Không bị coi là có án tích

Đến nay pháp luật chưa có hướng dẫn hoặc giải thích cụ thể thế nào là “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích”, những trường hợp này có phải là đương nhiên xóa án tích không, hậu quả pháp lý đối với người bị kết án là gì...

 

Án tích là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải chịu sau khi bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Sau khi thỏa mãn điều kiện theo quy định của pháp luật thì án tích sẽ được xóa, khi đó người đã xóa án tích được coi như chưa bị kết án. Trừ trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, bản án được tuyên bao giờ cũng gắn liền với nghĩa vụ thi hành án và vấn đề xóa án tích.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 ngoài việc quy định về án tích, xóa án tích còn có quy định về “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích”, cụ thể:

Khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”.

Khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 quy định: “Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này”.

Đến nay, pháp luật chưa có hướng dẫn hoặc giải thích cụ thể thế nào là “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích”, những trường hợp này có phải là đương nhiên xóa án tích không, hậu quả pháp lý đối với người bị kết án là gì? Trong khi đó, khoản 1 Điều 69 BLHS năm 2015 quy định: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Vậy, người “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” có thuộc diện “coi như chưa bị kết án” hay không? Vấn đề này không chỉ liên quan đến việc xác định nhân thân của người bị kết án mà còn liên quan đến nhiều nội dung khác của khoa học luật hình sự cũng như thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật như: Vấn đề xóa án tích, thi hành hình phạt, tổng hợp hình phạt, xác định tình tiết định tội, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xác định nhân thân để quyết định cho hoặc không cho hưởng án treo… Qua nghiên cứu lý luận cũng như tổng kết thực tiễn cho thấy, hiện có 02 cách hiểu khác nhau về quy định này, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, “Người bị kết án trong các trường hợp này đương nhiên được coi là không có án tích kể từ khi bản án có hiệu lực, không liên quan tới việc người đó đã chấp hành xong bản án hay chưa. Nói theo cách khác, trường hợp này cũng giống như một cách xóa án tích đặc biệt, vô điều kiện (xóa án tích ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật). Trên thực tế, áp dụng như vậy là tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được hưởng những quy định có lợi nhất theo đúng tinh thần của chính sách hình sự mới”.

Theo quan điểm này, sẽ không đặt ra vấn đề xóa án tích; không dùng bản án đã tuyên để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm; không dùng để xác định nhân thân trong quá trình cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ; cũng không có căn cứ để thi hành hình phạt và tổng hợp hình phạt. Tác giả thấy rằng, nếu như hiểu “không bị coi là có án tích” hay “được coi là không có án tích” với nghĩa là không phải chịu hậu quả bất lợi nào từ bản án đã tuyên thì rõ ràng không cần thiết phải quy định tội phạm và hình phạt đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng với lỗi vô ý, cũng không cần phải quy định chủ thể từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015. Bởi quy định tội phạm và hình phạt cùng một quá trình tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kèm theo nhưng mặc nhiên xác định xóa án tích đối với người bị kết án ngay từ khi bản án có hiệu lực rõ ràng không hợp lý.

Nghiên cứu BLHS năm 1999, chỉ có Điều 77 có quy định về nội dung này: “Người chưa thành niên phạm tội, nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này, thì không bị coi là có án tích”, đồng thời, theo Điều 307 BLTTHS năm 2003: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Tòa án áp dụng một trong những biện pháp tư pháp quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự”. Như vậy, theo các quy định này thì “không bị coi là có án tích”, chỉ có trong trường hợp đặc biệt, hoặc với những chủ thể đặc biệt, mà không áp dụng đối với từng loại tội danh cụ thể. Do đó, cần phải hiểu quy định “không bị coi là có án tích”, và “được coi là không có án tích” không phải nhằm xác định người bị kết án không phải chịu bất kỳ hậu quả bất lợi nào của bản án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, với quy định như trên thì đương nhiên không xác định tiền án, không đặt ra vấn đề xóa án tích. Tuy nhiên, hình phạt và quyết định của bản án thì vẫn phải thi hành. Vì không có lý gì BLHS quy định một hành vi là tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhưng sau đó lại không thi hành. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không có quy định nào về việc không thi hành đối với các trường hợp “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích”.

Tuy nhiên, lập luận theo quan điểm này cũng có điểm bất hợp lý. Bởi pháp luật quy định đây là những trường hợp thuộc diện “không bị coi là có án tích”. Vậy thì bản án đã tuyên trong trường hợp này gọi là gì? Nghiên cứu các điều luật liên quan, chúng tôi thấy quy định “được coi là không có án tích” tại khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 với các đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi mâu thuẫn với quy định tại khoản 7 Điều 91 BLHS năm 2015: “Án đã tuyên với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Vì cùng một chủ thể, nếu đã được coi là không có án tích thì đương nhiên không thể dùng bản án đó để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Quy định “không bị coi là có án tích” tại khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015 cũng rất khó có cơ sở khoa học để phân định với quy định “coi như chưa bị kết án” tại khoản 1 Điều 69 BLHS năm 2015 do thiếu cơ sở pháp lý.

Để làm rõ nội hàm quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, chúng tôi cho rằng cần tìm hiểu các quy định liên quan để xác định mục đích các nhà làm luật đưa ra quy định này.

Nghiên cứu Điều 62 BLHS năm 2015, tác giả thấy không có quy định về miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích”. Nghiên cứu các điều 55, 56, 103, 104 BLHS năm 2015 cũng không có quy định nào loại trừ tổng hợp đối với các trường hợp “không bị coi là có án tích” hay “được coi là không có án tích” theo các điều 69, 107 BLHS năm 2015. Có nghĩa là những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 69, khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 khi phạm tội mới và có đủ căn cứ thì phải tổng hợp hình phạt. Mặt khác, điểm a khoản 2 Điều 103 BLHS năm 2015 quy định rõ về trường hợp tổng hợp hình phạt đối với người phạm tội dưới 16 tuổi (trường hợp mà theo điểm a khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 quy định “được coi là không có án tích”). Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc thi hành bản án và tổng hợp hình phạt khi có đủ điều kiện đối với những trường hợp thuộc khoản 2 Điều 69, khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 vẫn thực hiện bình thường. 

Vậy phải hiểu quy định “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” như thế nào cho đúng? Theo chúng tôi, quy định này là để áp dụng đối với những tội phạm có tính nguy hiểm không lớn (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng với lỗi vô ý), hoặc đối với những chủ thể đặc biệt (người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý) và không cần thiết áp dụng bản án đã tuyên để gây hậu quả bất lợi khác cho người phạm tội như (xác định tình tiết định tội, xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm) trong trường hợp này...; tuy nhiên, vẫn phải thi hành hình phạt và quyết định của bản án; vẫn dùng bản án đã tuyên để xác định nhân thân khi xét cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Vì thực tế, ngay cả người được xóa án tích cũng phải trong một thời hạn nhất định mới được xem là không có nhân thân xấu và vẫn phải tổng hợp hình phạt, vì rõ ràng họ không được miễn hình phạt.

Ví dụ: Tháng 9/2017, Sùng Seo L sinh ngày 28/12/2000, bị Tòa án nhân dân huyện S xử phạt 03 tháng 06 ngày tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại bản án số 07/ 2017/HSST ngày 29/9/2017. Tòa án nhân dân huyện S xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại bản án số 14/2017/HSST ngày 30/11/2017 theo khoản 1 Điều 138 BLHS 1999.

Ngày 17/4/2018, Sùng Seo L trộm cắp 01 xe mô tô trị giá 05 triệu đồng và bị Tòa án nhân dân huyện S áp dụng điểm g khoản 2 Điều 173; điểm h, s khoản 1 Điều 51, Điều 90, Điều 91, Điều 101 BLHS năm 2015 để xử phạt 01 năm 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” tại bản án số 05/ 2018/HSST ngày 26/6/2018. Bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngày 13/5/2019, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ra quyết định giám đốc thẩm với nhận định: Tòa án nhân dân huyện S tuyên xử Sùng Seo L tại Bản án số 07/ 2017/HSST ngày 29/9/2017 và Bản án số 14/2017/HSST ngày 30/11/2017 khi bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Theo điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 thì bị cáo không được coi là có án tích. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm dùng 02 bản án trên để xác định tiền án và áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 đối với bị cáo là không đúng quy định pháp luật.

Trong trường hợp này, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xác định: Căn cứ Điều 107 BLHS năm 2015 thì bản án năm 2017 kết án bị cáo khi chưa đủ 17 tuổi về tội ít nghiêm trọng nên không coi là có án tích, không xác định tiền án để làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Với những phân tích trên, tác giả cho rằng, bản chất của quy định “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” tại các điều 69, 107 BLHS năm 2015 cần được hiểu là không sử dụng bản án đã tuyên để xác định tình tiết định tội, xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, phần bản án, quyết định đương nhiên phải thi hành, và như vậy thì bản chất không phải là không có án tích. Họ vẫn có án tích, nhưng không cần thiết dùng bản án đó để áp dụng một số tình tiết bất lợi cho người bị kết án. Việc sử dụng thuật ngữ “không bị coi là có án tích” hay “được coi là không có án tích” tại khoản 2 Điều 69, khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015 là chưa rõ nghĩa, chưa đúng bản chất và làm phát sinh mâu thuẫn với các quy định liên quan, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.

Từ những phân tích, lập luận như trên, tác giả kiến nghị bỏ quy định “không bị coi là có án tích” và “được coi là không có án tích” tại Điều 69, Điều 107 BLHS năm 2015, đồng thời quy định cụ thể những trường hợp này sẽ không sử dụng bản án đã tuyên để xác định tình tiết định tội hoặc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Việc xóa án tích dựa trên căn cứ chung theo quy định tại các điều 70, 71, 72, 107 BLHS năm 2015, không có trường hợp ngoại lệ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất sửa đổi các điều 69, Điều 91, Điều 107 BLHS năm 205 cụ thể như sau:

Điều 69. Xóa án tích

“... 2. Không sử dụng bản án đã tuyên đối với người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt để xác định tình tiết định tội hoặc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.

Điều 107. Xóa án tích

 “... 2. Án đã tuyên với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp sau thì không tính để xác định tình tiết định tội hoặc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi”...

Bỏ quy định: “Án đã tuyên với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm” tại khoản 7 Điều 91 BLHS năm 2015, vì nội dung này đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015./.  

Theo Kiemsat.vn

 

TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án  Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Cẩm Duyên

Ths. ĐINH CÔNG THÀNH