Đỗ Đình T được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại”
Qua nghiên cứu bài viết về “Đỗ Đình T có được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” hay không?” của tác giả Đặng Đình Thái, đăng ngày 09/5/2024, tôi cho rằng Đỗ Đình T được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này.
Về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS như sau:
Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.
Ví dụ : Rút súng bắn nhưng không trúng người; trộm cắp tài sản ra khỏi nhà nhưng bị bắt quả tang….
Theo theo điểm 6.2.1.7 Sổ tay Thẩm phán của TANDTC năm 2009 hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).”
Đây là những trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả tác hại cho xã hội hoặc tuy hậu quả tác hại đã xảy ra nhưng không lớn vì được hạn chế do những nguyên nhân có thể xuất phát từ trong hoặc ngoài ý muốn của người phạm tội. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà họ thực hiện.
Theo tinh thần của Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ 3 VKSNDTC về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS: Khái niệm “chưa gây thiệt hại” và “gây thiệt hại không lớn” đều nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội “chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp “chưa gây thiệt hại”.
Điều này có nghĩa, chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét tinh tiết giảm nhẹ này cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng.
Thiệt hại đang đề cập tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015 không chỉ là hậu quả về vật chất mà còn bao gồm cả những thiệt hại về tinh thần, thể chất. Bởi vì, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong những tội có cấu thành tội phạm vật chất, đối với những tội có cấu thành tội phạm hình thức thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng thiệt hại thì có thể xảy ra đối với cả tội có cấu thành tội phạm vật chất và tội có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015, mặc dù đây là tội có cấu thành tội phạm hình thức nhưng khi người phạm tội đã thực hiện hành vi giao cấu (sau hành vi dùng vụ lực, đe dọa dùng vũ lục…) thì thiệt hại về thể chất, tinh thần của người bị hại đã xảy ra.
Vì vậy, thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51; điểm c khoản 1 Điều 84 BLHS năm 2015, bao gồm thiệt hại về vật chất, thể chất và tinh thần; thiệt hại này không đồng nhất với hậu quả của tội phạm và có khi hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng thiệt hại lại không xảy ra và ngược lại. Hơn nữa, BLHS năm 2015 cũng không quy định bắt buộc hoặc loại trừ đối với loại tội phạm nào (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng) và trường hợp phạm tội nào thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”.
Do vậy, theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội vẫn có thể áp dụng được với mọi tội phạm. Còn đối với những tội phạm có cấu thành hình thức, khi áp dụng cần chú ý đến tính chất hành vi phạm tội, mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần của từng vụ án cụ thể.
Trong trường hợp này, hành vi của Đỗ Đình T đã lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu đã lén lút thực hiện hành vi chiếm đoạt 07 tấm bảng mã trị giá 6.000.000 đồng. Vì vậy hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Vậy nên, áp dụng theo hướng dẫn của TAND tối cao thì trong trường hợp này Đỗ Đình T vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” vì T đã thực hiện hành vi trộm cắp nhưng hậu quả không xảy ra, việc T bị phát hiện và phải bỏ lại tài sản là 07 tấm bảng mã nằm ngoài ý muốn chủ quan của T, là phù hợp và có lợi cho bị cáo.
Tòa án huyện Tân Hưng, Long An xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản” - Ảnh: Duy Phước
Bài liên quan
-
Một số vướng mắc về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và kiến nghị hoàn thiện
-
A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS
-
D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS
-
Bị can D được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận