Xét xử vụ án cướp điện thoại iPhone 6 Plus không lưu hành trên thị trường
Sáng ngày 14/11/2024, Tòa án nhân dân Quận 3, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án cướp giật tài sản là chiếc điện thoại iPhone 6 Plus với bị cáo Nguyễn Thiên Kha ra xét xử. Kha bị tạm giữ 28/9/2017, sau đó tạm giam tại Trại giam Chí Hòa trong 2 năm 3 tháng. Kha được TAND Quận 3 thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 17/1/2020.
Bị tạm giữ trước khi bị hại trình báo
Ngày 22/9/2017, vợ ông Nguyễn Thiên Kha nhận được giấy mời đến trụ sở Công an Phường 14 (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) để trao đổi một số nội dung liên quan đến bản thân bà này. Kha chở vợ đến theo lịch hẹn trong giấy mời (16h ngày 28/9/2017) thì bất ngờ Kha bị tạm giữ (sau đó tạm giam) để điều tra.
Kha bị tình nghi là thủ phạm cướp giật tài sản của bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc vào ngày 16/9/2017 tại hẻm 80 Trần Quang Diệu, Phường 14, Quận 3, TP Hồ Chí Minh (Q.3 TP HCM).
Hình ảnh hiện trường vụ án
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an Q.3, khoảng 13 giờ ngày 16/9/2017, khi bà Ngọc vừa đi vào hẻm 80 Trần Quang Diệu thì nhìn thấy Nguyễn Thiên Kha đang ngồi trên xe gắn máy hiệu Honda, loại SH, màu sơn xám – xanh, biển số 59S1-796.14, đầu hướng về bà Ngọc. Lúc đó bà Ngọc có cầm một điện thoại di động hiệu iPhone 6 Plus trên tay trái. Khi bà Ngọc đi bộ đến trước nhà số 80/23 thì Nguyễn Thiên Kha chạy xe áp sát bên tay trái bà Ngọc và dùng tay trái cướp chiếc điện thoại nói trên rồi tẩu thoát theo hướng hẻm 118.
Tuy nhiên, thời điểm bị giật điện thoại nói trên bà Ngọc không đến cơ quan công an trình báo (lý do là bận việc gia đình) mà tiếp tục vào cửa hàng mua mỹ phẩm rồi về nhà ở Lâm Đồng. Đến ngày 28/9/2017, bà Ngọc quay lại TP.HCM và đến Công an Phường 14, Q.3 trình báo bị giật điện thoại (đơn trình báo ghi lúc 16h10 phút ngày 28/9). Công an Phường 14, Q.3 tiếp nhận tố giác của bà Ngọc rồi chuyển hồ sơ lên Cơ quan CSĐT Công an Q.3 xử lý.
Diễn biến là như thế, tuy nhiên vợ bị can Nguyễn Thiên Kha nhận được giấy mời từ ngày 22/9/2017, và điều lạ là trong giấy mời của Trưởng Công an phường 14 Q.3 ghi ngày 21/9/2017, đây là thời điểm trước khi bà Ngọc trình báo bị giật điện thoại 1 tuần.
Tại biên bản ghi lời khai của bạn bà Ngọc là ông Đoàn Vũ Kha và chủ nhà có camera an ninh ghi lại diễn biến vụ việc (ông Vũ) đều thể hiện vào ngày 28/9/2017. Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu của ông Đoàn Vũ Kha và ông Vũ cũng thể hiện rõ ngày 28/9/2017.
Cả bị hại, người cung cấp clip và chủ nhà có clip đều trình báo và ghi lời khai đều vào ngày 28/9/2017 nhưng ngày 21/9/2017 Công an đã gửi giấy mời vợ ông Kha lên làm việc. Giải thích việc này, trong kết luận điều tra bổ sung Cơ quan CSĐT giải thích rằng “tuy bà Ngọc trình báo vào ngày 28/9 nhưng trước đó (ngày 21/9) Công an phường 14 đã biết có vụ án xảy ra trước ngày bị hại đến trình báo”.
Việc biết trước này là do bạn của bà Ngọc là ông Đoàn Vũ Kha quay lại clip từ điện thoại có kết nối camera an ninh và cho Công an phường xem. Mặc dù cung cấp thông tin nhưng không có hồ sơ thể hiện việc ông Đoàn Vũ Kha cung cấp. Lý do được đưa ra là vì ông Đoàn Vũ Kha sợ liên luỵ nên từ chối ký vào biên bản tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm của Công an phường.
Vụ án nhiều lần điều tra bổ sung
Ngày 25/4/2018, Cơ quan CSĐT Công an Q.3 đã kết luận điều tra vụ án hình sự chuyển VKSND Quận 3 đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thiên Kha về tội cướp giật tài sản. Ngày 26/12/2018, VKSND Q.3 ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để điều tra bổ sung lần 1.
Ngày 24/1/2019, Cơ quan CSĐT tiếp tục ra kết luận điều tra (bổ sung lần 1) chuyển VKSND Q.3 để đề nghị truy tố Nguyễn Thiên Kha. Ngày 4/4/2019, VKSND lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần 2.
Ngày 4/5/2019, Cơ quan CSĐT ra bản kết luận điều tra (bổ sung lần 2) và chuyển cho VKSND Q.3 nhưng VKSND Q.3 lại tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung (lần 3) vào ngày 13/7/2019.
Sau khi điều tra bổ sung lần 3, ngày 12/8/2019, Cơ quan CSĐT Công an Q.3 tiếp tục ra kết luận điều tra bổ sung lần 3 và lần này VKSND lại tiếp tục trả hồ sơ để đề nghị điều tra bổ sung (lần 4).
Đến ngày 11/12/2019, Cơ quan CSĐT Công an Q.3 ra quyết định điều tra bổ sung (lần 4) và chuyển hồ sơ sang VKSND để đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thiên Kha tội cướp giật tài sản.
Theo bị can Nguyễn Thiên Kha, tất cả những lần điều tra bổ sung nói trên tương ứng với những lần Toà án nhân dân Q.3 mở phiên tòa xét xử nhưng sau đó quyết định trả hồ sơ cho VKSND Q.3 để điều tra bổ sung. Sau phiên tòa thứ 5, thì Nguyễn Thiên Kha được Tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chuyện lạ ở cái điện thoại iPhone 6 Plus “32Gb màu trắng” và khả năng phán đoán của bị hại
Tại biên bản ghi lời khai vào ngày 28/9/2017, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc trả lời cán bộ Công an Phường 14 rằng bà “bị giật điện thoại iPhone 6 Plus 32Gb màu trắng”.
Trả lời câu hỏi về đặc điểm nhận dạng, bà Ngọc cho biết “người đàn ông cao khoảng 1m75, khoảng 37 tuổi, mặc áo sơ mi trắng, quần tây xanh rêu, giày đen, đội nón bảo hiểm màu xanh rêu đi xe gắn máy SH biển số 59S1-796.14”.
Trả lời câu hỏi tại cơ quan điều tra về tài sản bị giật gồm những gì, trị giá tài sản và hóa đơn chứng từ, bà Ngọc cho biết: “Tài sản tôi bị mất là điện thoại iPhone 6 Plus 32Gb, màu trắng mua hồi tháng 12/2015 với giá tiền là 18.600.000 đồng. Vì mua hàng xách tay nên không có hóa đơn chứng từ gì”.
Tại biên bản ghi lời khai ngày 29/9/2017, thì bà Ngọc vẫn khai những nội dung như đã nói ở trên.
Tiếp tục, biên bản ghi lời khai một ngày sau đó (30/9) bà Ngọc vẫn khẳng định là điện thoại iPhone 6 Plus “32Gb màu trắng”.
Một phần trong biên bản ghi lời khai của bà Ngọc ngày 28/9
Như vậy cả 3 lần liên tiếp trong 3 ngày, bà Ngọc đã được ghi lời khai tại công an và tất cả các lời khai trong ba ngày đều thống nhất về nội dung. Sau lời khai ngày 30/9 của bà Ngọc, bị can Nguyễn Thiên Kha đã nhận lệnh tạm giam tại trại giam Chí Hòa.
Tuy nhiên, tài sản mà bị hại khai ở thời điểm này là tài sản không có thật. Bởi trên thị trường không hề có điện thoại iPhone 6 Plus 32Gb. Điều này đã được chứng minh bởi kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự hơn 6 tháng sau đó, tính từ ngày Nguyễn Thiên Kha bị tạm giam.
Theo đó, kết luận định giá số 59/KL-HĐĐGTS-TTHS ngày 6/4/2018 của UBND Q.3 thể hiện: “Ngày 18/1/2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Q.3 đề nghị Công an Q.3 xác minh lại thông tin của tài sản vì trên thị trường không có dòng sản phẩm iPhone 6 Plus 32Gb, mà chỉ có 16Gb và 64Gb”.
Biên bản định giá thể hiện rõ không có điện thoại iPhone 6 Plus 32Gb
Tuy nhiên, sau đó Công an Q.3 đã có công văn (ngày 6/3/2018) điều chỉnh thông tin tài sản từ 32Gb thành 16Gb và Hội đồng định giá đã xác định chiếc điện thoại có giá trị tại thời điểm tháng 9/2017 là 5,1 triệu đồng (mặc dù không có vật chứng để định giá).
Sau khi phát hiện điện thoại iPhone 6 Plus 32Gb là không có thật, thì không hiểu vì lý do gì bà Ngọc lại thay đổi lời khai? Điều này được thể hiện tại Biên bản ghi lời khai ngày 26/1/2018 giữa bà Ngọc với Điều tra viên. Tại biên bản này bà Ngọc cho biết: “Bị giật một điện thoại iPhone 6 Plus 16Gb, trước đây nhớ sai nên khai 32Gb”.
Đúng là rất lạ, điện thoại cá nhân đang sử dụng nhưng từ 32Gb ngay lập tức biến thành 16Gb khi phát hiện là loại 32Gb không tồn tại, không có thật!?
Một điểm lạ khác, chính là điện thoại iPhone 6 Plus “màu trắng” mà Hội đồng định giá đã định giá 5,1 triệu đồng, trên thị trường có tồn tại, có lưu hành loại điện thoại này với “màu trắng” hay không? Bởi theo hình ảnh dưới đây thì không thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus nào có màu trắng, chỉ có 3 màu là Xám, Bạc, và Vàng. Có lẽ nào điện thoại của bà Ngọc vì mua hàng xách tay ở nước ngoài nên có màu trắng.
Khi ra mắt dòng iPhone 6 Plus tại thị trường Việt Nam thời điểm này không thấy màu trắng được rao bán
Có nên chăng khảo sát một lần nữa để làm rõ rằng có hay không điện thoại iPhone 6 Plus màu trắng? Điều này sẽ góp phần làm rõ vụ án, hành vi để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không hàm oan cho người vô tội.
Trở lại với những lời khai ban đầu của bà Ngọc, có thể dễ dàng nhận ra những điểm đặc biệt trong những lời khai nhận dạng. Bởi tâm lý người bị hại khi bị cướp tài sản, điều đầu tiên và cũng thường xảy ra là nhìn biển số xe. Nhưng không, ở đây bà Ngọc chẳng những nhìn được biển số xe của đối tượng cướp giật mà còn đoán được gần như chính xác độ tuổi của người cướp giật “37 tuổi”.
Điểm đặc biệt là suốt quá trình cướp tài sản (nếu có) thì đối tượng đều ngồi trên xe nhưng bà Ngọc lại có thể dự đoán một cách chính xác đến từng cm chiều cao của đối tượng là “1m75”. Chiều cao này hoàn toàn trùng khớp với chiều cao của bị can Nguyễn Thiên Kha, phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Sáng ngày 14/11/2024, Tòa án nhân dân Quận 3, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án cướp giật tài sản là chiếc điện thoại iPhone 6 Plus với bị cáo Nguyễn Thiên Kha ra xét xử. Tuy nhiên, tại phiên toà Hội đồng xét xử tuyên bố tạm hoãn do luật sư của bị cáo cần có thời gian để tiếp cận hồ sơ vụ án, dự kiến phiên toà sẽ tiếp tục xét xử vào ngày 28/11/2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin.
Bài liên quan
-
Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung để yêu cầu Viện kiểm sát giám định hàm lượng chất ma túy là cần thiết
-
TP.HCM: Trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 3 đối với vụ án “chứa mại dâm” tại quận 7
-
Trả hồ sơ điều tra bổ sung khi Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Toà án trả hồ sơ
Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện -
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận