Không nên hình sự hóa hành vi của Phan Mạnh H
Sau khi đọc bài viết “Phan Mạnh H phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường và các ý kiến trao đổi, tôi thấy rằng vẫn còn chưa thoả mãn để xác định H đã thực hiện hành vi khách quan của tội xâm phạm sở hữu.
Các tội xâm phạm sở hữu được quy định trong BLHS năm 2015, từ Điều 168 đến Điều 180. Theo đó có thể chia vào các nhóm:
Nhóm tội phạm có tính chất chiếm đoạt: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).
Nhóm tội không có tính chất chiếm đoạt: Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176); Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177)
Nhóm tội không có tính vụ lợi, không chiếm đoạt: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).
Và với cách phân loại trên, có thể xác định được các nhóm hành vi khách quan của tội xâm phạm sở hữu như sau:
+ Hành vi chiếm đoạt tài sản là người phạm tội cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác thành tài sản “của mình”…
+ Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố ý không giao tài sản do ngẫu nhiên mà chiếm hữu được (ví dụ như: nhặt được, được chuyển khoản nhầm,…) sau khi chủ tài sản hay người quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
+ Hành vi sử dụng trái phép là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà đã khai thác giá trị, giá trị sử dụng các tài sản khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
+ Hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản là những hành vi làm mất hoàn toàn hoặc một phần giá trị, giá trị sử dụng của tài sản.
+ Hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước hoặc vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
Như vậy, có thể thấy rằng các hành vi xâm phạm sở hữu có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Riêng các tội phạm có tính chất chiếm đoạt thì phải được thực hiện bằng hành động. Và một hành vi phạm tội có thể là một hoặc bao gồm nhiều hành động cụ thể khác nhau mà trong sự tổng hợp với một hoặc nhiều tình tiết khách quan và chủ quan nhất định thì thoả mãn một cấu thành tội phạm cụ thể. Ví dụ: Tội cướp giật tài sản đòi hỏi người phạm tội nhanh chóng chiếm hữu (giật lấy tài sản) và nhanh chóng tẩu thoát, nhưng tội cướp tài sản chỉ đòi hỏi người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đã có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc bất kì hành vi khác khiến ý chí bị hại bị tê liệt là tội phạm đã hoàn thành.
Trong vụ án trên, H đã có hành vi nhanh chóng nhặt cọc tiền lên, giấu vào người và bỏ chạy. Tuy nhiên, khi chiếu vào các nhóm hành vi khách quan trên, thì người viết thấy rằng vẫn còn chưa thoả mãn để xác định H đã thực hiện hành vi khách quan của tội xâm phạm sở hữu.
Bởi lẽ, “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Như vậy, để chiếm đoạt tài sản, tạo ra khả năng làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu và tạo ra quyền sở hữu cho mình thì người phạm tội cần phải có được (hay chiếm hữu) tài sản một cách trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn đang tiếp cận khái niệm chiếm hữu tài sản trái pháp luật thông qua việc liệt kê các hành vi khách quan được mô tả trong các điều từ Điều 168 đến Điều 180 BLHS năm 2015 mà chưa có một căn cứ pháp lý cụ thể, đầy đủ. Ngoài các hành vi khách quan như dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản… thì trong các điều luật trên còn quy định hành vi khách quan “thủ đoạn khác”, “hành vi khác”. Điều này đã khiến cho quá trình định tội danh gặp nhiều khó khăn vì cách hiểu như thế nào đối với hai hành vi khách quan này còn chưa được cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể, và trong thực tiễn cuộc sống các hành vi chiếm đoạt tài sản càng ngày càng tinh vi và đa dạng, vượt quá dự liệu tại thời điểm xây dựng Bộ luật này.
Vì vậy, người viết cho rằng để không bỏ lọt tội phạm, cũng như không làm oan người vô tội khi hình sự hoá một quan hệ dân sự, cũng như để hiểu đúng hành vi khách quan “thủ đoạn khác” hoặc “hành vi khác” thì khi định tội xâm phạm sở hữu, chúng ta cần phải loại trừ các trường hợp chiếm hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự trước khi xác định một hành vi là chiếm hữu trái pháp luật.
Theo quy định tại các điều 179 và 221 BLDS 2015, chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu có thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trong các trường hợp như đối với tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, tài sản bị bỏ quên… nếu là chiếm hữu có căn cứ pháp luật. Điều 165 BLDS 2015 quy định, “chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.”
Như vậy, để chiếm hữu có căn cứ pháp luật đối với tài sản bị đánh rơi thì phải đáp ứng các điều kiện nhất định, mà cụ thể ở đây là các quy định tại Điều 230 BLDS 2015. Theo đó, người phát hiện tài sản bị đánh rơi nếu biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Thời hạn để có thể xác lập quyền sở hữu là 1 năm kể từ ngày chính quyền thông báo công khai về tài sản bị đánh rơi mà không xác định được chủ sở hữu.
Tại thời điểm H nhìn thấy cọc tiền 50.000.000 đồng thì cọc tiền đang ở trên đường, H nhìn thấy T đánh rơi, nhưng H không biết T là ai. H đã nhặt cọc tiền lên, như vậy để có thể chiếm hữu có căn cứ pháp luật đối với cọc tiền này, H cần đáp ứng các điều kiện trên. Tuy nhiên, không lâu sau khi có được cọc tiền này thì H đã bị những người truy bắt T bắt giữ. Tức là về mặt thời gian, thì các sự việc: T ăn trộm, T bỏ chạy, T làm rơi tiền, H nhặt được tiền, H bị bắt, T bị bắt diễn ra rất nhanh, có sự liên tục về thời gian. Cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh được H chiếm hữu cọc tiền trái pháp luật bởi H có được cọc tiền do T đánh rơi mà không cần dùng đến thủ đoạn nào, và đây là một sự kiện pháp lý thuần dân sự, được ghi nhận trong BLDS (chiếm hữu tài sản do người khác đánh rơi)!
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta đang hình sự hoá một quan hệ dân sự khi đặt ra vấn đề định tội danh đối với H, ở đây phải khẳng định H không phạm tội mới đúng. Rất mong nhận được phản hồi trao đổi của tác giả và các đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Tuấn Kiệt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận