Cơ quan, tổ chức không thể là người làm chứng trong tố tụng dân sự

Nhân đọc bài “Cơ quan, tổ chức có thể là người làm chứng trong tố tụng dân sự?” của ThS. Ls. Lê Hồng Sơn đăng ngày 18/02/2022, tôi cho rằng pháp nhân không thể làm chứng trong tố tụng dân sự.

Điều 74 BLDS 2015 quy định, một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện sau: Thứ nhất, được thành lập hợp pháp; Thứ hai, phải có cơ quan điều hành; Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác; Thứ tư, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của pháp nhân và nhân danh mình tham gia vào các quan hệ một các độc lập.

Có 2 loại pháp nhân là Pháp nhân thương mại (Điều 75 BLDS) và Pháp nhân phi thương mại (Điều 76 BLDS).

Các pháp nhân phi thương mại thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Luật  về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan

Các pháp nhân thương mại thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và được ghi cụ thể trong Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy phép hoạt động đối với các lĩnh vực đặc thù.

Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 khẳng định “doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và và khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”. 

Tuy hiện nay, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn thể hiện ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp dự kiến trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp muốn kinh doanh thêm ngành nghề mà chưa đăng ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhập thông tin về ngành nghề mới trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Ngành nghề đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp được phép đăng ký trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vẫn dựa trên quy định về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Đối với những ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, nhưng được quy định trong văn bản pháp luật khác thì ngành nghề kinh doanh ghi nhận trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành nghề quy định trong các văn bản pháp luật đó.

Hiện nay, trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, hoạt động thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam không có mã ngành, lĩnh vực nào là “làm chứng”.

Theo Điều 77 BLTTDS - Người làm chứng  làNgười biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng”.

Theo khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng 2014: “Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng…”.

Trong các giao dịch dân sự cần người làm chứng (Di chúc có người làm chứng, Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng vay tài sản…, thì người làm chứng cũng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được đương sự mời chứng kiến vụ việc/ giao dịch nhân sự.

Dù với bất cứ trường hợp nào, người làm chứng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Trong khi đó năng lực hành vi của pháp nhân (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức) được thể hiện thông qua hành vi của người đại diện. Một pháp nhân lại có thể có nhiều người đại diện (theo pháp luật) trong cùng một thời điểm hoặc có từng người đại diện trong từng thời điểm khác nhau.

Vì vậy, pháp nhân làm nhân chứng sẽ không đảm bảo người đại diện của pháp nhân “biết các tình tiết liên quan đến sự việc”.

Vấn đề quan trọng nhất là người làm chứng nhận “biết sự việc” như thế nào.

Dù là thụ động (tình cờ đi qua, dừng lại…) hay chủ động (được mời/yêu cầu) thì người làm chứng cũng phải thông qua các giác quan của mình để nhận biết sự vật hiện tượng xung quanh. Tức là mắt nhìn thấy sự việc, tai nghe thấy sự việc, mũi ngủi thấy mùi của các vật làm nên sự việc, da cảm thấy sự nóng lạnh của môi trường nơi diễn ra sự việc…Tất cả các thông tin thu được qua sự việc được BỘ NÃO khái quát lại và được gọi là BIẾT. Khi được yêu cầu, cá nhân thông qua TAY để viết/đánh máy lại, thông qua MỒM để tường thuật lại sự việc hay xác nhận một người nào đó đang ngồi trước mặt mạnh khỏe, minh mẫn không bị đe dọa, cưỡng bức, tự mình ký, điểm chỉ vào một văn bản nào đó. Cả quá trình nhận thức, hiểu biết và thể hiện sự hiểu biết này chỉ con người, tức là cá nhân/con người mới có thể làm được. Pháp nhân bản chất chỉ là một khái niệm về một tổ chức, nên không có nhận thức và không thể “biết được các tình tiết của vụ việc”.

Thực tế trong xét xử các vụ án dân sự, có hiện tượng cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập UBND, Sở TN-MT hay Văn phòng đăng ký đất đai tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng để xác định nguồn gốc một thửa đất hay xác định mốc giới của thửa đất này với thửa đất kia, như viện dẫn của tác giả Lê Hồng Sơn, thì việc coi họ là nhân chứng chỉ là cách gọi, nhưng bản chất họ chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, không thể coi các cơ quan, tổ chức đó là người làm chứng. Bởi vì, đại diện của cơ quan, tổ chức đó chỉ đơn giản là cung cấp bản mô tả công việc, báo cáo hoặc tài liệu sơ đồ bản vẽ trắc địa… mà cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, các tài liệu đó được nhiều đơn vị nhỏ, do nhiều cá nhân trong cơ, quan tổ chức đó thực hiện và không ai có thể đại diện họ thuật lại quá trình hình thành tài liệu đó như thế nào. Kể cả khi, ông Chủ tịch UBND xã đứng trước tòa nói rằng, hồi… ngày… tháng… năm tôi thấy ông/bà A san lấp… để chứng minh nguồn gốc đất, thì cũng chỉ là lời khai về vụ việc mà ông chủ tịch chứng kiến với tư cách cá nhân, chứ không thể nhân danh UBND để khai rằng: UBND thấy ông/bà A…

Vì vậy, theo quan điểm của tôi: Pháp nhân dù là pháp nhân thương mại (Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác) hay Pháp nhân phi thương mại (các cơ quan tổ chức  hoạt động theo Luật  về tổ chức bộ máy nhà nước) không thể làm chứng trong tố tụng dân sự.

Đây là quan điểm của tôi, rất mong được quý độc giả cùng trao đổi để hiểu thêm về vấn đề này.

 

TAND huyện Tam Đường, Lào Cai xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Chu Tố Uyên

 

NGUYỄN TUẤN ANH (Đoàn Luật sư Hà Nội)