Hợp đồng trao đổi tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015 - Một số lưu ý và kiến nghị hoàn thiện
Trong bài viết, tác giả trên cơ sở phân tích quy định của BLDS 2015 về hợp đồng trao đổi tài sản, từ đó chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng loại hợp đồng này trong thực tiễn và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Hợp đồng trao đổi tài sản là một trong những loại hợp đồng thông dụng và được sử dụng khá phổ biến trong đời sống dân sự hiện nay. Hợp đồng trao đổi tài sản được ghi nhận từ khá sớm trong hệ thống pháp luật dân sự nước ta, trải qua các lần pháp điển hóa, quy định này dần được bổ sung, hoàn thiện. Hiện nay, quy định về hợp đồng trao đổi tài sản được ghi nhận tại Mục 2 Chương XVI BLDS 2015. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định này thì thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để việc áp dụng trong thực tế được hiệu quả và thống nhất.
Đặt vấn đề
Trong đời sống dân sự, nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các cá nhân, tổ chức là nhu cầu tự nhiên, khi mà các bên đều có hàng hóa mà đối phương cần thì sẽ phát sinh nhu cầu lấy hàng đổi hàng. Do vậy, pháp luật dân sự nước ta ghi nhận về hợp đồng trao đổi tài sản từ khá sớm. Trong BLDS 1995 được ghi nhận tại Điều 459; trong BLDS 2005 được ghi nhận tại Điều 463 và trong BLDS 2015 được ghi nhận tại Điều 455 và Điều 456.
Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung, quy định về hợp đồng trao đổi tài sản trong BLDS 2015 được đánh giá là có nhiều tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung hai điều luật này và các điều luật có liên quan về hợp đồng trao đổi tài sản trong BLDS 2015 cho thấy cần làm rõ một số vấn đề để việc áp dụng được hiệu quả và thống nhất. Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả phân tích quy định của BLDS 2015 về hợp đồng trao đổi tài sản, chỉ ra một số lưu ý khi áp dụng quy định này và từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chế định này trong thời gian sắp tới.
1. Quy định về hợp đồng trao đổi tài sản trong BLDS 2015
Hợp đồng trao đổi tài sản được quy định tại mục 2 Chương XIV BLDS 2015 gồm 02 điều là Điều 455 và Điều 456; ngoài ra, quy định về hợp đồng trao đổi tài sản cũng được điều chỉnh bởi một số quy định khác có liên quan trong BLDS 2015.
Điều 455 BLDS 2015 quy định:
“1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.
2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.
3. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”.
Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, các bên thống nhất việc dùng tài sản của mình để trao đổi với tài sản của người khác, đồng nghĩa với việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho nhau.
Thực tiễn cho thấy, ngoài hợp đồng mua bán tài sản hằng ngày mà chúng ta thường gặp, thì hợp đồng trao đổi tài sản cũng khá bổ phiến hiện nay bởi những ưu điểm nhất định của nó, một trong những ưu điểm đó là các bên dùng trực tiếp tài sản mình có để đổi lấy tài sản của người khác mà mình cần mà không cần dùng tiền để trao đổi, mua bán.
Điều 456 BLDS 2015 quy định về thanh toán giá trị chênh lệnh khi trao đổi tài sản, theo đó, trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Hợp đồng trao đổi tài sản được coi là hợp đồng song vụ và mỗi bên được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Do đó, BLDS 2015 quy định, ngoài áp dụng theo quy định tại Điều 455 và Điều 456 thì hợp đồng trao đổi tài sản còn áp dụng quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454. Như vậy, hợp đồng trao đổi tài sản cũng là một dạng của hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng trao đổi tài sản là một dạng hợp đồng độc lập chứ không đồng nhất hoàn toàn với hợp đồng mua bán hàng hóa. Để có nhận thức chính xác, từ đó nắm được bản chất của hợp đồng trao đổi hàng hóa thì cần lưu ý một số điểm.
2. Một số điểm cần lưu ý đối với hợp đồng trao đổi tài sản trong BLDS 2015
Thứ nhất, về tài sản dùng để trao đổi: BLDS 2015 quy định, tài sản dùng để trao đổi phải thuộc quyền sở hữu của hai bên tham gia quan hệ trao đổi tài sản này. Trường hợp một trong hai bên tham gia hợp đồng trao đổi tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình vẫn được coi là hợp pháp khi được chủ sở hữu thực sự của tài sản đó ủy quyền để thực hiện việc trao đổi tài sản. Như vậy, đối với hợp đồng trao đổi tài sản thì việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản đem trao đổi của các bên tham gia giao dịch là rất quan trọng, bảo đảm tính hợp pháp của giao dịch này. Trường hợp xác định được một trong hai bên tham gia hợp đồng trao đổi tài sản không phải chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đem trao đổi hoặc không được chủ sở hữu hợp pháp ủy quyền thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người thứ ba (nếu có).
Hợp đồng trao đổi tài sản có mục đích là chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Thông thường, hợp đồng mua bán tài sản, các bên dùng tiền để đổi lấy tài sản[1]; còn hợp đồng trao đổi tài sản là dùng tài sản đổi tài sản. Đối với tài sản là vật trong hợp đồng trao đổi thì thường là vật đặc định mà không phải vật cùng loại[2] vì sẽ không có ý nghĩa gì nếu các bên trao đổi vật cùng loại với nhau. Liên quan đến tài sản là tiền, có quan điểm cho rằng, tiền không thể là đối tượng của hợp đồng trao đổi vì tiền luôn được coi là công cụ định giá các loại tài sản khác và không ai mang tiền đổi lấy tiền[3]. Tác giả cho rằng, quan điểm này không chính xác, bởi lẽ, khoản 1 Điều 455 quy định rất rõ “các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau” mà không có quy định giới hạn trao đổi đối với bất kỳ loại tài sản nào. Đồng thời, trên thực tế, vẫn thường xuất hiện việc mang Việt Nam đồng đi đổi ngoại tệ (chủ yếu là đổi lấy đô la); bản chất của hoạt động này chính là hợp đồng trao đổi tài sản mà đối tượng trao đổi là tiền (trao đổi nội tệ với ngoại tệ).
Thứ hai, hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, theo đó: Mỗi bên trong hợp đồng trao đổi tài sản đều có nghĩa vụ giao cho bên kia một tài sản nhất định mà các bên đã thỏa thuận. Các bên có quyền yêu cầu bên kia chuyển vật và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nếu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng trao đổi tài sản cũng là một hợp đồng có đền bù, theo đó: Tính đền bù của hợp đồng này thể hiện ở chỗ, mồi bên đều nhận được một lợi ích là tài sản và đều phải giao lại cho bên kia một tài sản khác. Nếu tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Đồng thời, một lưu ý khác là: hợp đồng trao đổi tài sản có thể là hợp đồng ưng thuận, có thê là hợp đồng thực tế, cụ thể: Nếu các bên không có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trao đổi tài sản thì hợp đồng này có hiệu lực vào thời điểm giao kết và theo đó, hợp đồng trao đổi tài sản sẽ là một hợp đồng ưng thuận. Nếu các bên thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau thì hợp đồng trao đổi tài sản là một hợp đồng thực tế.
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Trong hợp đồng trao đổi tài sản, mỗi bên đều được coi là người bán và người mua. Do vậy, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ được xác định theo hợp đồng mua bán tài sản.
3. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
3.1. Về hình thức của hợp đồng
Khoản 2 Điều 455 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định”.
Như vậy, điều khoản này quy định hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định. Tác giả cho rằng, quy định này là chưa thực sự phù hợp, bởi lẽ, quy định này là vừa thừa, vừa thiếu và gây hiểu nhầm trong áp dụng pháp luật, cụ thể:
Xét về bản chất của hợp đồng trao đổi tài sản là việc các bên dùng tài sản của mình có để trao đổi với người khác, theo thỏa thuận chung của hai bên.
Điều 105 BLDS 2015 quy định:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Như vậy, dựa vào đối tượng là tài sản thì bao gồm rất nhiều loại khác nhau, có thể là vật, có thể là tiền,… đối với tài sản là vật thì cũng bao gồm nhiều dạng theo quy định của BLDS năm 2015. Theo đó, hình thức của hợp đồng do các bên thỏa thuận, lựa chọn phù hợp với quy định tại Điều 119 BLDS 2015.
Điều 119 BLDS 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Điều 116 BLDS 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, hình thức của hợp đồng trao đổi tài sản nên được quy định thống nhất với quy định về hình thức của giao dịch dân sự nói chung, theo đó, hình thức của hợp đồng trao đổi tài sản có thể bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ví dụ 1: Hai bên thống nhất đổi cho nhau 01 bao lúa lấy 01 bao ngô thông thường sẽ được các bên thỏa thuận bằng miệng với nhau và điều này là phù hợp.
Ví dụ 2: Đối với hợp đồng trao đổi tài sản có đối tượng là nhà, thì hình thức hợp đồng được xác định theo quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở năm 2023, cụ thể: “Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản,…”.
Tuy nhiên, với cách quy định tại khoản 2 Điều 455 BLDS 2015 mà tác giả viện dẫn ở trên dễ gây ra hiểu nhầm khi đọc, có quan điểm cho rằng, hình thức của hợp đồng trao đổi tài sản bắt buộc phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký nếu pháp luật có quy định[4]. Như vậy, với việc chỉ ghi nhận “một vế” về hình thức của hợp đồng như hiện nay là quy định vừa thiếu, vừa thừa; bởi lẽ, quy định về hình thức hợp đồng chỉ nêu trường hợp phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực… mà không nhắc tới các dạng hình thức hợp đồng khác như: hợp đồng được giao kết bằng lời nói, bằng hành vi,… là ghi nhận chưa đầy đủ. Đồng thời, quy định nói chung về hình thức hợp đồng đã được ghi nhận cụ thể tại Điều 119 BLDS 2015, vì vậy, quy định này tại khoản 2 Điều 455 BLDS năm 2015 là không thực sự cần thiết. Đối chiếu với quy định về hợp đồng mua bán tài sản được ghi nhận tại Mục 1 Chương XVI liền trước quy định về hợp đồng trao đổi tài sản cũng không có điều khoản nào quy định về hình thức của hợp đồng mua bán tài sản.
Do đó, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung BLDS 2015, nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 455 theo hướng bỏ nội dung quy định tại khoản 2 Điều luật này. Bởi lẽ, hợp đồng trao đổi tài sản cũng là một giao dịch dân sự, do vậy, nó cần tuân theo quy định về hình thức của giao dịch dân sự tại Điều 119 BLDS 2015, nên việc quy định thêm điều khoản về hình thức của hợp đồng này là không cần thiết.
3.2. Về quyền sở hữu đối với tài sản trao đổi
Khoản 3 Điều 455 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Về nguyên tắc, người trao đổi tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc người có quyền khác được thực hiện việc trao đổi với tài sản như người được chủ sở hữu ủy quyền. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là những trường hợp bên trao đổi không được quyền thực hiện hành vi trao đổi tài sản với người khác nhưng vẫn tiến hành định đoạt đối với tài sản. Quy định này của điều luật là chính xác nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch trao đổi tài sản. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở đây thì quy định này là chưa đầy đủ. Cụ thể: thực tế phát sinh trường hợp hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng trao đổi tài sản, một trong hai bên biết được tài sản không thuộc quyền sở hữu của bên kia và người này cũng không được chủ sở hữu tài sản ủy quyền để thực hiện việc trao đổi tài sản, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện việc trao đổi tài sản đó.
Trường hợp này, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 444 BLDS 2015 về bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán đối với hợp đồng mua bán tài sản để giải quyết, cụ thể: “Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Tuy nhiên, trường hợp này cần đánh giá cả hai bên tham gia hợp đồng trao đổi tài sản đều có lỗi cố ý, một bên là cố ý dùng tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình để trao đổi và một bên biết rõ bên kia không có quyền sở hữu đối với tài sản trao đổi và cũng không được ủy quyền nhưng vẫn thực hiện hợp đồng trao đổi.
Như vậy, cả hai bên đều có lỗi ngang bằng nhau. Tuy nhiên, trường hợp này luật chỉ quy định bên nhận tài sản trao đổi phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một vấn đề đặt ra tiếp theo là, trong thực tế, việc chứng minh một người biết hoặc buộc phải biết tài sản dùng để trao đổi thuộc sở hữu của người thứ ba để xác định hậu quả pháp lý đối với họ là rất khó khăn, bởi, chưa có quy định cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật quy định căn cứ, tiêu chí để đánh giá, xác định trong trường hợp này, do đó, việc áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất. Điều khoản trên mới chỉ dừng lại ở việc quy định trường hợp một bên trao đổi tài sản biết hoặc phải biết tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba, vậy, trong trường hợp họ không biết mà bị lừa dối để thực hiện hợp đồng trao đổi tài sản với người không có quyền sở hữu và cũng không được chủ sở hữu ủy quyền, trường hợp này, nếu phát sinh tranh chấp thì giải quyết như thế nào? Người nhận tài sản trao đổi đó có phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu không và họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại không? Trường hợp này cần xác định họ không biết và không buộc phải biết tài sản trao đổi đó là thuộc quyền sở hữu của người thứ ba, tức họ không có lỗi. Vấn đề này hiện vẫn chưa được quy định bởi pháp luật dân sự nên thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để khắc phục hạn chế, vướng mắc này, nhất là trong bối cảnh quy định về hợp đồng trao đổi tài sản được việc dẫn đến quy định của hợp đồng mua bán tài sản, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung của khoản 3 Điều 444 BLDS 2015 để làm rõ những vướng mắc nêu trên. Đồng thời, khi sửa đổi, bổ sung BLDS 2015, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 444 như sau:
“3. Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bên mua không biết tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba và thực hiện việc mua tài sản thì có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại”.
Cần xác định quy định mới mà tác giả đề xuất bổ sung này khác quy định tại khoản 3 Điều 455 BLDS 2015, theo đó, “Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Đây là trường hợp bên trao đổi tài sản biết tài sản trao đổi không thuộc quyền sở hữu của bên trao đổi và cũng không được ủy quyền nên có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn trường hợp tác giả đề xuất bổ sung là trường hợp một bên trao đổi tài sản “không biết” - là trường hợp luật chưa có quy định nên cần bổ sung để bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất, rõ ràng và hiệu quả trong thực tế.
3.3. Về xác định quan hệ tranh chấp
Hợp đồng trao đổi tài sản là một loại hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, đây là loại hợp đồng đặc biệt cả về người ký kết và đối tượng ký kết trong hợp đồng. Điều này được thể hiện qua một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, hai bên trong hợp đồng trao đổi tài sản đều có vai trò “vừa là người mua, vừa là người bán”: Khác với quan hệ mua bán thông thường là người bán giao tài sản và quyền sở hữu cho người mua và người mua trả tiền, cả hai bên trong hợp đồng trao đổi tài sản khi thực hiện trao đổi đều là bán đi tài sản và quyền sở hữu tài sản cho đối phương và nhận lại tài sản tương ứng.
Thứ hai, đối tượng ký kết của hợp đồng là “tài sản”: Hợp đồng trao đổi tài sản về bản chất thì mục đích cuối cùng cũng là việc chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác. Thế nhưng, điểm khác biệt ở chỗ hai bên khi ký kết không chuyển quyền sở hữu của mình để lấy được tiền từ người mua mà là để lấy một tài sản khác.
Khoản 4 Điều 455 BLDS 2015 cũng quy định: Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Đồng thời, quá trình thực hiện hợp đồng trao đổi tài sản được dẫn chiếu đến các điều luật quy định về hợp đồng mua bán tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 455 BLDS năm 2015.
Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp, tên gọi của hợp đồng phát sinh tranh chấp và bản chất của tranh chấp không đồng nhất, cụ thể, khi xác lập giao dịch, các bên ký kết hợp đồng mua bán tài sản, sau đó phát sinh tranh chấp và khởi kiện tại Tòa án. Quá trình nghiên cứu vụ việc, Tòa án đánh giá bản chất của tranh chấp là quan hệ trao đổi tài sản. Vậy trường hợp này xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản hay tranh chấp hợp đồng trao đổi tài sản.
Trong BLDS 2015, phần các hợp đồng thông dụng, nhà làm luật tách hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng trao đổi tài sản thành hai mục riêng. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định về hợp đồng trao đổi tài sản được viện dẫn tới một số quy định của hợp đồng mua bán tài sản. Về bản chất, hợp đồng trao đổi tài sản cũng là một dạng hợp đồng mua bán tài sản, chỉ khác là đối với hợp đồng mua bán tài sản thì dùng tiền đổi tài sản còn đối với hợp đồng trao đổi tài sản thì dùng tài sản để đổi lấy tài sản. Nhưng, rõ ràng, theo quy định của luật thì đây vẫn là hai dạng hợp đồng dân sự khác nhau, được điều chỉnh bởi các chế định dân sự độc lập, khi có tranh chấp phát sinh, các bên khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp thì lúc này, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xác định quan hệ tranh chấp để giải quyết chính xác vụ kiện. Tuy nhiên, thực tế cho có nhiều điểm tương đồng và pháp luật có nhiều quy định dẫn chiếu đối với hợp đồng trao đổi tài sản và hợp đồng mua bán tài sản nên vẫn có việc xác định chưa chính xác quan hệ tranh chấp[5]. Để giải quyết vướng mắc này, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về xác định quan hệ tranh chấp trong trường hợp này, để bảo đảm thống nhất việc áp dụng pháp luật và hạn chế việc án bị hủy, sửa.
Kết luận
Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng dân sự thông dụng hiện nay. Trải qua các lần pháp điển hóa, quy định của pháp luật dân sự về dạng hợp đồng này đã có những điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong quy định về hợp đồng trao đổi tài sản. Với việc phân tích, chỉ ra hạn chế, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị, tác giả hy vọng quy định về hợp đồng trao đổi tài sản trong BLDS 2015 sẽ dần được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 1995.
2. Bộ luật Dân sự năm 2005.
3. Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Luật Nhà ở năm 2023.
5. Công ty Luật TNHH Minh Khuê, Hợp đồng trao đổi tài sản là gì? Đối tượng hợp đồng trao đổi tài sản, https://luatminhkhue.vn/hop-dong-trao-doi-tai-san-la-gi.aspx.
6. Trần Mộng Bình, Tranh chấp hợp đồng mua bán, trao đổi tài sản và đặt cọc, https://tapchitoaan.vn/tranh-chap-hop-dong-mua-ban-trao-doi-tai-san-va-dat-coc6285.html.
7. Công ty Luật TNHH Thịnh Trí, Quy định về hợp đồng trao đổi tài sản mới nhất, https://www.luatthinhtri.com/chi-tiet/quy-dinh-ve-hop-dong-trao-doi-tai-san-moi-nhat-933.html.
[1] Xem thêm Điều 105 BLDS 2015.
[2] Xem Điều 113 BLDS 2015.
[3] Công ty Luật TNHH Minh Khuê, Hợp đồng trao đổi tài sản là gì? Đối tượng hợp đồng trao đổi tài sản, https://luatminhkhue.vn/hop-dong-trao-doi-tai-san-la-gi.aspx, truy cập ngày 05/5/2024.
[4] Công ty Luật TNHH Thịnh Trí, Quy định về hợp đồng trao đổi tài sản mới nhất, https://www.luatthinhtri.com/chi-tiet/quy-dinh-ve-hop-dong-trao-doi-tai-san-moi-nhat-933.html, truy cập ngày 05/5/2024.
[5] Trần Mộng Bình, Tranh chấp hợp đồng mua bán, trao đổi tài sản và đặt cọc, https://tapchitoaan.vn/tranh-chap-hop-dong-mua-ban-trao-doi-tai-san-va-dat-coc6285.html, truy cập ngày 05/5/2024.
TAND quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ngô Hồng Thấm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận