Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án đồng phạm – Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS về đồng phạm thì “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Tuy nhiên, thế nào là “hành vi vượt quá” không dễ để xác định.

BLHS năm 2015 quy định về “Hành vi vượt quá” của người thực hành nhưng chưa đưa ra khái niệm hoặc cách thức xác định “Hành vi vượt quá” của người thực hành hoặc ranh giới phân định “Hành vi vượt quá” hay “không là hành vi vượt quá” của người thực hành để từ đó xác định trách nhiệm hình sự cho hành vi vượt quá đó. Bởi vì, thực tiễn xét xử cho thấy để xác định hành vi của người thực hành đã thực hiện trong vụ án đồng phạm có phải là hành vi vượt quá hay không gặp rất nhiều khó khăn và tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, để xác định hành vi thực hiện là vượt quá hay không vượt quá thì phải xác định được các đồng phạm khác có cùng cố ý hoặc cùng mong muốn thực hiện hành vi đó hay không. Điều này có nghĩa rằng, ranh giới để phân biệt hành vi vượt quá hay hành vi không vượt quá phụ thuộc vào việc làm rõ nhận thức và mong muốn bên trong của người đồng phạm, tức là phụ thuộc và việc xác định lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi được thực hiện. Nếu lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi đó là “cùng cố ý” thực hiện hành vi thì hành vi này được xem là hành vi vượt quá và ngược lại, nếu lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi đó là “không cùng cố ý” thực hiện hành vi thì hành vi này không được xem là hành vi vượt quá của người đồng phạm.

Quan điểm thứ hai cho rằng, không phụ thuộc vào các đồng phạm có cùng cố ý hoặc cùng mong muốn thực hiện hay không mà phụ thuộc vào tính liên kết giữa hành vi vượt quá đó với tội phạm đồng phạm.

Mặc dù BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của hành vi vượt quá trong vụ án đồng phạm nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là “Hành vi vượt quá” điều này dẫn đến nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng.

Điều này thể hiện qua một số ví dụ sau đây:

 Ví dụ 1: Trong vụ án Lê Trọng T và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”“Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi thi hành công vụ”. Bị cáo Trịnh Anh T là cán bộ Ban quản lý giao thông 2 thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh TH, khi thực hiện công việc đền bù giải phóng mặt bằng của tỉnh, T gợi ý việc dựng nhà tại xã MC, huyện ML, tỉnh TH để làm hồ sơ đền bù thì Lê Trọng H đã bàn bạc với Vi Văn Th đi lên xã MC mượn đất làm nhà và dựng 04 căn nhà. Trong quá trình kê khai hồ sơ đền bù Trịnh Anh T ghi thêm vào trong hồ sơ diện tích đất và một số công trình phụ trợ nội dung này không có sự bàn bạc với Lê Trọng H và Vi Văn Th. Sau đó Trịnh Anh T cho người lên nhận tiền đền bù được 400.000.000 đồng và tiền phát sinh ngoài 04 căn nhà mà cả ba thỏa thuận còn nhận được thêm 130.000.000 đồng. Sau đó Trịnh Anh T chia số tiền 400.000.000 đồng cho ba người và lấy toàn bộ số tiền 130.000.000 đồng.

 Ví dụ 2: Nguyễn Văn A và Trần Văn B cùng bàn bạc với nhau để cướp tài sản. Cả hai thống nhất dùng xe máy để thực hiện trong đó Nguyễn Văn A chở Trần Văn B khi đang đi trên đường thì Trần Văn B giật điện thoại của anh Đinh Quang L chạy khoảng 300m thì anh L đuổi kịp nhưng bị Trần Văn B đã dùng dao chém anh L làm tổn thương cơ thể 49%, sau đó cả hai tẩu thoát.

Hai ví dụ nêu trên là điển hình cho việc xác định hành vi vượt quá trong vụ án đồng phạm, từ hai ví dụ nêu trên có thể xác định hành vi vượt quá tồn tại dưới hai dạng:

 Dạng thứ nhất: Hành vi vượt quá của người thực hành trong đồng phạm đó nó gắn chặt với tội phạm, tức là nếu không có hành vi vượt quá đó thì mục đich của tội phạm khó thực hiện, hành vi vượt quá đó có mục đích là hỗ trợ cho tội phạm đồng phạm. Đối với trường hợp này những người đồng phạm chịu trách nhiệm toàn bộ về tội phạm. Điển hình là ví dụ 2, trong trường hợp này nếu Trần Văn B không dùng dao chém anh L thì sẽ bị bắt lại nghĩa là mục đích khi chém anh L của B là để tẩu thoát sau khi cướp tài sản hành vi gây thương tích đó phục vụ cho mục đích ban đầu nên cả hai phải chịu trách nhiệm cho về hành vi vượt quá.

 Dạng thứ hai: Hành vi vượt quá của người thực hành đó xuất phát từ nhận thức của người thực hành nó không liên quan đến tội phạm đồng phạm nghĩa là hành vi vượt quá đó không có mục đích là hỗ trợ cho tội phạm đồng phạm mà hỗ trợ cho mục đích của chính người thực hiện hành vi vượt quá đó. Trong ví dụ 1 nhận thấy khi Trịnh Anh T ghi thêm diện tích và các công trình phụ trợ là hành vi vượt quá nó xuất phát từ ý thức mong muốn của bản thân bị cáo, hành vi này nó không hỗ trợ cho tội phạm đồng phạm vì vậy Trịnh Anh T phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá đó. Trường hợp này người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá.

Từ những sự phân tích nêu trên có thể nhận thấy quy định “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” quy định tại khoản 4 Điều 17 của BLHS là chưa phù hợp, vì có những hành vi vượt quá nhưng nó có mục đích là hỗ trợ cho tội phạm đồng phạm mà thiếu hành vi vượt quá đó thì tội phạm hoàn thành nhưng gặp khó khăn hoặc không hoàn thành, điều này hoàn toàn phù hợp với khái niệm về đồng phạm “Đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Vì vậy kiến nghị cần sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS như sau “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Trừ trường hợp được luật quy định”.

 

TAND tỉnh Thanh Hóa  xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích“; “Giữ người trái pháp luật“; ”Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự – Ảnh: Ngọc Anh/ BBVPL

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự khu vực quân khu 4 )