Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nhấn mạnh yếu tố thị trường

Mở đầu  Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Điệp khúc “được mùa mất giá”

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phản ánh về tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để vấn đề này. Trong thời gian qua, có nhiều chính sách ban hành liên quan đến lĩnh vực này? Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn của cuộc sống để lĩnh vực nông nghiệp có thể góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng và góp phần phát triển kinh tế đất nước?

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ lo sợ nhất câu hỏi đến bao giờ. Bộ trưởng làm rõ Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên thì nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm. Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói “đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún”. Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương. Bộ trưởng làm rõ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với 2 gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.

Phân bón hữu cơ, nông nghiệp du lịch sinh thái

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu vấn đề,  thời gian vừa qua cử tri phản ánh rất nhiều về việc giảm vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón liên tục tăng cao. Mở đầu phiên chất vấn, đa số đại biểu đã tập trung vào nội dung này. Trước thực trạng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hữu cơ. Đây được nhìn nhận là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một thực trạng đó là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu đề nghị, với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải pháp theo khuyến cáo chưa được triển khai rộng và ứng dụng thực sự đạt hiệu quả trên những cánh đồng và thửa ruộng trong thời gian tới, trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long?

 

Đại biểu Nguyễn Huy Thái

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Huệ (Sóc Trăng) nêu hiện tượng có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng này, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời: Sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.

 

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Huệ

Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nướcvới nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.

Nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhắc lại, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng nói: Chúng ta chung tay cho sứ mệnh đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng đổi mới nào Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới. Bộ trưởng cũng đã từng đưa ra thông điệp: Chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân. Tuy nhiên, đến nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, hiện nay mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, nông nghiệp du lịch sinh thái đang là xu hướng mới của nền nông nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong tích tụ, tập trung đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để phát triển mạnh mô hình này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường. Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn. Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục. Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng ta chậm thay đổi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhìn nhận có trách trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm thông tin để cho người dân biết và bà con nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn. Bộ trưởng cho rằng, về giải pháp không thể chỉ dung biện pháp truyền thông, chỉ có một cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hàng ngàn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia trên thế giới đối với mặt hàng nông sản. Như vậy trung bình một tháng gần 100 thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia, trong đó có những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chấp nhận để chuẩn hóa nông sản của Việt Nam đáp ứng theo từng loại thị trường trong bối cảnh đầy sự thay đổi, thay đổi rất nhanh chóng. Chỉ có như vậy thương hiệu nông sản mới như đại biểu nêu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thương hiệu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thương hiệu khác nhãn hiệu. Thương hiệu bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dung, mà để có được niềm tin của người tiêu dung mới khó. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu hệ sinh thái của ngành hàng, ví dụ ngành hàng thanh long của Long An, Bình Thuận. Phải xây dựng từ thương hiệu của doanh nghiệp, từ thương hiệu của hợp tác xã, của người nông dân… phải mất 10 năm, 15 năm mới hình thành một thương hiệu. Do đó, cần thay đổi tư duy cho thương hiệu nông sản, bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng, chứ không phải bắt đầu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về câu chuyện được mùa mất giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định đó là quy luật kinh tế. Cần phải có quy trình chế biến để giảm lượng dư thừa và chuẩn hóa thị trường, giảm áp lực thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong công tác điều hành chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, để tiết giảm chi phí đầu vào…  

 

 

 

BẢO THƯ