong một số trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 74 của BLTTDS năm 2015:
“1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
2. Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:
a) Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;
b) Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;
c) Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.
3. Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
4. Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
5. Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng”.
Bên cạnh đó, có một trường hợp cá biệt chủ thể có quyền rút yêu cầu khởi kiện như các chủ thể sau:
Một là, chủ thể khởi kiện là người đại diện theo uỷ quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà văn bản uỷ quyền có nội dung nêu rõ nguyên đơn không được rút lại yêu cầu khởi kiện hoặc có nội dung việc rút yêu cầu khởi kiện phải được sự đồng ý của người uỷ quyền. Trường hợp này chủ thể rút yêu cầu khởi kiện là người uỷ quyền hoặc chủ thể rút yêu cầu khởi kiện là chủ thể khởi kiện nhưng phải được sự đồng ý rút yêu cầu khởi kiện của người uỷ quyền.
Hai là, chủ thể khởi kiện là người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên mà thời điểm rút yêu cầu khởi kiện người này đã thành niên. Trường hợp này chủ thể rút yêu cầu khởi kiện có thể là người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên trước khi khởi kiện hoặc người chưa thành niên đã thành niên tại thời điểm rút yêu cầu khởi kiện.
Ba là, chủ thể khởi kiện là cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Trường hợp này, chủ thể rút yêu cầu khởi kiện là chủ thể khởi kiện hoặc một bên vợ, chồng mà thời điểm rút yêu cầu khởi kiện một bên vợ, chồng đã được chữa trị khỏi bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà trước khi khởi kiện họ bị bệnh hoặc mắc phải.
2. Một số vướng mắc, bất cập về chủ thể thực hiện rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự
Từ thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại Toà án hiện nay, liên quan đến chủ thể thực hiện rút yêu cầu khởi kiện có những trường hợp vướng mắc như sau:
2.1 Trường hợp nguyên đơn là người đại diện hợp pháp của cá nhân là người dưới 15 tuổi hoặc từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng không tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình khởi kiện nhưng trong quá trình Toà án giải quyết vụ án thì cá nhân đã thành niên.
Ví dụ: Vào ngày 10/8/2023, Nguyễn Văn A, sinh ngày 31/12/2005 trong lúc đi chơi cùng nhóm bạn có xảy ra mâu thuẫn với Trần Văn B, sinh năm 2001. Trong lúc xô xác, B đã đánh A gây thương tích nhẹ phải đi bệnh viện khám. Tổng chi phí là hơn 2.000.000 đồng. Phía gia đình của A yêu cầu B bồi thường chi phí khám chữa bệnh nhưng B không đồng ý. Để bảo vệ quyền lợi cho A, vào ngày 12/10/2023 cha của A là ông Nguyễn Văn C đã khởi kiện ra Toà án nhân dân huyện X buộc B phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh cho A. Trong trường hợp này do A chưa thành niên dưới 18 tuổi nên nguyên đơn là cha của A (ông C).
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đặt ra là trường hợp sau khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án thì vào ngày 27/3/2024 lúc này Nguyễn Văn A đã trên 18 tuổi thấy rằng sức khoẻ của mình đã ổn định bình thường trở lại và không muốn tiếp tục khởi kiện nữa nên A đã làm yêu cầu yêu cầu gửi cho Toà án có nội dung rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với B nhưng ông C không đồng ý. Vậy trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào. Nói cách khác là A có rút lại yêu cầu khởi kiện (yêu cầu khởi kiện) của C là cha của A không và Toà án có chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện của A không và căn cứ vào quy định nào để Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu chấp nhận yêu cầu của A. Nếu Toà án căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là không đúng. Bởi vì trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 là trường hợp “nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện”, trong khi đó nguyên đơn trong vụ án này là cha của A (ông C) chứ không phải nguyên đơn là A. Tuy nhiên, nếu Toà án không đình chỉ giải quyết vụ án thì cũng không thật hợp tình. Bởi vì suy cho cùng việc khởi kiện của ông C là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của A. Trong trường hợp này A đã thành niên có đầy đủ nhận thức và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình nên việc A không muốn tiếp tục khởi kiện nữa thì cũng cần phải xem xét cho thoả đáng.
2.2 Trường hợp nguyên đơn là cá nhân đã thành niên nhưng trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, nguyên đơn bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án có thẩm quyền.
Ví dụ: Bà Lê Thị C, sinh năm 1987 đã khởi kiện ra Toà án nhân dân thị xã D yêu cầu Toà án giải quyết buộc bà Nguyễn Thị B trả số tiền vay còn nợ là 50.000.000 đồng. Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, vào ngày 20/3/2024 bà C bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não sống thực vật. Sau đó, bà B tự nguyện trả tiền cho bà C.
