Giết người hay cố ý gây thương tích?
Thực tiễn xét xử còn nhiều lúng túng khi phân biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp gây hậu quả chết người, điều này là rất dễ hiểu bởi lẽ hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn một cách cụ thể về hai tội danh này. Vụ án sau đây là một ví dụ điển hình, rất mong quý bạn đọc cùng tham gia thảo luận.
Khoảng tháng 6/2015, Nguyễn Minh Phú và Nguyễn Quốc Đông không quen biết nhau nhưng xảy ra mâu thuẫn về việc Đông cho rằng Phú trêu chọc bạn gái của Đông. Sau đó giữa Phú và Đông thường xuyên nhắn tin chửi nhau qua điện thoại. Sự việc được Phú kể lại cho Nguyễn Hoàng Nam (là cháu của Phú) biết và nhờ Nam tìm người đánh dằn mặt Đông. Đến khoảng tháng 8/2015, Nam đã rủ người đánh Đông. Sau khi bị đánh, Đông tiếp tục nhắn tin, điện thoại cho Phú thách thức và hẹn nhau đến Tết sẽ đánh nhau tại xã Xuân Thạnh, Phú cho Nam biết việc hẹn đánh nhau nhưng Phú không biết mặt Đông nên Nam hứa sẽ tìm Đông chỉ cho Phú biết.
Khoảng 09 giờ ngày 09/02/2016, Nguyễn Minh Phú nói với Nguyễn Văn Hà “Khoảng 05 giờ đi xuống Xuân Thạnh với anh để đánh tay đôi với thằng Đông” thì Hà đồng ý, sau đó Phú điều khiển xe chở Hà đến quán cà phê Tiểu Thơ để uống nước, tại đây Hà điện thoại rủ Thái Văn Tô hẹn chiều cùng đi.
Khi đi, cả bọn gặp Lê Văn Hùng, Hà rủ Hùng đi luôn. Đến nơi thì thấy Đông đang ở trong tiệm game. Phú điều khiển xe chở Hà, Tô chở Hùng chạy đến đoạn đường lộ nông thôn thuộc ấp 6, xã Xuân Thạnh (đường về nhà Đông) chờ sẵn. Phú và Tô dẫn xe mô tô vào trong đám cây bạch đàn, Phú nói “tụi nó đông quá kiếm cây thủ sẵn đi” nói xong Phú nhổ ở dưới bờ ruộng lên 1 đoạn tre, Hà lượm một đoạn cây gỗ vuông, Hùng nhổ 01 đoạn tre và Tô nhổ một đoạn tre ở mé ruộng, tất cả cầm trên tay. Lúc này Hà kêu Phú và Tô đi vào hướng nhà của Đông cách chỗ đậu xe khoảng 20m đứng đợi còn Hà và Hùng đứng ở chỗ đậu xe.
Đông thấy nghi ngại bị đánh nên kêu Nguyễn Anh Tí điều khiển xe mô tô đi trước, đến Nguyễn Toàn Chung chạy xe đạp chở phía sau là Nguyễn Hải Dung, còn Đông dẫn xe đạp đi cùng với Phạm Thanh Thi. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày Tí chạy xe qua khỏi chỗ Phú và Tô đứng khoảng 10m rồi quay đầu xe lại, đèn xe chiếu về hướng Phú và Tô. Phú thấy có chiếc xe đạp chạy lại gần đến chỗ Hà và Hùng, Phú cầm cây đi lại chỗ Tí thì Tí kêu “lẹ lên tụi bây ơi”, ngay lúc này Chung chạy xe đạp chở Dung đi tới chỗ Hà. Hà và Hùng nghĩ Đông kêu đồng bọn lại đánh Phú, nên Hà đi ra dùng tay phải cầm 01 đoạn cây gỗ vuông đã chuẩn bị sẵn đánh 01 cái trúng vào vành tai của Dung làm cây gãy thành 02 đoạn, Dung bỏ chạy ra ruộng còn xe đạp ngã đè lên người Chung, Hà bỏ đoạn gỗ ngắn đi dùng tay nhặt đoạn cây gỗ dài cầm trên tay phải, thấy vậy Hùng cũng cầm 01 đoạn cây tre trên tay đã chuẩn bị sẵn đánh trúng vào người của Chung 02 cái, Hà tiếp tục cầm đoạn gỗ bằng tay phải đánh từ trên xuống 02 cái trúng vào người, đầu của Chung, Chung la lên đánh nhầm rồi và ôm đầu bỏ chạy xuống ruộng. Phú và Tô chạy đến đánh trúng vào lưng của Tí 01 cái làm đoạn tre gãy, Tí bỏ chạy xuống ruộng lúa, còn Tô thì cầm cây chạy lại chỗ Hà và Hùng, khi đó thì Chung đã chạy xuống ruộng. Cả bọn quay lại lấy xe đi về nhà nằm ngủ. Đến khoảng 02 giờ ngày 10/02/2016, gia đình của Chung phát hiện Chung kêu la, bị co giật và ói nhưng đưa đến Trạm Y tế xã Xuân Thạnh thì Chung đã tử vong.
Tại Kết luận giám định pháp y về tử thi số 35/TT ngày 03/3/2016 của Trung tâm pháp y Sở Y tế kết luận nguyên nhân tử vong đối với Nguyễn Toàn Chung do xuất huyết não lan tỏa lượng nhiều. Chấn thương sọ não do ngoại lực tác động. Với hành vi và hậu quả gây ra, Viện kiểm sát đã truy tố đối với các bị cáo là cáo Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Minh Phú, Lê Văn Hùng và Thái Văn Tô. .
Vụ án này có hai quan điểm định tội khác nhau:
Thứ nhất, Các bị cáo Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Minh Phú, Lê Văn Hùng và Thái Văn Tô phạm tội giết người. Vì mặc dù các bị cáo không trực tiếp mâu thuẫn với Chung nhưng vào thời điểm đánh nhau là vào đêm tối, các bị cáo không thể xác định được đánh vào vị trí nào. Nhưng vào đêm tối thì các bị cáo phải biết rõ là hành vi của các bị cáo có thể đánh trúng vào đầu và có thể dẫn đến chết người. Thực tế, các bị cáo đã dùng cây đập vào đầu của Chung dẫn đến Ch bị chấn thương sọ não và chết nên ý thức của các bị cáo là bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả tới đâu phải xử lý tới đó, người bị hại chết thì phải xét xử các bị cáo về tội giết người.
Thứ hai, các bị cáo phạm tội cố ý thương tích. Vì vụ án này, ngay từ đầu các bị cáo chỉ muốn tìm gặp Đông để đánh nhau chứ không nhằm mục đích tước đoạt sinh mạng của Nguyễn Toàn Chung. Quá trình đánh nhau, các bị cáo có hành vi dùng cây đánh trúng vào đầu người bị hại, sau đó người bị hại mới về sinh hoạt bình thường mà không đi cấp cứu, đến khoảng 2 giờ sáng gia đình mới phát hiện bị hại có biểu hiện bất thường mới đưa Chung đi cấp cứu và Chung tử vong. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến tử vong của Chung là do không đi cấp cứu kịp thời. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 đối với tội cố ý gây thương tích là “Trong trường hợp gây thương tích có tính nguy hiểm cao (như: đánh, chém làm lún xương sọ não, đâm thủng ruột…) nhưng nạn nhân được cứu chữa kịp thời nên không chết, không bị tổn hại nặng đến sức khỏe, hoặc không bị cố tật, thì vẫn bị xử lý theo Điều 109 khoản 2[1]. Đặc biệt là trường hợp hành vi đó có tính chất côn đồ, hung hãn thì cần trừng trị nghiêm khắc” và hướng dẫn tại Nghị quyết 01- HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 “Thương tích gây nguy hiểm cho tính mạng: Đây là các loại thương tích đe dọa làm nạn nhân bị thiệt mạng ngay khi gây thương tích hoặc nếu không được cứu chữa kịp thời thì thông thường là nạn nhân phải bị thiệt mạng. Nếu do được cứu chữa kịp thời mà nạn nhân không bị thiệt mạng, thậm chí không bị tổn hai nặng đáng kể đến sức khỏe, thì thương tích vẫn được coi là nguy hiểm cho tính mạng vào lúc mới gây thương tích”. Như vậy, theo hướng dẫn này thì thương tích của Chung là thương tích nặng và do không cứu chữa kịp thời nên dẫn đến tử vong nên phải xét xử bị cáo về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ. Việc cho rằng, đánh vào bộ phận trọng yếu trên cơ thể người dẫn đến chết người là phải xử tội giết người là chưa có văn bản nào quy định nên không có cơ sở để xử lý.
Với hai quan điểm trên, rất mong nhận được ý kiến thảo luận của quý bạn đọc./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận