Khắc phục vướng mắc trong việc thi hành án treo không khó
Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung bài viết “Vướng mắ trong công tác thi hành án treo, cần có giải pháp tháo gỡ” của tác giả Trần Thị Thu Thủy, tôi cho rằng khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, Hội đồng xét xử ra Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo thời hạn là 45 ngày kể từ ngày tuyên án là giải quyết được vướng mắc này.
Trước hết, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả là thực tiễn hiện nay đang vướng mắc khi Tòa án ra Quyết định thi hành án treo trong trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc tại thời điểm sau khi Tòa án tuyên án nhưng Bản án chưa có hiệu lực pháp luật, dẫn đến khó khăn cho việc giao cho Cơ quan Thi hành án hình sự nào để tổ chức thi hành án treo, quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục người bị kết án trong thời gian thử thách.
Nhưng tôi không đồng ý với kiến nghị của tác giả:“Trong trường hợp, bản án đã tuyên quyết định giao người được hưởng án treo cho đơn vị thuộc lực lượng Quân đội nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc quản lý, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, nhưng trong thời điểm bản án chưa có hiệu lực pháp luật, người được hưởng án treo chưa chấp hành quyết định thi hành án treo của Tòa án mà có sự thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú hoặc không thuộc sự quản lý của đơn vị thuộc lực lượng Quân đội nhân dân quản lý thì Tòa án không căn cứ vào quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật để ra quyết định thi hành án, mà phải căn cứ vào nơi người được hưởng án treo đang cư trú, làm việc trên thực tế tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật để xác định cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định của Tòa án và cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách.
Trình tự giải quyết trường hợp trên được thực hiện như sau: Trên cơ sở Bản án đã tuyên về tội danh, hình phạt và những nội dung khác có liên quan, Tòa án cần phải căn cứ vào tài liệu có giá trị chứng minh người được hưởng án treo đã thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú, như: Quyết định xuất ngũ, Quyết định điều chuyển công tác, Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú...do người được hưởng án treo, gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội cung cấp để ra quyết định thi hành án treo đối với người được hưởng án treo; toàn bộ các tài liệu chứng minh, Bản án đều phải được kèm theo quyết định thi hành án treo và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án hình sự chịu trách nhiệm thi hành được nêu trong quyết định thi hành án treo có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định đúng quy định”.
Bởi vì, theo quy định tại Điều 364 BLTTHS thì “Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định Thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định Thi hành án” và theo quy định tại Điều 21, Điều 84 Luật Thi hành án hình sự thì khi ra Quyết định Thi hành án treo phải căn cứ vào Quyết định của Bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, Tòa án không thể căn cứ: Quyết định xuất ngũ, Quyết định điều chuyển công tác, Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú... do người được hưởng án treo, gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị Quân đội cung cấp để ra quyết định Thi hành án treo đối với người được hưởng án treo khi người được hưởng án treo đã thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật được.
Chúng tôi đã có bài trao đổi trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2018 “Một số vấn đề về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” và có kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 123 BLTTHS như sau:
“4. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử theo quy định của Bộ luật này: Vụ án được gia hạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn gia hạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử. Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú là 45 ngày kể từ ngày tuyên án…”.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.
Một phiên tòa hình sự tại TAND tỉnh Hà Nam - Ảnh P7VKSHN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận