Điều 27 BLHS về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã dễ hiểu, dễ áp dụng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Tội phạm được xác định như thế nào khi áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” của tác giả Lê Ngọc Nam, đăng ngày 21/12, tôi xin phân tích làm rõ quy định của pháp luật và đưa ra quan điểm của mình.
1.Quy định của pháp luật
Trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm về “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” quy định tại Điều 29 BLHS đó là “…thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” và “thời hạn” trong quy định này được hiểu là một khoảng thời gian nhất định được xác lập bằng điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Như vậy, có thể khẳng định chỉ truy cứu TNHS đối với một người trong một khoảng thời gian cụ thể mà pháp luật hình sự cho phép, nếu như hết thời gian đó mà không truy cứu TNHS được đối với người phạm tội thì họ sẽ không phải bị truy cứu TNHS nữa. Trừ các trường hợp tại Điều 28 BLHS quy định về các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS. Cụ thể gồm:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS.
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI BLHS.
- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 BLHS; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của BLHS.
Thời hiệu truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 27 BLHS được xác định căn cứ vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà tội phạm thực hiện hay ngắn gọn hơn đó là dựa vào việc phân loại tội phạm được quy định tại Điều 9 BLHS và đây cũng được coi là thời hạn cuối cùng để truy cứu TNHS đối với người phạm tội.
BLHS quy định việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS tại khoản 3 Điều 2. Cụ thể, có hai cách tính thời điểm bắt đầu thời hiệu như sau:
Cách tính 1: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Theo cách tính này thì nếu trong thời hạn truy cứu TNHS mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Ví dụ: Ngày 10/3/2022 Nguyễn Văn C thực hiện hành trộm cắp tài sản, đến ngày 12/6/2022 C lại tiếp tục thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Như vậy, thời hiệu truy cứu TNHS trong trường hợp này đối với C sẽ được tính từ ngày C thực hiện hành vi phạm tội sau cùng (ngày 12/6/2022).
Cách tính 2: Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày người có hành vi vi phạm pháp luật ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Theo cách tính này thì trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu sẽ được tính từ ngày ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Quy định này được đặt ra để loại trừ trường hợp là cứ có hành vi vi phạm pháp luật là bỏ trốn, đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì trở về mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể truy cứu được do hết thời hạn truy cứu TNHS
Ví dụ: Ngày 05/02/2022, Trần Văn B đột nhập vào nhà chị T và có hành vi hiếp dâm chị. Sau khi có quyết định truy nã, B bỏ trốn. Đến ngày 19/7/2019, B ra đầu thú. Trong trường hợp này thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với B được tính từ ngày B ra đầu thú là ngày 19/7/2022.
Như vậy, Điều 27 BLHS năm 2015 về thời hiệu truy cứu TNHS đã có sự đổi mới, tiến bộ hơn so với Điều 23 BLHS năm 1999 đó là thay đổi cách hành văn, cách diễn đạt từ ngữ pháp lý một cách khoa học, dễ hiểu, dễ nắm bắt hơn. Đây được coi là một bước tiến quan trọng để xây dựng nền pháp luật vững chắc, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, quyết tâm không bỏ lọt người phạm tội và bỏ lọt tội phạm.
2.Về giải quyết quan điểm thời hiệu truy cứu TNHS
Qua nghiên cứu phân tích làm rõ các quy định của pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu TNHS, trong các quan điểm tác giả đưa ra tôi có ý kiến như sau:
a) Quá trình điều tra, truy tố, xét xử có được tính vào thời hạn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất đó là: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không được tính vào thời hạn trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, đây là quá trình tố tụng xác định thời hạn cho việc giải quyết vụ án chứ không phải là quá trình tính thời hạn đối với người phạm tội nên không thể được tính vào thời hiệu để truy cứu TNHS được. Nếu tính quá trình tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng vào thời hiệu truy cứu TNHS sẽ gây khó khăn cho xác định sẽ phải trừ bao nhiêu thời gian trong thời hiệu truy cứu TNHS nếu như người phạm tội bỏ trốn trong các giai đoạn này. Do đó, việc đưa ra cách tính như khoản 3 Điều 27 BLHS là đã rõ ràng và bảo đảm cho việc thực hiện.
b) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng như thế nào trong vụ án có đồng phạm bỏ trốn?
Trong trường hợp này, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất đó là những bị can bị bắt phải chịu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo bị can bỏ trốn. Bởi lẽ, nghiên cứu các quy định về đồng phạm có thể thấy: đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm (khoản 1 Điều 17BLHS). Việc giải quyết các vụ án đồng phạm đòi hỏi xác định đúng vai trò, tính chất hành vi, mức độ tham gia vụ án của từng người mới có cơ sở giải quyết vụ án được đúng đắn, nên nếu như trong vụ án có một số người bỏ trốn cơ quan mà điều tra đã ra lệnh truy nã và hành vi phạm tội của những người bị bắt không thể tách ra để xử lý riêng cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra vụ án để đợi bắt người bỏ trốn sẽ xử lý chung nên thời gian tạm đình chỉ điều tra không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù có một số người không bỏ trốn nhưng Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người này, tức là từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can trở đi thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có bị kéo dài vì nhiều lý do khác nhau cũng sẽ không được trừ vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, về nguyên tắc, nếu như sau này một số người bỏ trốn bị bắt theo lệnh truy nã, Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án là phục hồi điều tra đối với cả những người đã bị bắt chứ không chỉ có những người bị truy nã mới bắt được. Cách hiểu như vậy là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS đó là: “Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã ra quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”. Quy định này phải hiểu là được áp dụng chung cho cả những đối tượng phạm tội trong vụ án có đồng phạm.
c) Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định theo tội danh của Cơ quan Điều tra khởi tố hay tội danh của Tòa án tuyên?
Trong trường hợp này, quan điểm của tôi là: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định theo tội danh mà Cơ quan Điều tra hình sự khởi tố bởi không thể đồng nhất trách nhiệm hình sự với thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này được. TNHS được hiểu là hậu quả pháp lý cùa việc thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả này chỉ phát sinh khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật hình sự quy định bắt buộc phải thực hiện. Còn thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu TNHS đối với hành vi đó. Chính vì vậy, nếu hiểu như quan điểm “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là tội phạm mà Tòa án tuyên trong bản án có hiệu lực pháp luật” thì trong thực tế sẽ không thể áp dụng được thời hạn để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng mà sau khi phạm tội bỏ trốn trong giai đoạn điều tra, khởi tố vụ án nhưng chưa bị Toà án xét xử và tuyên án.
Ví dụ: Ngày 10/5/2017, Hoàng Thị H bị Cơ quan điều tra thành phố CM khởi tố về trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS, sau khi khởi tố H bỏ trốn khỏi địa phương và Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã đối với H. Ngày 23/5/2022, H bị bắt theo lệnh truy nã. Nếu hiểu theo cách “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là tội phạm mà Tòa án tuyên trong bản án có hiệu lực pháp luật” thì thời hiệu của H được tính như thế nào khi mà H chưa bị Toà án đưa ra xét xử lần nào. Việc hiểu theo cách này dẫn đến tình trạng những vụ án mà vì bất cứ lý do gì mà bị cáo chưa bị hoặc không bị đưa ra xét xử thì sẽ không xác định được thời hiệu truy cứu TNHS.
Qua nội dung trao đổi của tác giả, tôi có đưa ra quan điểm cá nhân của mình về thời hiệu truy cứu TNHS, xin cùng được trao đổi với tác giả bài viết và quý bạn đọc./.
Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Thị Lượng
Bài liên quan
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Vướng mắc trong xác định thời hạn áp dụng, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
-
Tòa án nhân dân các cấp đảm bảo xét xử các vụ án về mua bán người đúng thời hạn, đúng pháp luật
Hệ thống TAND hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" năm 2024 -
Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận