Áp dụng pháp luật dân sự nước ngoài tại Việt Nam, so sánh với pháp luật của một số quốc gia
Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá nội dung các quy định của BLDS 2015 về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài, đồng thời trên cơ sở so sánh với pháp luật của một số quốc gia nhằm đưa ra định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặt vấn đề
Khác với những quan hệ dân sự không có yếu tố nước ngoài, chỉ cần áp dụng hệ thống pháp luật Việt Nam để điều chỉnh; khi giải quyết những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Toà án Việt Nam trong nhiều trường hợp cần phải áp dụng pháp luật nước ngoài. Đây là vấn đề có đầy đủ cơ sở lý luận và đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của quốc gia. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài vẫn là một thách thức đối với Toà án Việt Nam và những quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn xét xử. Trong tiến trình hội nhập nền kinh tế quốc tế ở mức độ cao hơn và sâu sắc hơn, nếu những bất cập trong vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài khi Toà án xét xử những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài vẫn còn tồn tại thì sẽ gây những trở ngại không nhỏ cho các chủ thể có liên quan. Vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến môi trường pháp lý thuận lợi mà Việt Nam đang xây dựng nhằm thu hút nhiều hơn nữa những chủ thể nước ngoài tham gia.
Bộ luật dân sự (BLDS) Việt Nam 2015 chính thức có hiệu lực vào ngày 01 /01 / 2017, với những thay đổi đáng kể trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn như: bổ sung các quy định về cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài, các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài, phạm vi dẫn chiếu của quy phạm xung đột,… Tuy nhiên, dưới góc độ so sánh với pháp luật các nước thì các quy định của BLDS 2015 vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập cần phải hoàn thiện.
1.Quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài – dưới góc độ so sánh với pháp luật của một số nước
1.1.Điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài
Điều kiện để pháp luật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam được ghi nhận tại Điều 664, 668, 670 BLDS 2015. Với các quy định này, nhìn chung pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng tại Việt Nam nếu thoã mãn hai điều kiện sau đây:
Thứ nhất, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng trong những trường hợp được pháp luật quy định. Cụ thể là pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng khi Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định; hoặc pháp luật nước ngoài được áp dụng nếu Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để Toà án xem xét việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong một vụ việc cụ thể. Mặc dù việc chấp nhận áp dụng pháp luật nước ngoài hay không, chấp nhận áp dụng đối với những quan hệ nào, hoàn toàn thuộc chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, cụ thể ở đây là Toà án, không thể áp dụng một cách tuỳ tiện cũng như từ chối áp dụng một cách tuỳ tiện.
Như vậy, với quy định trên có thể khẳng định rằng pháp luật nước ngoài chỉ có thể được áp dụng tại Việt Nam nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp: (i) quy phạm xung đột trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định áp dụng pháp luật nước ngoài (ii) quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam quy định áp dụng pháp luật nước ngoài (iii) các bên thoả thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài.
Góc so sánh:
Hiện nay, vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đều được thừa nhận rộng rãi trong tư pháp quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Cũng giống như quy định của pháp luật Việt Nam, các quốc gia cũng ban hành những điều kiện để pháp luật nước ngoài được áp dụng tại quốc gia họ. Lấy ví dụ điển hình như Điều 14 Luật Tư pháp quốc tế của Thuỵ Sỹ năm 1987 (sửa đổi năm 2014)[2] quy định trong trường hợp luật áp dụng cho quan hệ dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài khác thì pháp luật nước ngoài đó sẽ được áp dụng phù hợp với những quy định của luật Tư pháp quốc tế Thuỵ Sỹ.
Hay Điều 116 của bộ luật này cũng quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng là luật do các bên trong hợp đồng lựa chọn (bao gồm cả pháp luật nước ngoài); Điều 3 và Điều 41 luật Tư pháp quốc tế của Trung Quốc năm 2010 [3] cũng ghi nhận việc cho phép các bên trong quan hệ hợp đồng lựa chọn luật áp dụng cho quan hệ của mình, phù hợp với quy định của pháp luật Trung Quốc; Điều 4 Quy định Rome I [4] về luật áp dụng đối các nghĩa vụ theo hợp đồng quy định trong trường hợp các bên không lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá thì hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước nơi người bán cư trú thường xuyên. Đây là quy phạm xung đột trong Điều ước quốc tế ghi nhận trường hợp Toà án quốc gia áp dụng luật nước ngoài để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nếu hợp đồng đó có mối liên hệ gắn bó một cách rõ ràng với một quốc gia nước ngoài.
Tuy nhiên trường hợp các bên trong hợp đồng lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng thì việc lựa chọn này cần phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định hay còn được gọi là điều kiện chọn luật. Có thể khái quát các điều kiện chọn luật được hầu hết các nước ghi nhận như sau: việc lựa chọn pháp luật không được trái với quy định của pháp luật nước có Toà án xét xử vụ việc [5]; luật được chọn phải là luật thực chất [6]; việc chọn luật không nhằm lẩn tránh pháp luật…
Thứ hai, pháp luật nước ngoài chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn điều kiện nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam [7] . Về bản chất, điều kiện này đã kế thừa tinh thần của Điều 759 BLDS 2005, tuy nhiên cũng có sự thay đổi nhỏ. Thay vì quy định “việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam” thì điều luật mới chỉ quy định về “hậu quả của việc áp dụng…”. Sự thay đổi này khiến cho điều luật trở nên mạch lạc và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn so với cách quy định cũ.
Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo vệ nguyên tắc cơ bản của quốc gia có Toà án không bị ảnh hưởng bởi pháp luật nước ngoài.
Bên cạnh điểm tiến bộ của BLDS 2015 trong cách quy định về điều kiện này, vẫn tồn tại những điểm chưa đồng nhất trong cách quy định của các văn bản pháp luật Việt Nam. Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005 quy định: “Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”; hay khoản 3 Điều 5 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định: “luật nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam đối với quan hệ hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải, nếu luật đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Thông qua những điều luật trên có thể thấy điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài thứ hai này được thể hiện dưới nhiều hình thức và cách quy định khác nhau ở mỗi văn bản pháp luật. Ở BLDS 2015, điều kiện được ghi nhận là hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thế nhưng một số văn bản pháp luật chuyên ngành khác lại khẳng định luật nước ngoài chỉ được áp dụng nếu bản thân nội dung pháp luật nước ngoài đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Việc quy định không đồng nhất như hiện nay sẽ dẫn đến những cách hiểu và những cách vận dụng khác nhau trên thực tế khi Toà án cần áp dụng pháp luật nước ngoài. Vì vậy có thể xem đây là điểm chưa hợp lý trong cách xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” vẫn được ghi nhận theo những quy định trước đây. Hiện nay chưa có một văn bản cụ thể nào giải thích một cách chính thức như thế nào là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo ý kiến chủ quan của tác giả, cần có văn bản giải thích khái niệm này để Toà án có thể dễ dàng áp dụng trên thực tế cũng như tránh sự tuỳ tiện khi giải quyết vụ việc.
Bên cạnh những quy định về điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài thì BLDS 2015 còn quy định riêng về các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài tại Điều 670. Ngoài trường hợp không thoả mãn điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài đã được phân tích ở trên, trường hợp Toà án không thể xác định được nội dung pháp luật nước ngoài mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng thì pháp luật nước ngoài cũng sẽ không được Toà án Việt Nam áp dụng. Điểm tiến bộ của quy định này là nhà làm luật đã dự liệu và ngăn chặn được tình huống người làm công tác áp dụng pháp luật không thể từ chối việc áp dụng pháp luật nước ngoài một cách tuỳ tiện, mà trước đó phải áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng về xác định pháp luật nước ngoài [8]. Trong tình huống pháp luật nước ngoài không được áp dụng theo những quy định trên đây thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng [9].
Đây là hướng quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hướng quy định trên không thật sự mới vì từ rất lâu đã có ý kiến cho rằng “nếu cơ quan xét xử tìm kiếm và có yêu cầu sự trợ giúp của các bên đương sự nhưng không đạt được kết quả thì pháp luật Việt Nam được áp dụng” [10].
1.2.Xác định nội dung pháp luật nước ngoài
Bản chất của việc áp dụng pháp luật nước ngoài là quá trình Toà án của quốc gia vận dụng, áp dụng các quy phạm pháp luật cụ thể trong hệ thống pháp luật của một quốc gia khác hoặc các tiểu bang, vùng lãnh thổ của quốc gia khác để giải quyết một quan hệ hay một vấn đề pháp lý cụ thể trong Tư pháp quốc tế. Như vậy, quá trình này phải được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định nhằm thể hiện sự tôn trọng hệ thống pháp luật của quốc gia nước ngoài. Toà án không thể áp dụng pháp luật nước ngoài một cách tuỳ tiện theo cách hiểu hay theo cách giải thích của bản thân mình, điều này sẽ làm sai lệch bản chất và phần nào làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của pháp luật nước ngoài.
Những văn bản pháp luật của Việt Nam trước đây đều chưa ghi nhận những nguyên tắc cũng như những quy định cụ thể đối với việc áp dụng pháp luật nước ngoài của Toà án. Đây là một trong những trở ngại lớn khi Toà án giải quyết những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khuyết điểm này đã được khắc phục bằng những quy định cụ thể của BLDS 2015 và BLTTDS 2015.
Về trách nhiệm xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài: Quy định tại Điều 481 BLTTDS 2015 là một quy định hoàn toàn mới trong Tư pháp quốc tế Việt Nam.
Quy định này đã xác định rõ trách nhiệm của đương sự cũng như các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp và xác định pháp luật nước ngoài. Theo đó, trong trường hợp các đương sự lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng thì nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài cho Toà án giải quyết vụ việc dân sự thuộc về các bên. Các đương sự phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp. Trong trường hợp này, các cơ quan Nhà nước như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chỉ có trách nhiệm cung cấp pháp luật nước ngoài khi được Tòa án Việt Nam yêu cầu.
Ngược lại, trong trường hợp pháp luật nước ngoài cần được áp dụng theo sự chỉ dẫn của quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam hoặc trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì việc cung cấp pháp luật nước ngoài là quyền chứ không phải nghĩa vụ của các đương sự. Trong trường hợp này, Toà án có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài. Toà án cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, thông qua điều luật này có thể thấy pháp luật Việt Nam không trực tiếp quy định về trách nhiệm của Toà án Việt Nam trong việc tìm kiếm và xác định nội dung pháp luật nước ngoài. Điều này có thể sẽ là một kẽ hở dẫn đến việc Toà án bỏ qua việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế.
Về cách thức xác định nội dung pháp luật nước ngoài:
(i) Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau
Liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau, Điều 667 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó”. Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLDS 2005 và là một quy định hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài. Việc Toà án áp dụng pháp luật nước ngoài cần phải tuân thủ theo đúng cách thức, tinh thần giải thích, áp dụng những quy định pháp luật đó tại chính quốc gia nơi nó được ban hành. Toà án Việt Nam khi áp dụng pháp luật nước ngoài không được tuỳ tiện giải thích những quy định của pháp luật nước ngoài theo nguyên tắc pháp luật Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền không thể dùng tư duy pháp lý, cách thức giải thích, cách thức áp dụng của luật quốc gia mình để giải thích và áp dụng pháp luật nước ngoài. Đây là nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi ở các nước. Khi Toà án của mỗi nước áp dụng pháp luật nước ngoài mà áp dụng theo cách hiểu riêng của mình thì sẽ dẫn đến hệ quả là pháp luật nước ngoài không được áp dụng một cách thống nhất, không bảo đảm giá trị của pháp luật. Vì vậy nguyên tắc này ràng buộc Toà án của các nước dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, ở quốc gia nào thì việc áp dụng một hệ thống pháp luật nào đó phải luôn cho ra một kết quả giống như pháp luật đó được áp dụng tại quốc gia đã ban hành. Nhằm khẳng định nguyên tắc này, W. Goldschmidt, học giả người Đức đã nhận xét “Nếu đối với pháp luật quốc gia, thẩm phán tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật với tư cách là một kiến trúc sư, thì đối với pháp luật nước ngoài, thẩm phán chỉ là một nhiếp ảnh gia. Thẩm phán áp dụng pháp luật quốc gia và dập khuôn pháp luật nước ngoài.” [11]
(ii)Trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài có nhiều hệ thống pháp luật
Trong quá trình áp dụng pháp luật nước ngoài, Toà án có thể gặp tình trạng quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài nhưng tại quốc gia có hệ thống pháp luật nước ngoài đó tồn tại các hệ thống pháp luật khác nhau. Ví dụ, trong Nhà nước liên bang, bên cạnh pháp luật của liên bang, mỗi một bang đều có pháp luật của mình. Vì vậy đối với những Nhà nước liên bang, ví dụ như Hoa Kỳ, cần xác định quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật của liên bang hay pháp luật của tiểu bang? Về nguyên tắc, xung đột pháp luật được nghiên cứu trong Tư pháp quốc tế dưới góc độ chọn luật áp dụng giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia có chủ quyền. Do đó, cần tôn trọng các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật trong nội bộ của các quốc gia đối với các nhà nước liên bang và đối với các quốc gia cho phép tồn tại nhiều hơn một hệ thống pháp luật. Trong trường hợp này, việc xác định hệ thống pháp luật nào được áp dụng cần tuân theo nguyên tắc xác định pháp luật do chính quốc gia nước ngoài đó quy định. Vấn đề này được ghi nhận tại Điều 669 BLDS 2015 “Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định.” Đây là một quy định mới được đưa vào BLDS 2015 và là quy định phù hợp với Tư pháp quốc tế của nhiều nước [12].
Góc so sánh:
*Pháp luật Liên minh Châu Âu
Liên quan đến việc xác định nội dung pháp luật nước ngoài, Quy định Rome I đã đề cập tại Điều 22, cụ thể là trường hợp pháp luật nước ngoài được xác định để áp dụng điều chỉnh hợp đồng bao gồm nhiều hệ thống pháp luật của các khu vực lãnh thổ trong cùng Nhà nước đó. Trong trường hợp này, mỗi đơn vị lãnh thổ có những quy định pháp luật riêng thì pháp luật của lãnh thổ đó được xem là pháp luật của một quốc gia trong việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Với cách quy định này, Quy định đã để cho chính các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu được tự xác định nguyên tắc xác định pháp luật giữa các lãnh thổ nội bộ của họ. Theo đó, nếu tranh chấp liên quan đến hai hay nhiều hệ thống pháp luật của Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland thì việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật Vương quốc Anh (UK). [13]
Bên cạnh Quy định Rome I, một văn bản khác có vai trò vô cùng quan trọng quy định về vấn đề xác định nội dung pháp luật nước ngoài là Công ước Liên minh Châu Âu về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài. [14]
Bất kỳ một yêu cầu cung cấp thông tin nào cũng phải được khởi xướng từ một cơ quan có thẩm quyền mặc dù yêu cầu đó có thể không xuất phát từ nhu cầu của cơ quan này. Và yêu cầu này chỉ có thể được xác lập khi vụ việc có liên quan đã chính thức được tiếp nhận và trong quá trình giải quyết. [15] Điều này được hiểu là trong quá trình giải quyết tranh chấp, bất kỳ chủ thể nào có liên quan cũng có thể phát sinh nhu cầu được cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài nhưng tất cả những nhu cầu đó đều phải được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền (cơ quan tiếp nhận) và cơ quan này sẽ thực hiện những công đoạn tiếp theo, các chủ thể khác không có thẩm quyền sẽ không được tự gửi đi những yêu cầu như thế. Yêu cầu này sẽ được chuyển trực tiếp cho cơ quan tiếp nhận của quốc gia nước ngoài. Nội dung của yêu cầu này phải thể hiện rõ những điểm sau: (i) Chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin là ai cũng như tình tiết của vụ việc đang được giải quyết; (ii) Thể hiện ở mức chính xác nhất có thể những thông tin cần cung cấp liên quan đến pháp luật nước ngoài; (iii) Nếu quốc gia nước ngoài nhận được yêu cầu có nhiều hệ thống pháp luật thì cần chỉ rõ cần tìm hiểu thông tin của hệ thống pháp luật nào. [16]
Bên cạnh đó, Công ước cũng có những quy định khá rõ ràng cụ thể liên quan đến thời gian, ngôn ngữ và chi phí liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài. [17]
Với những quy định trên, Công ước đã xây dựng nên một cơ chế khá chặt chẽ và hiệu quả để giúp các quốc gia thành viên có thể tiến hành hoạt động cung cấp và tiếp nhận thông tin về pháp luật nước ngoài.
* Pháp luật Hoa Kỳ
Liên quan đến việc chứng minh, xác định pháp luật nước ngoài áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận tại Điều 44.1 Bộ luật tố tụng dân sự liên bang. [18] Theo đó, một bên tham gia quan hệ có yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài thì phải đưa ra thông báo bằng văn bản chính thức hoặc một hình thức khác tương tự như văn bản. Trong việc xác định pháp luật nước ngoài, Toà án có thể xem xét bất kỳ nguồn hay công cụ nào có liên quan, bao gồm bản lời khai – có hoặc không được đệ trình bởi các bên tham gia quan hệ hoặc được chấp nhận theo Luật chứng cứ liên bang. Và quyết định của Toà án sẽ có giá trị cuối cùng trong việc xác định pháp luật áp dụng. Với cách quy định của điều luật này, nếu không có thông báo chính thức của các bên yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài cho quan hệ của họ thì Toà án sẽ không bị ràng buộc nghĩa vụ phải làm điều này. [19]
Theo chỉ dẫn của Điều 44.1, Toà án được cung cấp một phạm vi rộng lớn trong việc xác định nội dung pháp luật nước ngoài, bằng nhiều cách thức khác nhau, thậm chí khi những bằng chứng có được khác với quy định của Luật về chứng cứ. Điều này nhằm đem đến cho cả Toà án và các chủ thể có liên quan cơ hội thực hiện những biện pháp tốt nhất để có thể chứng minh pháp luật áp dụng. Một phương pháp phổ biến trên thực tiễn được thực hiện bởi những nhân chứng chuyên môn. Ý kiến của những chuyên gia này có thể được trình bày thông qua bản tuyên bố, lời khai gián tiếp hoặc trực tiếp tại Toà án. Lời khai của các chuyên gia này không đòi hỏi phải chứng minh được pháp luật nước ngoài cần áp dụng, và Toà án hoàn toàn có thể từ chối tiếp nhận dù đó là những kết luận khó chối cãi và Toà án sẽ tự đưa ra quyết định của mình dựa trên những thu thập từ các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Tức là ý kiến của các chuyên gia chỉ mang tính chất tham khảo. Thêm vào đó, Toà án cũng có thể xem xét những bản sao của các nguồn luật nước ngoài, từ điển nước ngoài, sách chuyên khảo nước ngoài hoặc các công cụ pháp lý trực tuyến khác để có thể xác định nội dung pháp luật nước ngoài. [20]
2.Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam
Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật Việt Nam dưới góc độ so sánh với pháp luật một số nước, chúng tôi đưa ra một số định hướng sau đây nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện cho pháp luật Việt Nam được áp dụng trên thực tiễn.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực về cung cấp pháp luật nước ngoài
Giải pháp này được tác giả đề xuất dựa trên sự tham khảo và phân tích mô hình của các nước Liên minh Châu Âu thông qua Công ước Liên minh Châu Âu về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam vừa gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC). Mặc dù AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng Châu Âu, bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC, tuy nhiên AEC vẫn mở ra cơ hội cho các nước thành viên trong khu vực có thể thiết lập những thoả thuận hợp tác pháp lý, cụ thể là liên quan đến việc cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài.
Nói đến áp dụng pháp luật nước ngoài cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, trở ngại lớn nhất cho các cơ quan có thẩm quyền là việc tiếp cận và giải thích nội dung pháp luật nước ngoài. Rào cản về ngôn ngữ, về chính sách pháp luật, tư duy lập pháp… của các nước đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho các chủ thể áp dụng pháp luật. Đây là thực trạng không phải chỉ tồn tại trong Tư pháp quốc tế Việt Nam mà còn cả ở các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, nếu có thể xây dựng được một cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin pháp luật nước ngoài giữa các nước thành viên AEC sẽ là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục những khó khăn đang tồn tại đối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam có thể đề xuất với các nước thành viên AEC xây dựng một Hiệp định về vấn đề cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài, ghi nhận các nội dung cụ thể bao gồm: (i) Thiết lập hoặc chỉ định cơ quan có vai trò tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật đến từ các quốc gia nước ngoài và chuyển giao thông tin cần thiết cho các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nước ngoài; (ii) Quy trình, cách thức cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài; (iii) Thời hạn, chi phí của việc cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài… Đây là giải pháp mang tầm vĩ mô nhưng trong tương lai nếu thực hiện được sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các nước thành viên AEC.
Thứ hai, hoàn thiện yếu tố con người trong quá trình thực thi pháp luật
Đây là nhóm giải pháp mang tính bổ trợ, không trực tiếp liên quan đến các quy định của pháp luật tuy nhiên theo tác giả, nếu các giải pháp bổ trợ này được triển khai hiệu quả cũng sẽ giúp cho các quy định pháp luật liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài đi vào thực tiễn dễ dàng hơn.
(i) Cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong ngành Toà án, cụ thể là các thẩm phán. Như tác giả đã đề cập, thực trạng những quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế hầu như không được giải quyết theo đúng những nguyên tắc của Tư pháp quốc tế, xuất phát rất nhiều từ sự hạn chế năng lực của các thẩm phán.
(ii) Bộ Tư pháp phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hoặc các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các Hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, các học giả nước ngoài uy tín trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế để cập nhật những thông tin về pháp luật nước ngoài, thực tiễn xét xử của Toà án nước ngoài cho các luật gia, các luật sư, cũng như những đối tượng nghiên cứu pháp luật khác. Thực tiễn xét xử của Toà án các nước cho thấy, trong quá trình xác định nội dung pháp luật nước ngoài, Toà án có thể nhận sự hỗ trợ rất hiệu quả từ phía các chuyên gia nghiên cứu pháp luật. Do đó, việc đẩy mạnh công tác trang bị kiến thức pháp luật nước ngoài cho nhóm đối tượng này cũng là một giải pháp cần thiết.
(iii) Các cơ sở đào tạo pháp luật cần chú trọng đầu tư việc giảng dạy Tư pháp quốc tế cho người học ở mọi cấp độ. Mục tiêu này có thể được đẩy mạnh bằng cách cho người học tiếp cận với pháp luật nước ngoài thông qua phương pháp học bằng tình huống, vụ việc (case study). Những nguyên tắc nền tảng của Tư pháp quốc tế và những kiến thức về pháp luật nước ngoài được củng cố cho sinh viên luật ngay từ trong giảng đường sẽ giúp ích rất nhiều khi họ phải đối mặt với những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trên thực tế.
[2] Federal Act on Private International Law of 18 December 1987 as amended until 1st July 2014.
[3] Law of the People’s Republic of China on the laws applicable to foreign-related civil relations (adopted at the 17th session of the standing committee of the 11th National People’s Congress, 28 october 2010).
[4] Regulation (Ec) No 593/2008 of The European Parliament and of The Council of 17 June 2008 on the law applicable to contractual obligations (Rome I).
[5] Điều 21 Quy định Rome I; Điều 670 Bộ luật dân sự 2015.
[6] Điều 20 Quy định Rome I; Điều 668 Bộ luật dân sự 2015.
[7] Điểm a khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự 2015.
[8] Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học Những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, NXB Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, tr. 582-583.
[9] Khoản 2 Điều 670 Bộ luật dân sự 2015.
[10] Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, (2010), Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr. 172.
[11] Trường Đại học Luật TP.HCM (2014), Giáo trình Tư pháp quốc tế, Mai Hồng Quỳ, NXB Đại học quốc gia TP.HCM tr.159-160.
[12] Lê Thị Nam Giang, (2015), Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM ,tr. 191- 194.
[13] Guidance on the law applicable to contractual obligations (Rome I), http://webarchive.nationalarchives.gov.uk/ , truy cập ngày 15/12/2016.
[14] European Convention on Information on Foreign Law.
[15] Điều 3 Công ước Liên minh Châu Âu về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài.
[16] Điều 4 Công ước Liên minh Châu Âu về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài.
[17] Điều 12; 14; 15 Công ước Liên minh Châu Âu về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài.
[18] Federal Rules of Civil Procedure.
[19] Robert S. Thompson, Determining foreign law under Federal rule of civil procedure 44.1, http://www.hptylaw.com, truy cập ngày 15/12/2016.
[20] Matthew J. Wilson (2014), Demystifying The Determination Of Foreign Law In U.S. Courts: Opening The Door To A Greater Global Understanding, Akron Law Publications.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận