Dư luận quan tâm đến quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động
Ngày 26/5/2022, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật CSCĐ và đóng góp thêm nhiều ý kiến thiết thực.
Tiếp tục chỉnh lý
Thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điểm đ khoản 2, Điều 12 về nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vì không phải là nhiệm vụ thường xuyên và không mang tính đặc thù của CSCĐ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quy định nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là kế thừa khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh CSCĐ và đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Để bảo đảm chặt chẽ, trên cơ sở luật hóa một số quy định hiện hành, UBTVQH đề nghị bổ sung Điều 12 quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT của CSCĐ như dự thảo trình Quốc hội.
Một số ý kiến cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp; có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp khác CSCĐ được quyền huy động như phòng chống thiên tai, thảm họa…; có ý kiến đề nghị quy định CSCĐ chỉ được huy động trong các trường hợp thực hiện nhiệm vụ do CSCĐ chủ trì.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tại hội trường
UBTVQH lý giải: Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến ANTT, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.
Quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định CSCĐ được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do CSCĐ chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định "huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương" tại khoản 3, vì không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ, không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.
Tuy nhiên, theo UBTVQH, Luật Phòng, chống khủng bố quy định Bộ Công an chủ trì "tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố". Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Công an và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉnh lý khoản 5 Điều này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Địa bàn, phạm vi hoạt động
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật CSCĐ và đồng tình với dự thảo luật lần này bởi nhiều nội dung dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý; đánh giá cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu ý kiến ĐBQH của UBTVQH và Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) so sánh, dự thảo luật lần này đầy đủ, khoa học hơn, bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hóa hơn nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ. Về vấn đề còn nhiều ý kiến và dư luận quan tâm là nhiệm vụ của CSCĐ, nữ đại biểu cho rằng, dự thảo quy định CSCĐ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT là hợp lý vì quy định này kế thừa khoản 3, Điều 7 của Pháp lệnh CSCĐ. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ vũ trang tuần tra kiểm soát của CSCĐ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với các đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Đại biểu Nguyễn Việt Nga
"Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSCĐ sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, động vật nghiệp vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực tiễn những năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát của CSCĐ đã phát huy hiệu quả trong bảo vệ ANTT trên địa bàn cả nước, nên chúng ta quy định nhiệm vụ này trong dự thảo luật là phù hợp" - ĐBQH tỉnh Hải Dương phân tích.
Đại biểu Lê Ngọc Hải (Đắk Lắk) phát biểu: Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh trùng lắp, chồng chéo với địa bàn, phạm vi hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác, cần bổ sung quy định địa bàn, phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động hoặc bổ sung một khoản vào cuối Điều 3 trừ địa bàn, phạm vi hoạt động đã được Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định.
Về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “trừ lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc phòng” sau cụm từ “tham gia chống khủng bố”. Bởi khoản 1 Điều 14 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 quy định lực lượng phòng, chống khủng bố bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố.
Lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc phạm gồm An ninh Quân đội, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, đặc công,… đã được đào tạo, huấn luyện riêng về công tác phòng, chống, củng bố phù hợp với cái chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mỗi lực lượng. Do vậy, dự thảo luật quy định cảnh sát cơ đồng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống, công bố cho các lực lượng chức trách vân vân bao gồm cả lực lượng phòng, chống khủng bố của Bộ Quốc phòng là chưa phù hợp.
Về nội dung thứ tư, tại Khoản 3, Điều 18 về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị thêm cụm từ hy sinh sau cụm từ sẵn sàng chiến đấu để thực hiện đúng với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) đề nghị bổ sung vào Điều 4 dự thảo Luật về nguyên tắc hoạt động của cảnh sát cơ động nội dung về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức. Việc bổ sung này vào Điều 4 có ý nghĩa quan trọng trong cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, đảm bảo phù hợp với các Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người.
Điều 30 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại quy định này vì tại khoản 2 Điều 148 của Luật Đất đai cũng đã quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh.
Để hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trước khi Quốc hội quyết định thông qua, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị cần rà soát nội dung và kỹ thuật lập pháp tại Điều 13 của dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, quy định vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố như dự thảo Luật sẽ gây khó hiểu, chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chặt chẽ…
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, dự thảo Luật cần phải quy định rõ việc cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Đại biểu lấy dẫn chứng, nếu họ chỉ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thăm hỏi, chúc mừng bình thường mà cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố là chưa phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ở mức độ như thế nào khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đảm bảo cụ thể, khả thi khi thi hành.
Tránh các trường hợp lạm quyền trong thực thi công vụ
Cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị dự thảo Luật quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn về nhiệm vụ chống hành vi bạo loạn, khủng bố.
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 10 của dự thảo Luật quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, hiện nay nhiệm vụ này đang được giao cho Bộ Quốc phòng, vì vậy cần quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với cảnh sát cơ động trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Về hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, dự thảo Luật cần quy định rõ phạm vi nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động, tránh trùng lắp, chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ này với các lực lượng khác. Cùng với đó, đối với quyền hạn của cảnh sát cơ động trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân, để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để tránh các trường hợp lạm quyền trong thực thi công vụ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu cho rằng, Điều 9 về nhiệm vụ và Điều 10 quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động nhưng vẫn còn số điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động như Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các điều, khoản trong điều luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sắp xếp khoa học, tích hợp các nhiệm vụ cụ thể và các điều luật đã quy định về nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Cho nên cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) bày tỏ thống nhất với việc Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp này để tạo hành lang pháp lý để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh sát cơ động tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung giải thích cụm từ “biện pháp vũ trang” trong dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, cụm từ này được xuất hiện trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động khá nhiều lần nhưng lại chưa có điều khoản giải thích, nội hàm của cụm từ này chưa được hiểu một cách rõ ràng, cụ thể. Do vậy, để lực lượng cảnh sát cơ động có cơ sở tổ chức thực hiện đúng theo chức trách, thẩm quyền của mình trong phạm vi mà pháp luật quy định. Liên quan đến các nội dung khác của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động mà Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày trước Quốc hội.
Bài liên quan
-
Khai mạc Phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều dự án Luật, Nghị quyết
-
Công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
-
Tòa án nhân dân các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội
-
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận