Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
Thực tiễn trong công tác thi hành án hình sự đã phát sinh một số vấn đề bất cập, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
1. Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự
Qua 04 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự (THAHS) từng bước đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của người chấp hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật THAHS năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật THAHS năm 2019, phù hợp với điều kiện, tình hình mới, cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác THAHS
Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác THAHS trong Luật THAHS năm 2019 còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến quyền, chế độ của người chấp hành án và thân nhân; đồng thời, còn chưa đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, như: chưa có quy định về thẩm quyền trong thực hiện điều chuyển người đang chấp hành án phạt tù giữa các cơ sở giam giữ, thẩm quyền của trại tạm giam trong trích xuất người đang chấp hành án phạt tù đang giam giữ tại trại tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh, trích xuất đối với người đang chấp hành án phạt tù có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, trại tạm giam đi tiêm chủng; Chưa có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong phối hợp với cơ quan thực hiện thủ tục khai tử để thực hiện khai tử đối với người đang chấp hành án phạt tù chết và gửi trích lục khai tử cho cơ quan thực hiện thủ tục khai tử;...
Hai là, hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án
Quy định của Luật THAHS năm 2019 về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, một số quy định đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; chưa có quy định về việc tổ chức lao động cho người đang chấp hành án phạt tù ngoài trại giam (đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...); Luật chưa có quy định về thu thập thông tin về sinh trắc học của người chấp hành án trong trường hợp chưa có thông tin để phục vụ công tác quản lý THAHS và phòng, chống tội phạm; chưa có quy định về quyền của người đang chấp hành án phạt tù được hiến mô, bộ phận cơ thể...
Từ những bất cập này, việc sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2019 là cần thiết và khách quan.
2. Một số điểm mới của dự thảo lần 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
Luật cơ bản được giữ nguyên so với Luật THAHS năm 2019, trong đó, dự kiến sửa đổi 53 trên 207 điều của Luật THAHS năm 2019, bổ sung 12 điều; những quy định được sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hiện nay và đáp ứng yêu cầu công tác THAHS trong thời gian tới. Một số điểm mới của dự thảo lần 2 tập trung vào những vấn đề sau:
Một là, Luật bổ sung thêm một số khái niệm như: Thân nhân của người chấp hành án, hoãn chấp hành án phạt tù, thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 3 Luật hiện hành).
Hai là, sửa đổi, bổ sung làm rõ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THAHS thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong thu thập thông tin sinh trắc học của người chấp hành án trong trường hợp chưa có thông tin, quyết định trích xuất phạm nhân (Điều 12, 13, 15, 17, 18, 19 Luật hiện hành).
Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã tại Điều 19 Luật hiện hành trong trường hợp người chấp hành án chết; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 25a, Điều 37a)
Bốn là, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù, nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 25b, Điều 37b).
Năm là, bổ sung quy định phạm nhân được hiến mô, bộ phận cơ thể; được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người (Điều 27 Luật hiện hành, Điều 55a).
Sáu là, sửa đổi, bổ sung quy định về trích xuất phạm nhân; về khen thưởng phạm nhân; về xử lý phạm nhân vi phạm; về trả tự do cho phạm nhân; về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân; về chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niệm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân; chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân; về thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; về chế độ liên lạc của phạm nhân; về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân (Điều 40, 41, 43, 46, 50, 52, 53, 54, 55 của Luật hiện hành).
Bảy là, bổ sung quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú (Điều 68a, Điều 92a, Điều 100a, Điều 115a).
Tám là, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thành phần hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thành phần hồ sơ miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thẩm quyền quyết định việc giám sát đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ vi phạm lần đầu nghĩa vụ (điều 102, 103, 104, 105 của Luật hiện hành).
3. Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị góp phần hoàn thiện Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
Thứ nhất, khái niệm nhân thân của người chấp hành án hình sự chưa bảo đảm tính phù hợp với các khái niệm có liên quan trong những luật khác
Dự thảo đã bổ sung khái niệm thân nhân của người chấp hành án hình sự tại khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3 như sau: “2a) Thân nhân của người chấp hành án hình sự bao gồm cụ nội, cụ ngoại, ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột, dâu, rể; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột”.
Khái niệm này không đồng nhất với khái niệm “người thân thích” quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và khái niệm “thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” quy định trong khoản 9 Điều 2 của dự thảo lần 2 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú: “thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của họ”. Có thể thấy, khái niệm nhân thân trong dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định rõ ràng hơn và cũng gần tương đồng với khái niệm người thân thích quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Luật THAHS hiện hành quy định: Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành. Theo khoản 2 dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam: “người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”. Do vậy, nếu khái niệm thân nhân trong Luật THAHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam không thống nhất thì có thể gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật, chẳng hạn như đối với trường hợp người bị kết án phạt tù hoặc người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án mà đang bị tạm giam có thân nhân thăm gặp thì sẽ áp dụng theo quy định của luật nào?
Từ những phân tích trên, cần sửa khái niệm thân nhân của người chấp hành án hình sự tại điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo theo hướng tương thích với các luật khác, cụ thể như sau: “thân nhân của người chấp hành án hình sự bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của họ”.
Thứ hai, cần sử dụng thống nhất thuật ngữ trong các điều luật bảo đảm tính logic và chính xác về mặt pháp lý
- Cần sử dụng thống nhất thuật ngữ “phạm nhân” thay vì thuật ngữ “người đang chấp hành án phạt tù” để bảo đảm phù hợp với các điều luật khác của Luật THAHS hiện hành. Đồng thời, khoản 2 Điều 3 Luật THAHS hiện hành đã quy định rõ: “Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân”. Người đang chấp hành án phạt tù là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, nghĩa là người đang chấp hành án phạt tù là phạm nhân.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 25b theo hướng thay từ “pháp luật” bằng cụm từ “nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù” để bảo đảm bao quát được hết các nội dung cam kết, cụ thể: “1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết bằng văn bản về việc chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành án phạt tù”.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 37b theo hướng thay từ “pháp luật” bằng cụm từ “nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù” để bảo đảm bao quát được hết các nội dung cam kết, cụ thể: “1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết bằng văn bản về việc chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù”.
- Sửa đổi điểm a1 khoản 1 Điều 27, Điều 55a dự thảo theo hướng bỏ từ “một phần” trong cụm từ “một phần bộ phận cơ thể” trong tên và nội dung điều luật. Vì theo khoản 2 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, lấy xác năm 2006: “Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định”. Do vậy, cần sửa thành: “a1. Được hiến mô, bộ phận cơ thể người; được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người”. Sửa tên Điều 55a thành: “Điều 55a. Giải quyết trường hợp người đang chấp hành án phạt tù có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người”.
Thứ ba, một số quy định trong Dự thảo diễn đạt chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính logic
- Sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 17 dự thảo theo hướng bổ sung thêm cụm từ “trại tạm giam” và diễn đạt lại rõ ràng, logic hơn: “...theo mẹ vào trại giam, trại tạm giam phải đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, tiêm chủng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiêm chủng ngoài trại giam, trại tạm giam; đi trưng cầu giám định sức khỏe lao động; trưng cầu giám định thương tích”.
- Điểm a khoản 4 Điều 17 dự thảo quy định: “a) Trại giam có phân trại, khu giam giữ, nhà giam; công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; khu lao động, dạy nghề do trại giam quản lý; công trình phục vụ làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công tác tại trại giam”. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự đã quy định trại giam bao gồm phân trại giam và khu lao động, dạy nghề, trong đó phân trại bao gồm khu giam giữ, nhà giam, các công trình phục vụ. Khu lao động, dạy nghề bao gồm: Nhà giam giữ phạm nhân, công trình phục vụ học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; giáo dục, lao động, dạy nghề cho phạm nhân; Công trình phục vụ làm việc, học tập, sinh hoạt và các điều kiện khác cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân Công an, công nhân viên quốc phòng công tác tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề.
