Đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
Ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới".
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu.
Lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển của Việt Nam
Tại Diễn đàn, các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực trong năm 2021, lạc quan về triển vọng mở cửa, phục hồi và phát triển của Việt Nam, với sự lãnh đạo vững vàng, những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự đoàn kết vững chắc của nhân dân.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc lấy lại đà tăng trưởng nhờ việc gia tăng kim ngạch thương mại và phục hồi nền kinh tế nhanh chóng bất chấp những hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao việc "Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhanh chóng và đầy tham vọng việc tiêm phủ vaccine, với nỗ lực không mệt mỏi và anh hùng của các chuyên gia y tế trên tuyến đầu, đã giúp đất nước dần mở cửa trở lại".
Theo Chủ tịch Eurocham Alain Cany, các doanh nghiệp đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư "bình thường mới" của Việt Nam, khi chỉ số môi trường kinh doanh của Eurocham đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022. "Khi COVID-19 dần được kiểm soát, EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh", ông Alain Cany nhận định.
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Giám đốc Quốc gia WB Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu rất cao, những cam kết rất ấn tượng với "mục tiêu kép" là trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chia sẻ thêm về khả năng chống chịu, tính cạnh tranh và tính xanh của nền kinh tế Việt Nam, nêu một số khuyến nghị, bà cho biết WB và các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác, ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và giảm phát thải cùng lúc.
Ghi nhận những nỗ lực tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong năm 2021, các ý kiến cũng nêu nhiều kiến nghị nhằm nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng công nghệ số, kinh tế số và chính phủ số; cũng như việc thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26…
Kinh nghiệm quý báu
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, "trách nhiệm với Việt Nam, yêu Việt Nam và hiểu Việt Nam", đánh giá khách quan, sát thực tế về những thành tựu, khó khăn, vướng mắc của Việt Nam.
Thông tin khái quát về quá trình phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2021, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP quý IV đã hồi phục, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm… Cùng với đó, Việt Nam bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư với Việt Nam thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, mất mát, thiệt thòi, hy sinh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế do đại dịch trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, lạm phát còn nhiều sức ép… Tuy nhiên, Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu từ bối cảnh khó khăn của năm 2021.
Thứ nhất, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên trì, sáng suốt lựa chọn con đường, giải pháp phù hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Thứ ba, với các vấn đề như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Thứ tư, các vấn đề hiện nay cũng tác động đến mọi người dân nên cách tiếp cận toàn dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực.
Triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới" do đại dịch, diễn biến tình hình tiếp tục phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt trên toàn cầu và trong khu vực, nhiều yếu tố bất ổn, khó lường chưa thể dự báo hết… Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch (gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức 5K+vaccine+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác, tăng cường năng lực y tế).
Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...
Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.
Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
Bài liên quan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2025
-
Kế hoạch triển khai thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
-
Kiểm soát xung đột lợi ích để phòng chống tham nhũng
-
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhà ở xã hội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận