Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm nhằm xây dựng một Luật thống nhất, quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong hoạt động kinh tế, xã hội, dân sự, thương mại, tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Sự cần thiết ban hành luật
Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006. Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, Luật GDĐT năm 2005 là Luật khung, được ban hành sớm, sau khi có Luật mẫu của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Nội dung cơ bản bám theo Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên còn mang tính khung và mang tính nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống, pháp luật và văn hoá khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Thứ hai, do là Luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (chữ ký số), Ngân hàng (thanh toán điện tử), Tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và Thương mại điện tử. Với nhiều lĩnh vực khác, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể của Luật GDĐT 2005. Hơn nữa, Luật GDĐT 2005 còn loại trừ không áp dụng cho khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội.
Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.
Thứ tư, việc sửa đổi Luật GDĐT (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp 3 thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật GDĐT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật GDĐT 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử:
Tự nguyện, tự thỏa thuận về việc lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch; Bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.; Các kết quả của giao dịch điện tử được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu về mức độ tin cậy theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản; Không yêu cầu tổ chức, cá nhân khai, nộp lại những dữ liệu mà cơ quan nhà nước đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ; Tối đa hóa quy trình trong giao dịch điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân. Thực hiện giao dịch điện tử không làm tăng phí, lệ phí ngoài quy định của pháp luật;Tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ trong giao dịch điện tử.
Giá trị pháp lý và công nhận hợp pháp của chứng thư điện tử
Chứng thư điện tử sẽ không bị từ chối giá trị pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng sử dụng, thực thi chỉ vì nó ở dạng điện tử.;Trong trường hợp pháp luật quy định thông tin phải ở dạng văn bản, thì yêu cầu đó được đáp ứng đối với chứng thư điện tử nếu thông tin trong đó có thể truy cập được để có thể sử dụng cho việc làm sở cứ sau này. Trong trường hợp pháp luật quy định hoặc yêu cầu về chữ ký của cá nhân, tổ chức, thì chứng thư điện tử đáp ứng yêu cầu đó nếu được ký bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp hoặc một phương pháp chứng thực tin cậy được sử dụng để xác định cá nhân, tổ chức ký và xác nhận sự chấp thuận của cá nhân, tổ chức đó đối với thông tin có trong chứng thư điện tử. Chứng thư điện tử sẽ không bị từ chối giá trị pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ vì nó được phát hành ở nước ngoài. Việc công nhận, thừa nhận chứng thư điện tử phát hành bởi cơ quan, tổ chức nước ngoài theo quy định pháp luật chuyên ngành đối với loại chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ hoặc được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo pháp luật chứng thực, công nhận.
Trường hợp luật chuyên ngành có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng khác với Luật giao dịch điện tử về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật giao dịch điện tử.
Bài liên quan
-
OCB tăng cường hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân hết hạn
-
Huyện Phú Vang: Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người dân là mục tiêu cao nhất cho công tác giảm nghèo
-
Người có công được hỗ trợ 30-60 triệu đồng cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở
Nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công -
Sản phẩm Smart A hỗ trợ sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận