Đào Xuân S có bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung ‘‘tái phạm nguy hiểm’’ hay không?
Đào Xuân S có 5 tiền án. Ngày 18/5/2020, S lại có hành vi trộm cắp chiếc điện thoại di động Samsung trị giá 1.800.000 đồng, S bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 với tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm. Áp dụng tình tiết tăng nặng này có phù hợp hay không?
Đào Xuân S có 5 tiền án, cụ thể như sau:
Ngày 21/2/2007 Đào Xuân S thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với số tiền chiếm đoạt là 682.000 đồng, trước đó S bị UBND xã Đ xử phạt hành chính về hành vi Trộm cắp tài sản.
Bản án số 4/2007/HSST ngày 03/4/2007 Tòa án huyện M, tỉnh G xử phạt S 06 tháng tù. Ngày 5/9/2007, S chấp hành xong hình phạt tù về địa phương sinh sống.
Ngày 5/4/2019 Đào Xuân S thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với số tiền chiếm đoạt là 4.500.000 đồng, Bản án số 25/2009/HSST ngày 07/8/2009 của Tòa án huyện M, tỉnh G xử phạt S 12 tháng tù, S đã chấp hành xong hình phạt tù, mọi vấn đề khác giải quyết xong.
Ngày 8/11/2011, Đào Xuân S có hành vi cố ý gây thương tích cho anh A với tỷ lệ thương tật 12%, Bản án số 41/2011/HSST ngày 08/11/2011 của Tòa án huyện M tỉnh G, xử phạt Đào Xuân S 36 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, tại Bản án này đã xác định S phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, S đã chấp hành xong hình phạt tù.
Ngày 18/7/2011 S lại trộm cắp tài sản, tài sản chiếm đoạt lần này trị giá 5.780.000 đồng, Bản án số 44/2012/HSST ngày 06/4/2012 của Tòa án thành phố Q, tỉnh N xử phạt S 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS 1999, xác định S tái phạm nguy hiểm. Ngày 23/7/2016 S chấp hành xong hình phạt tù.
Ngày 30/6/2017, S tiếp tục phạm tội, Bản án số 20/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án huyện M tỉnh G xử phạt S 36 tháng tù về tội cướp tài sản’’ theo khoản 1 Điều 168 BLHS 2015, bản án xác định S tái phạm nguy hiểm. Ngày 05/01/2020 S chấp hành xong hình phạt tù.
Ngày 18/5/2020 S lại có hành vi đột nhập vào một đơn vị quân đội, trộm cắp tài sản của anh H, là quân nhân của đơn vị, một chiếc điện thoại di động Samsung trị giá 1.800.000 đồng, S bị Viện kiểm sát quân sự Khu vực Quân khu Y truy tố về tội trộm cắp tài sản theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 với tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm.
Có những quan điểm khác nhau xác định hành vi phạm tội ngày 18/5/2020 của Đào Xuân S có bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS hay không.
Quan điểm thứ nhất: Đào Xuân S mặc dù trộm cắp tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng, nhưng trước đó S đã bị kết án với 3 bản án về tội: Trộm cắp tài sản, 1 bản án về tội Cố ý gây thương tích, 1 bản án về tội Cướp tài sản, chưa được xóa án tích, lại tiếp tục phạm tội, nên hành vi của S đã phạm vào điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS. Năm 2017, S bị Tòa án tuyên phạt 36 tháng tù về tội Cướp tài sản, với tình tiết tăng nặng định khung Tái phạm nguy hiểm, ra tù ngày 5/1/2020, tính đến thời điểm phạm tội (ngày 18/5/2020) chưa được xóa án tích. S có nhân thân xấu (5 tiền án), chấp hành án tại trại giam nhưng không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, ý thức chấp hành pháp luật kém; thể hiện sự coi thường, bất chấp pháp luật, vì vậy ở lần phạm tội này Đào Xuân S phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng định khung Tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Hành vi phạm tội ngày 18/5/2020 của Đào Xuân S không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS. Bởi lẽ, đối với Bản án số 04/2007/HSST, ngày 3/4/2007, S đã đương nhiên được xóa án tích.
Đối với các Bản án số 25/2009/HSST ngày 7/8/2009, Bản án số 41/2011/HSST ngày 8/11/2011, Bản án số 44/2012/HSST ngày 6/4/2012, Bản án số 20/2017/HSST ngày 20/9/2017 Đào Xuân S đã chấp hành xong hình phạt tù và các vấn đề khác của bản án.
Ngày 18/5/2020, S có hành vi trộm cắp tài sản 1 chiếc điện thoại di động trị giá 1.800.000 đồng. Căn cứ Điều 70 của BLHS thì trường hợp của S để được đương nhiên xóa án tích thì phải đủ điều kiện về thời gian 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính, án phí và các quyết khác của bản án. S chưa được xóa án tích, lại tiếp tục phạm tội, nhưng hành vi phạm tội lần này của S dưới 2.000.000 đồng, việc truy tố đối với S áp dụng tính tiết “Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” làm căn cứ định tội đối với S theo điểm b khoản 1 Điều 173 của BLHS nên không thể áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm đối với S một lần nữa. Trường hợp này các tiền án của S được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản với tình tiết “Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm nguy hiểm đối với S. Vì vậy, theo hướng có lợi cho người phạm tội không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS đối với Đào Xuân S.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ các đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa án huyện Kim Thành, Hải Dương xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Nguyễn Nhung/ Báo HD
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Duy Biên
11:16 26/12.2024Trả lời