Trong trường hợp này chồng của bà C muốn rút lại yêu cầu khởi kiện thì có được không. Toà án áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết trường hợp này như thế nào. Có quan điểm cho rằng trường hợp này Toà án hướng dẫn chồng của bà C tuyên bố bà C bị mất năng lực hành vi dân sự và cử chồng của bà C là người giám hộ cho bà C. Sau đó, chồng của bà C sẽ làm yêu cầu rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà C. Toà án căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cũng tương tự như trường hợp thứ nhất, nếu Toà án căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là chưa đúng quy định. Bởi vì pháp luật không có quy định Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu người đại diện hợp pháp của nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện mà chỉ có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 là trường hợp “nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
2.3 Trường hợp nguyên đơn cá nhân đã thành niên nhưng trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, nguyên đơn bị bệnh làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức nhưng không có quyết định của Toà án có thẩm quyền tuyên bố nguyên đơn bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Ví dụ: Ông Lê Văn A sinh năm 1967 đã khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Y yêu cầu Toà án giải quyết buộc ông Nguyễn Văn B bồi thường thiệt hại tài sản. Do trong quá trình xây nhà làm sụt lún nhà cùa ông A. Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, ông A bị bệnh làm cho khả năng nhận thức rất hạn chế đến mức có thời điểm không nhận thực được hành vi của mình. Để đảm bảo quyền lợi của đương sự, Toà án thông báo cho người thân của ông A và bị đơn ông B có quyền làm yêu cầu yêu cầu ông C bị hạn chế năng lực hành vi dân sự để Toà án cử người giám hộ và giải quyết vụ án theo quy định. Nhưng gia đình ông A và bị đơn ông B không đồng ý yêu cầu tuyên bố ông A hạn chế năng lực hành vi dân sự vì không có tiền đưa ông A đi giám định. Tuy nhiên, gia đình ông A có ý kiến muốn rút lại yêu cầu khởi kiện của ông A. Trường hợp này Toà án áp dụng quy định pháp luật giải quyết như thế nào.
Đối với trường hợp trên, có quan điểm cho rằng Toà án làm việc trực tiếp với ông A có sự tham gia chứng kiến của người thân ông A về việc ông A có đồng ý rút lại yêu cầu khởi kiện hay không. Nếu ông A có ý kiến đồng ý rút lại yêu cầu khởi kiện thì Toà án ghi nhận bằng văn bản và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quan điểm này dựa trên tinh thần giải đáp của Toà án nhân dân tối cao tại mục 6 của IV của Giải đáp thắc mắc số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017. Nội dung giải đáp như sau: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, khi có chủ thể cho rằng một người là đương sự trong vụ án mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải giải thích, hướng dẫn để họ thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định nêu trên; trường hợp họ có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trường hợp họ không yêu cầu thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung”. Như vậy, trong trường hợp này do không ai yêu cầu nên xem như ông A không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự nên vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Theo đó, ý kiến của ông A được Toà án ghi nhận và chấp nhận là ý kiến của đương sự mà không thông qua ý kiến người giám hộ. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng trong trường hợp trên mặc dù ông A không có quyết định của Toà án về tuyên bố ông A bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng rõ ràng là ông A đã bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Cho nên ý kiến của ông A thời điểm này không phản ánh được đầy đủ ý chí của ông A. Nghĩa là việc rút yêu cầu của ông A nếu có là không thật sự tự nguyện nên nếu Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể không đảm bảo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu Toà án không đình chỉ giải quyết vụ án và không tuyên bố ông A hạn chế năng lực hành vi dân sự thì vụ án sẽ không thể tiếp tục giải quyết được. Cũng có quan điểm cho rằng trong trường hợp này, Toà án có thể tự mình ra quyết định tuyên bố ông A bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và cử người giám hộ để tiếp tục tham gia tố tụng trong vụ án.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về chủ thể thực hiện rút yêu cầu khởi kiện
Để đảm bảo rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời tháo gỡ vướng mắc bất cập về chủ thể thực hiện rút yêu cầu khởi kiện, tác giả kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015, quy định rõ về chủ thể sau có rút yêu cầu khởi kiện, theo hướng như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp cá nhân là người chưa thành niên mà khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp mà trong quá trình Toà án giải quyết vụ án thì người được đại diện đã thành niên thì người này được rút yêu cầu khởi kiện.
Thứ hai, trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, nguyên đơn là cá nhân đã thành niên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án có thẩm quyền thì người giám hộ của họ có rút yêu cầu khởi kiện.
Thứ ba, trường hợp nguyên đơn cá nhân đã thành niên nhưng trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, nguyên đơn bị mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi nhưng không có quyết định của Toà án có thẩm quyền tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này Toà án cử người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng; người đại diện hợp pháp của đương sự có rút lại yêu cầu khởi kiện.
Tóm lại, rút yêu cầu khởi kiện là một trong những nội dung của nguyên tắc cơ bản của BLTTDS 2015 và được pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Nhìn từ thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm hiện nay cho thấy vấn đề chủ thể thực hiện quyền rút yêu cầu khởi kiện vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là sự không phù hợp quy định hiện hành với thực tiễn, dẫn đến những bất cập trong áp dụng pháp luật của Toà án, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
[1] Điều 186 BLTTDS 2015.
[2] Khoản 2 Điều 69 BLTTDS 2015.
[3] Khoản 3 Điều 69 BLTTDS 2015.
[4] Khoản 1 Điều 85 BLTTDS 2015.
[5] Khoản 2 Điều 85 BLTTDS 2015.
[6] Khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015.
[7] Khoản 2 Điều 52 LNHGĐ 2014.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận