Hội nghị Tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử trong Tòa án nhân dân
Sáng 12/4, TANDTC khai mạc Hội nghị toàn quốc Tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử trong TAND. Ông Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị. Hội nghị dự kiến diễn ra trong hai ngày 12/13/4.
Tham dự tại điểm cầu trung tâm tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có các lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC, lãnh đạo Vụ Công tác phía Nam; Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Chánh án TANDCC tại Hà Nội; lãnh đạo TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; Chánh án TAQS cấp Quân khu; Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2022, hệ thống Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động của hệ thống Tòa án cũng bị ảnh hưởng, mặc dù các Tòa án đã có cố gắng, nỗ lực xong công tác chuyên môn của các Tòa án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần thiết phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để kịp thời chấn chỉnh nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
Trên tinh thần đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại, đặc biệt là tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, sáng kiến để khắc phục khó khăn, vướng mắc từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; phát huy trí tuệ tập thể, tập hợp những ý tưởng, sáng kiến từ thực tiễn, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp lớn trong Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình công tác; tổng hợp những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác xét xử và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo đó, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc: Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 28/02/2022, các Tòa án đã thụ lý 287.067 vụ việc, đã giải quyết được 139.998 vụ việc (đạt tỷ lệ 48,77%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý giảm 26.788 vụ; đã giải quyết giảm 23.125 vụ; tỷ lệ giải quyết giảm 3,2%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật.
Về đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. TANDTC đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch.
Công tác quy hoạch bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm nhằm bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Tòa án. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm được thực hiện theo đúng quy định. Thường xuyên thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong nâng bậc lương, nâng lương trước thời hạn, nghỉ chế độ hưu trí, thai sản…
Về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luôn được đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo hướng tăng cường tập huấn trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn xét xử thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, Thư ký, Thẩm tra viên được tổ chức quản lý đào tạo theo phương châm học tập, ăn ở tập trung tại Học viện Tòa án để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đã tổ chức thi tốt nghiệp các lớp đào tạo Thư ký Tòa án khóa 28; lớp đào tạo Thẩm tra viên chính với kết quả 100% học viên được công nhận tốt nghiệp.
Về công tác hợp tác quốc tế đã tích cực tham dự các hội nghị quốc tế, các khóa đào tạo do nước ngoài tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhằm tham khảo kinh nghiệm nước ngoài như: Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 9; Diễn đàn quốc tế về hợp tác tư pháp; Hội đàm giữa Chánh án TANDTC Việt Nam với Chánh án TANDTC Trung Quốc; khóa đào tạo về biến đổi khí hậu; Chính phủ điện tử…
Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi có công việc liên quan tới Tòa án.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của các TAND cũng tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót như: Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án nhìn chung có giảm nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực cụ thể còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; Cơ cấu đội ngũ công chức TAND các cấp còn thiếu các chức danh tư pháp là Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ.
Nguyên nhân được xác định là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng, nhiều cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án bị nhiễm Covid-19 nên đã ảnh hưởng nhất định tới việc bố trí, sắp xếp, phân công công việc cũng như tiến độ, chất lượng giải quyết công việc. Số lượng các loại vụ việc Tòa án phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, trong khi số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chế độ chính sách, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các Tòa án còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác các Tòa án cần thực hiện tốt một số giải pháp như: Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh. Kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám đốc việc xét xử;
Nâng cao chất lượng công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; tăng cường trao đổi nghiệp vụ; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng; Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với hoạt động của Tòa án, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về hoạt động của các Tòa án.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án từ nay đến cuối năm 2022 được xác định là:
-Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; củng cố, kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chức danh tư pháp của Tòa án
-Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Nghiên cứu đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước.
-Hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước, các đối tác nước ngoài nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.
-Đẩy mạnh việc ứng dụng có hiệu quả việc triển khai ứng dụng các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống TAND và đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng vào hoạt động của Tòa án. Hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Triển khai dự án xây dựng nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho Tòa án các cấp;
-Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của TAND, tuyên truyền công khai, minh bạch, hiệu quả, nhất là thông tin, truyền thông về các nội dung trong định hướng cải cách tư pháp trong TAND, đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả….
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến trình bày báo cáo tại Hội nghị
Về xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, TANDTC đã xây dựng trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo “Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch và công bố 09 án lệ.
Phó Chánh án thường trực Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại Hội nghị
Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức theo hướng tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến và tự đào tạo từ thực tiễn xét xử thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; tính đến nay, đã công bố được hơn 841.000 bản án, quyết định với tổng số hơn 124 triệu lượt truy cập.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý kinh phí đầu tư và xây dựng cơ bản
Việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được các Tòa án quan tâm thực hiện nghiêm túc, khẩn trương. TANDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Tọa đàm tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đóng góp ý kiến đối với dự thảo Đề án này.
Các Tòa án đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tính đến hết tháng 03/2022, có 02 Tòa án nhân dân cấp cao; 12 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 29 TAND cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 80 vụ án.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo TANDTC quán triệt nội dung Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Nghị quyết của HĐTP TANDTC về án treo; Quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý kinh phí đầu tư và xây dựng cơ bản…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TANDTC
Đại biểu tại các điểm cầu tham luận, thảo luận về các nội dung: Định hướng cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; Triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến; Các mặt công tác khác của các Tòa án.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc - Ảnh: Nguyên Anh
Bài liên quan
-
Năm 2024 hệ thống Tòa án đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm
-
TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị tổng kết, triển khai công tác năm 2025
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận