Không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” đối với Nguyễn Đình T

Sau khi nghiên cứu bài viết: “Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” hay không?” và các ý kiến trao đổi, tôi nhất trí như quan điểm thứ hai của tác giả.

Tôi cho rằng không thể áp dụng tình tiết tăng năng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS đối với Nguyễn Đình T. Bởi lẽ

Điều 53 của BLHS có quy định:“Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”. Tuy nhiên, BLHS, BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có quy định cụ thể về thế nào là “Đã bị kết án”, do đó trên thực tế dẫn đến những cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.

Theo tác giả, để một người được xem là “Đã bị kết án” thì người đó phải trải qua một quy trình tố tụng hết sức chặt chẽ ngay từ khi khởi tố, điều tra, truy tố cho đến khi xét xử ra bản án, quyết định tuyên bố họ phạm tội cụ thể được quy định trong BLHS. Trường hợp này, nếu khi xét xử Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS đối với Nguyễn Đình T là đã áp dụng “quy định bất lợi” cho bị cáo và việc áp dụng này là trái với quy định tại Điều 31 của Hiến pháp 2013 đã được cụ thể hóa tại Điều 13 của BLTTHS về Nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong quy định tại các điều luật và Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 thì đi liền sau cụm từ “Đã bị kết án” là cụm từ “Chưa được xóa án tích”. Như vậy, có thể hiểu “Đã bị kết” thì bản thân nó phải là một “án tích”. Theo quy định tại Điều 69 BLHS về xóa án tích thì: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Do đó “Đã bị kết án” cần được hiểu là bản án đó phải là bản án đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay vẫn có hai quan điểm, cách hiểu trái ngược, không thống nhất về quy định “Đã bị kết án” trong quá trình áp dụng BLHS ảnh hưởng đến việc xác định có hay không có tội phạm hoặc ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội. Do vậy, trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và nâng cao chất lượng công tác xét xử của Tòa án.

Trên đây là nội dung trao đổi về bài viết “Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” hay không?”, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý độc giả.

 

TAND huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án Cố ý gây thương tích – Ảnh: Nguyễn Thị Nụ

 

HỒ QUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)