D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS
Sau khi nghiên cứu bài viết “Bị can D có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?” của tác giả Nguyễn Thành Luân đăng ngày 30/6/2022 và ý kiến của tác giả Lê Đức Anh đăng ngày 03/7/2022, tôi có quan điểm khác với hai tác giả trên.
Thứ nhất, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Thành Luân cho bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS bởi:
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS được áp dụng trong trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm. Hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 Mục 1 Nghị quyết số 01/2006 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS năm 1999 chỉ áp dụng trong trường hợp người phạm tội “không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra”.
Từ các quy định trên, có thể hiểu người phạm tội chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này nếu hậu quả hay thiệt hại xảy ra là do hành vi phạm tội của mình gây ra. Trường hợp thiệt hại không do hành vi phạm tội của mình gây ra thì người phạm tội không có trách nhiệm phải sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Trường hợp thiệt hại không do hành vi phạm tội của mình gây ra thì mặc dù người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì cũng không đủ điều kiện để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Đối chiếu với nội dung của vụ án, trong trường hợp này cần xác định A, B, C đã có hành vi trộm cắp tài sản và chính hành vi này đã gây ra thiệt hại cho bị hại nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về A, B, C. Còn D có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, hành vi phạm tội của D là độc lập với hành vi trộm cắp tài sản của A, B, C và thiệt hại xảy ra không phải do hành vi phạm tội của D gây nên. Do đó, trong trường hợp này, mặc dù D đã “tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả” song do thiệt hại xảy ra không phải do hành vi phạm tội của D gây ra nên D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điêu 51 BLHS.
Thứ hai, tôi nhất trí với tác giả Lê Đức Anh về việc xác định D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả Lê Đức Anh về việc xác định D được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS bởi:
Theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2006 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS năm 1999 thì người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 trong trường hợp nếu người phạm tội không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra mà không có việc tác động, yêu cầu hoặc đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, mà những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Như vậy, sự khác nhau giữa việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS trong trường hợp này là ở chỗ người phạm tội có tác động, yêu cầu hoặc đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thay mình hay không chứ không phải việc thiệt hại xảy ra có do hành vi phạm tội của D gây ra hay không.
Như đã lập luận ở trên, trong vụ án này thiệt hại không do hành vi phạm tội của D gây ra nên việc D “tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả” cũng không thuộc trường hợp được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.
Quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không chỉ thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội mà còn có ý nghĩa trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt. Việc áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, tránh việc lạm dụng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự dẫn đến việc quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Trên đây là ý kiến của tôi đối với bài báo của tác giả Nguyễn Thành Luân kính mong độc giả đóng góp ý kiến./.
TAND huyện Đức Hoà, tỉnh Long An xét xử vụ Tịnh thất Bồng Lai - Ảnh: Lê Đức
Bài liên quan
-
Một số vướng mắc về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và kiến nghị hoàn thiện
-
A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS
-
Bị can D được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
-
D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 BLHS
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận