Không có căn cứ để xem xét lại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn

Sau khi đọc bài viết "Thụ lý, giải quyết tranh chấp xác định không phải cha con như thế nào mới đúng luật? của tác giả Trần Tú Anh và Huỳnh Minh Khánh", tôi thấy quan điểm thứ nhất là đúng pháp luật.

Thứ nhất, không có căn cứ để xem xét lại Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 theo thủ tục tái thẩm như Quan điểm thứ hai. 

Theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Chị V và anh K kết hôn năm 2018, sinh cháu Nguyễn Hồ Minh A vào năm 2019, nên cháu A đương nhiên là con chung của anh K và chị V. Vì vậy, Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 (sau đây gọi là Quyết định 96) của TAND huyện C, tỉnh T ghi nhận chị V có quyền nuôi cháu A, anh K có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu A là đúng pháp luật.

Thứ hai, theo Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Toà án xác định người đó không phải là con mình. Do đó, việc anh K khởi kiện đối với chị V để yêu cầu Toà án xác định anh K không phải là cha ruột của cháu A, từ đó chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A cũng là một yêu cầu về hôn nhân và gia đình và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Thứ ba, về bản chất Quyết định 96 là quyết định về yêu cầu chấm dứt hôn nhân của chị V và anh K, trong đó có thoả thuận nghĩa vụ nuôi con chung. Căn cứ pháp lý phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K với cháu A sau khi ly hôn chị V là cháu A được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị V và anh K. Vì cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu...

Còn Quyết định 99 là quyết định về yêu cầu xác định không phải cha con, căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A là do anh K và cháu A không có quan hệ huyết thống, không có quan hệ nuôi dưỡng.

Như vậy, từ căn cứ pháp lý cho việc ban hành hai quyết định này khác nhau và yêu cầu về hôn nhân gia đình được giải quyết trong hai quyết định này cũng  khác nhau (một bên là yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và một bên là yêu cầu xác định không phải cha con), nên không thể nói Quyết định 96 và Quyết định 99 có nội dung trái ngược nhau. Tôi cho rằng chỉ khi nào cả hai quyết định này cùng giải quyết một yêu cầu, cùng sử dụng một căn cứ pháp lý mà đi đến hai quyết định khác nhau thì mới mâu thuẫn.

Vì vậy, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất về việc thụ lý đơn của anh K và giải quyết như một việc dân sự thông thường. Theo đó, căn cứ kết quả trưng cầu giám định lại AND của cháu A và anh K để mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, làm cơ sở để các bên đồng ý chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A.

Trên đây là ý kiến của người viết, rất mong nhận được trao đổi của tác giả, các đồng nghiệp và bạn đọc.

TAND huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Thị Diên

ĐINH THU NHANH (Toà án quân sự Quân khu 4)