Do vậy, cần sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 17 dự thảo bảo đảm tính logic và ngắn gọn: “a. Trại giam có phân trại giam và khu lao động, dạy nghề”.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 23 dự thảo theo hướng diễn đạt logic, bảo đảm tính đồng nhất về cách diễn đạt với khoản 2 Điều 23 dự thảo, cụ thể: “1. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại giam thuộc Công an cấp Tỉnh, nhà tạm giữ cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp Huyện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp Huyện nơi người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án...”
- Sửa đổi khoản 4 Điều 37 dự thảo theo hướng rõ ràng hơn, đặc biệt là nêu rõ địa điểm triệu tập, giống như quy định tại khoản 2 Điều 25 dự thảo, vì nội dung của điều luật có yêu cầu người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải có mặt theo giấy triệu tập, tuy nhiên điều luật lại không quy định địa điểm triệu tập ở đâu. Theo đó, cần sửa đoạn 1 khoản 4 Điều 37 dự thảo như sau: “Trong thời hạn 03 ngày...lập hồ sơ thi hành quyết định tạm đình chỉ và triệu tập người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quân đội đang quản lý người đó để làm thủ tục thông báo và cam kết chấp hành nghĩa vụ. Người được tạm đình chỉ...”.
Thứ tư, chỉnh sửa tên điều luật bảo đảm bao quát được hết các nội dung quy định trong điều luật
Hiện nay, tên Điều 51 Luật hiện hành là “Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi” không bao quát được hết nội dung của điều luật này, bởi vì ngoài quy định về chế độ với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, điều luật còn quy định về chế độ đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ. Hơn nữa, ngoài trại giam thì phạm nhân còn được giam giữ ở những nơi khác. Do vậy, cần sửa tên Điều 51 Luật THAHS hiện hành thành: “Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân”. Việc sửa đổi này cũng phù hợp với Điều 10 Nghị định số 118/2024/NĐ-CP.
Thứ năm, chỉnh sửa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 dự thảo bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 52 dự thảo
Điểm c khoản 1 Điều 41 dự thảo quy định về các hình thức khen thưởng đối với người đang chấp hành án phạt tù chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ người đang chấp hành án phạt tù, có thành tích trong lao động, học tập hoặc lập công bao gồm: Biểu dương; Thưởng tiền hoặc hiện vật; Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân. Các hình thức khen thưởng này so với quy định tại khoản 1 Điều 52 dự thảo là chưa đầy đủ. Vì Điều 52 dự thảo quy định: Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của người đang chấp hành án phạt tù, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan THAHS Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Người đang chấp hành án phạt tù được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
Do vậy, cần bổ sung hình thức khen thưởng “tăng thời gian mỗi lần gặp thân nhân” vào điểm c khoản 1 Điều 41 dự thảo để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 52 dự thảo về hình thức khen thưởng kéo dài thời gian gặp thân nhân. Do vậy, cần sửa điểm c khoản 1 Điều 41 dự thảo: “1.c. Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại bằng điện thoại, tăng thời gian mỗi lần gặp và số lần gặp thân nhân”.
Kết luận
Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS đã tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hơn so với dự thảo lần 1. Tuy nhiên, từ những phân tích trên cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo để tiếp tục hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn THAHS.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công an (2024), Dự thảo hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự.
2. Bộ Công an (2024), Dự thảo hồ sơ Dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
3. Hà Viết Toàn (2024), Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019 - Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, https://tapchitoaan.vn/thuc-tien-thi-hanh-luat-thi-hanh-an-hinh-su-nam-2019-vuong-mac-va-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat11555.html, truy cập ngày 19/11/2024.
4. Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
5. Quốc hội (2019), Luật Thi hành án hình sự.
6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận