Chủ tịch nước đề nghị Kiểm sát phải bảo đảm công lý được thực thi
Ngày 31/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: TTXVN
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những cố gắng nỗ lực, kết quả, thành tích mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong thời gian qua. Đề cập một số điểm còn hạn chế, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực tư pháp vả cải cách tư pháp. Tập trung đổi mới các mặt công tác; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Thực hiện nghiêm túc, sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", coi đây là những phẩm chất nghề nghiệp, phương pháp làm việc của từng cán bộ, kiểm sát viên. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng các chuyên đề cụ thể có nội dung liên hệ trực tiếp đến yêu cầu rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp có tính đặc thù của ngành Kiểm sát.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, không để bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, kinh tế.
Khắc phục tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng, quá thời hạn giải, quyết; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự lạm quyền, bảo đảm tinh thần “Thượng tôn pháp luật”.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần xem xét, đánh giá, cân nhắc thận trọng, áp dụng pháp luật linh hoạt và luôn đặt lợi ích của Nhà nước, nhân dân lên trên hết; không hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại; góp phần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội. Chú trọng thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng một cách bài bản, thận trọng, nghiêm minh, đúng pháp luật, thu hồi tốt nhất tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt cho Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và các kiến thức về kinh tế, khoa học-công nghệ cần thiết khác. Quan tâm công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; kịp thời tham mưu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Chuẩn bị bảo đảm có chất lượng, đúng thời hạn các chuyên đề Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã giao cho VKSNDTC chủ trì.
Thứ năm, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực của ngành Kiểm sát. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tổ nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; làm tốt vai trò cơ quan đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp hình sự.
Thứ sáu, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo VKSNDTC chủ động nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát các cấp để tạo động lực mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, tổ chức bộ máy Viện Kiểm sát các cấp tiếp tục được kiện toàn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; ngành kiểm sát chủ động tham gia và thực hiện những nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng hợp tác quốc tế. Toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 137.266 nguồn tin về tội phạm, tăng 3,1%; ban hành 101.131 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 97.205 vụ/174.935 bị cáo; đã ban hành 756 kháng nghị phúc thẩm.
Số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 99,9%, vượt 9,9% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99%, vượt 4,99% so chỉ tiêu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội. Chủ động hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam. Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai giảm dần. Phối hợp Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo
Bài liên quan
-
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, ngành Kiểm sát phải chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự
-
Đình chỉ điều tra vụ án sản xuất hàng giả tại Thái Bình liệu có bỏ lọt tội phạm
-
Hưng Yên: Có hay không việc bỏ lọt tội phạm?
-
Từ các vụ thao túng giá chứng khoán: Vì sao ít xử lý hình sự, liệu có bỏ lọt tội phạm?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận